Thủy điện nhỏ: Không gây lũ nhưng góp phần vào biến cố thiên tai
"Thủy điện nhỏ không gây thêm lũ nhưng góp phần vào biến cố thiên tai"
Thanh Phong
Thứ bảy, ngày 31/10/2020 05:35 AM (GMT+7)
Theo nhận định của các chuyên gia, thủy điện nhỏ có thể không gây ra tình trạng “lũ chồng lũ” như dư luận lên án thời gian qua. Tuy nhiên, việc xây dựng quá nhiều thủy điện nhỏ đi kèm với phá rừng có thể dẫn tới nhiều biến cố thiên tai.
Thời gian vừa qua, trước ảnh hưởng của các cơn bão thường niên, nhiều sự cố thiên tai như lũ, sạt lở đất,… đã diễn ra tại nhiều tỉnh miền Trung. Điển hình như các vụ sạt lở đất gây thiệt hại về người và của tại thủy điện Rào Trăng 3, Trà Leng,… Qua đó, dư luận dấy lên mối nghi ngại về vấn đề quy hoạch thủy điện nhỏ có thể khiến các biến cố thiên tai thêm trầm trọng.
Ông Vũ Thanh Ca, Khoa môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các công trình thủy điện khi xây dựng cần có những quy trình cụ thể, khi trình lên các cấp có thẩm quyền phải thỏa mãn điều kiện mới được phê duyệt.
Theo ông Ca cũng cho hay, báo cáo đánh giá trên thế giới về mối liên hệ giữa hồ chứa các khu vực ở Châu Âu cho thấy: Hồ chứa lớn có khả năng giảm lũ, một số hồ giảm tới 100%, hoặc là hồ nhỏ không có tác dụng giảm lũ.
Tuy nhiên, cũng theo nhận định của vị chuyên gia này, ý kiến nói hồ thủy điện làm cộng hưởng và gây "lũ chồng lũ" là không đúng.
"Mưa miền Trung năm nay là mưa cực lớn trong nhiều năm mới xảy ra một lần và trong trường hợp này, báo cáo của hiệp hội nghiên cứu rừng quốc tế cho thấy, rừng nguyên sinh chỉ có thể điều hòa và giảm được những trận lũ nhỏ, cực bộ chứ hầu như không có tác dụng giảm lũ đối với lũ cực đoan. Với mức mưa như vậy, ngay tại hồ lớn cũng cực kỳ khó giảm lũ, chưa kể thủy điện nhỏ", ông Ca nói.
Cụ thể, ông Ca lấy ví dụ, đợt mưa tháng 7/2018 tại Nhật Bản làm 225 người chết và 13 người mất tích, thiệt hại kinh tế nặng nề.
"Tại sao như vậy khi rừng của họ hầu như được giữ nguyên, ngay cả chân núi đều có đường bê tông vững chắc để chặn đá lở?... Đối với trường hợp thời tiết cực đoan thì rừng không có nhiều tác dụng", ông Ca nhận định.
Tuy khẳng định các công trình thủy điện nhỏ không gây "lũ chồng lũ" nhưng bày tỏ quan điểm về loạt thủy điện nhỏ "chi chít" trên các sông ở miền Trung, hay việc một lòng sông chỉ khoảng 26km nhưng cõng tới 4 thủy điện nhỏ ở Rào Trăng, ông Ca cho rằng:
"Thủy điện nếu quản lý tốt thì nó chỉ phá một phần rừng ở lòng hồ đã được tính toán, còn nếu như phá quá mức đó thì lỗi ở công tác quản lý nhà nước yếu kém"
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đánh giá thêm, hiệu quả cắt giảm lũ của các công trình thủy điện vừa và nhỏ là không đáng kể.
Nguyên nhân là do các công trình này chủ yếu nằm trên các lưu vực sông nhánh hoặc suối với diện tích lưu vực nhỏ, độ dốc lớn nên dung tích hồ chứa rất nhỏ. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng thủy điện nhỏ, đi kèm với phá rừng, tác động đến thiên nhiên có thể khiến các biến cố thiên tai thêm khó lường.
"Việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đòi hỏi phải chuyển đổi mục đích sử dụng một số diện tích đất rừng nhất định (gồm đất thực tế có rừng và chưa có rừng). Bài toán quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững thiếu "nhạc trưởng" chỉ huy chung nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở của các ngành đã làm cho bài toán phòng tránh thiên tai ngày càng phức tạp.
Ngoài ra, công tác dự báo và cảnh báo chưa theo kịp diễn biến bất thường của thời tiết. Việc xây dựng các tuyến đường giao thông vuông góc dòng chảy, không đủ khẩu độ thoát nước, làm dao động lớn mực nước giữa các vùng. Thủy điện, nạn phá rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng không hợp lý đã góp phần không nhỏ vào biến cố thiên tai…", Tiến sĩ Tô Văn Trường khẳng định.
KTS Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển VN, Phó Chủ tịch HĐQT Viện Hỗ trợ pháp lý và bảo vệ môi trường VN bổ sung thêm, tình trạng thủy điện khiến tình trạng lũ lụt, sạt lở đất thêm khó lường là do các hồ chứa không vận hành theo đúng nguyên tắc.
"Về lý thuyết, triết lý làm thủy điện một phần là giữ nước để mùa khô điều tiết nước về hạ du. Nhưng thực tế không như vậy. Mấy anh thủy điện không làm đúng quy trình đó. Đáng lẽ trước khi mưa thì anh phải lo xả nước thủy điện đi. Đến khi mưa lớn có thể giữ lại nhiều nước trong hồ, như vậy mới là điều tiết lũ.
Nhưng khi mưa ít thủy điện không dám xả lũ vì sợ không có nước để phát điện. Quy trình điều tiết xả lũ các anh không làm, thủy điện khư khư giữ nước, đến khi thừa mới xả", ông Diệm phân tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.