|
Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường (trái) thăm trại nuôi thỏ xây dựng từ nguồn vốn vay ưu đãi của gia đình anh Nguyễn Quyết Thắng. Ảnh: Phương Đông |
Thanh Hưng có 20 thôn bản với 1.525 hộ, gồm 5 dân tộc Kinh, Thái, Tày, Nùng và Mường. Thu nhập của của người dân trong xã chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Trước năm 2003, khi chưa có các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH, cái nghèo vẫn bám riết lấy nhiều gia đình nơi đây.
Hộ nghèo đã có tích luỹ
Hơn 5 năm được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, gia đình ông Nguyễn Xuân Huyến, Chi hội 3, không chỉ thoát nghèo mà bước đầu đã có tích luỹ với mô hình nuôi cá kết hợp nuôi vịt đẻ. Hiện, ông Huyến đang nuôi 400 vịt đẻ và hơn 1.000m2 ao thả cá.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi ở xã Thanh Hưng là 17,8 tỷ đồng với 842 hộ vay, trong đó chương trình cho vay hộ nghèo là 9 tỷ đồng, chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn 5,5 tỷ đồng, chương trình cho vay HS-SV hơn 3 tỷ đồng.
Tiền ông đầu tư nuôi vịt, nuôi cá vay từ Ngân hàng CSXH. “Tôi được ngân hàng cho vay 2 lần, lần đầu 15 triệu đồng, lần 2 là 30 triệu đồng. Tất cả tôi đầu tư đào đắp ao, mua cá giống, vịt giống và thức ăn chăn nuôi. Nếu không có vốn ưu đãi chưa biết đến bao giờ gia đình tôi mới có cơ ngơi như hôm nay”- ông Huyến thổ lộ.
Nằm trên cánh đồng Mường Thanh rộng thẳng cánh cò bay, đất đai ruộng đồng màu mỡ, nhưng trước năm 2003, tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Thanh Hưng khá chậm.
Nguyên nhân chủ yếu do người dân thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, đặc biệt là thiếu vốn. Anh Vi Văn Biến - Chi hội trưởng Chi hội ND bản Noong Pết nhớ lại: “Trong các buổi hội họp, cái bà con ham nhất là nghe phổ biến về chính sách cho ND vay vốn các chương trình tín dụng ưu đãi. Từ năm 2003 tới nay, nhờ có vốn ưu đãi mà số hộ nghèo của bản Noong Pết giảm dần. Bản có 50 hộ, hiện chỉ còn 10 hộ nghèo”.
Vốn ưu đãi không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo, mà còn hỗ trợ các hộ có điều kiện xây dựng trang trại làm ăn lớn. Anh Nguyễn Quyết Thắng, Chi hội 1 có trang trại nuôi nhím, thỏ và lợn rừng cho biết: “Thành công bước đầu của trang trại cũng nhờ có sự tiếp sức của nguồn vốn ưu đãi. Năm 2008, khi đang bí tiền mua con giống, tôi được Ngân hàng CSXH cho vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm...”.
Tăng tính cộng đồng
Với gần 18 tỷ đồng dư nợ vốn ưu đãi, bí quyết nào để người dân xã Thanh Hưng sử dụng hiệu quả đồng vốn và đảm bảo chất lượng tín dụng? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Ngọc Ngấn - Chủ tịch Hội ND xã Thanh Hưng chia sẻ: “Chúng tôi tuyên truyền, giải thích rõ với người dân rằng, vốn ưu đãi không phải là cho không, mà là có vay, có trả và tính lãi.
Hộ đúng đối tượng cho vay của chương trình nào, có nhu cầu và có phương án sử dụng vốn hiệu quả đều được đáp ứng. Bên cạnh phối hợp với Ngân hàng CSXH giải ngân vốn, UBND, Hội ND xã thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn sao cho hiệu quả. UBND, Hội ND xã và tổ vay vốn thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn đến từng hộ vay. Chính vì thế, chất lượng vốn tín dụng ưu đãi ở Thanh Hưng luôn đảm bảo, tạo được uy tín đối với Ngân hàng CSXH”.
Nguồn vốn ưu đãi phát huy hiệu quả ở Thanh Hưng còn từ việc phát huy tính đoàn kết cộng đồng ở các thôn, bản. Anh Vi Văn Biến-Chi hội trưởng bản Noong Pết cho biết: “Bên cạnh việc tiếp nhận kiến thức thông qua các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do xã tổ chức, trong bản, những hộ có điều kiện, có kinh nghiệm sản xuất có trách nhiệm hướng dẫn cho những hộ khó khăn làm ăn.
Hộ có thế mạnh về chăn nuôi hướng dẫn hộ có nhu cầu chăn nuôi. Hộ có kinh nghiệm trồng rau, hoa bày cho hộ có nhu cầu trồng rau, hoa. Các hộ khá còn giúp hộ nghèo, hộ khó khăn về cây, con giống...”.
Phương Đông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.