TS. Trần Đình Thiên: Loại bỏ tới 468 dự án thủy điện nhỏ là rất lớn

Thanh Xuân Thứ năm, ngày 05/10/2017 15:30 PM (GMT+7)
Đó là chia sẻ của PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Hội thảo Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo được tổ chức ngày 5.10 tại Hà Nội.
Bình luận 0

img

PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, loại bỏ tới 468 dự án thủy điện nhỏ là rất lớn (Ảnh: IT)

Ông Trần Đình Thiên cho rằng: “Tôi không được tham gia và có điều kiện tìm hiểu vì sao một lần rà soát thôi mà các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương đã loại bỏ tới gần 500 dự án thủy điện. Cho thấy nỗ lực lớn của các cơ quan chức năng”.

Theo ông Trần Đình Thiên, khi chúng ta tận dụng nguồn lợi thủy điện của Việt Nam cũng là cách giảm nguồn điện từ than. “Tôi vẫn e ngại điện than ở Việt Nam đang gây ra tác động cực kỳ lớn, kể cả liên quan tới an ninh năng lượng và vấn đề môi trường. Điện than mà không xử lý được vấn đề môi trường là dẫn đến thảm họa, chưa kể đến phải nhập than cho phát điện”, ông Thiên nói.

Cũng theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, hiện nay tiềm năng thủy điện ở Việt Nam còn rất lớn nhưng chúng ta mới khai thác được một phần rất nhỏ. Ngoài ra, các dạng năng lượng tái tạo như điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện từ chất thải theo kế hoạch tới năm 2020 chiếm 30% và đến 2050 chiếm khoảng 45 – 50% tổng công suất điện của Việt Nam. Qua đó cho thấy, cấu trúc điện của Việt Nam sẽ thay đổi rất lớn.

TS. Trần Đình Thiên cũng chia sẻ: Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố rất mạnh là phải “Đóng cửa rừng”, nhưng theo tôi để triển khai việc đóng cửa rừng không dễ tí nào. Việc đóng cửa rừng không chỉ phải đối phó với lâm tặc mà còn liên quan tới sinh kế của người dân. Thông điệp đóng cửa rừng cũng phải đi liền với chương trình, hành động cụ thể, gồm cả sinh kế của người dân và vấn đề đầu tư thủy điện. Không phủ nhận tiềm năng của thủy điện nhỏ và vừa nhưng TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng, việc khôi phục thủy điện nhỏ và vừa cần đi liền với “đóng của rừng”, đem lại lợi ích thực sự. Bởi thủy điện khi xây dựng, nói là không ảnh hưởng tới rừng nhưng, khi làm đường đi vào thủy điện cũng là sẽ ảnh hưởng tới bảo vệ rừng.

Ông Đỗ Đức Quân- Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết,  theo quy định các dự án thủy điện nhỏ có công suất nằm trong phạm vi dưới 30 MW thì được xếp vào thủy điện nhỏ. Như vậy, hiện cả nước  có 714 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 7.238 MW nằm trong quy hoạch. Trong đó, đã vận hành khai thác 270 dự án với tổng công suất 1.739 MW; đang thi công 141 dự án và đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng 250 dự án, còn lại 53 dự án chưa có chủ đầu tư.

“Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát và loại bỏ 468 dự án và vị trí tiềm năng thủy điện với tổng công suất 2.044 MW do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, trong đó chủ yếu là dự án thủy điện nhỏ, công suất thấp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, ngoài thiên tai gây ra thì cũng có phần chủ quan của con người nên vận hành thủy điện trong thời gian qua đã xảy ra các vấn đề mất an toàn, ảnh hưởng tới môi trường và cuộc sống của người dân. “Trong thời gian tới, để quản lý tốt hơn vấn đề vận hành thủy điện cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các Bộ Công Thương, TNMT, NNPTNT. Đặc biệt, đối với các thủy điện nhỏ, chủ yếu phân bố ở vùng sâu, vùng xa nên vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng”, ông Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem