Lá dừa nước giống hệt như lá dừa trên cạn, nhưng nó liền lạc và to bản hơn. Từ thời khẩn hoang lập ấp cho đến những năm sau 1975 cùng với cây tre, mù u, đủng đỉnh… lá dừa nước là vật liệu chủ yếu để cư dân nơi này cất nhà cửa. Công đoạn đốn lá, rọc lá nặng nhọc chủ yếu dành cho đàn ông. Còn phụ nữ đảm nhận khâu chằm lá đòi hỏi tính kiên trì, tỉ mẩn...
Rặng dừa nước đong đưa gợi nhớ biết bao kỷ niệm tuổi thơ. ảnh:T.L
Lá chằm xong đem phơi nắng đến khi ngả sang màu vàng thì có thể đem đi “dừng’’ vách, lợp mái nhà. Căn nhà mái lá đơn sơ soi bóng bên dòng sông, con rạch với khói lam chiều hờ hững tỏa lên từ chái bếp là hình ảnh đặc trưng của Nam bộ một thời.
Đối với bọn trẻ chúng tôi, rặng dừa nước lại có cái sức hấp dẫn rất riêng. Không kể cái cùi dừa nước giòn sần sật, cho thêm chút đường rồi ngâm nước đá ăn rất “đã’’ thì có một loài đặc sản sống “cộng sinh’’ trong những bẹ dừa nước mới khiến tụi tôi quên bẵng những trận đòn roi của mẹ cha tìm bắt bằng được. Đó là loài cá bống to cỡ đầu ngón tay chuyên trú ẩn trong những bập dừa luôn ăm ắp nước nên người ta gọi thành danh là cá bống dừa.
Cá bống dừa bắt được đem đi dùng rổ chà vảy cho sạch, mổ bụng để ráo rồi đem đi kho tiêu, kho sả, kho nước cốt dừa… ăn cơm cùng với tô canh rau tập tang nóng hổi, bốc khói thì…thôi rồi. No căng bụng vẫn còn thèm!
Bây giờ cuộc sống của người dân đồng bằng đã khá hơn xưa, hình ảnh căn nhà tre mái lá lùi dần vào dĩ vãng. Đêm nằm nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà tôn bỗng dưng hoài niệm tiếng mưa rơi rạt rào trên mái lá dừa nước năm nào./
Vui lòng nhập nội dung bình luận.