Thụy Sĩ "chặn đứng" kế hoạch vận chuyển vũ khí của Đức cho Ukraine

Lê Phương (RT) Thứ ba, ngày 26/04/2022 07:01 AM (GMT+7)
Mới đây, một số phương tiện truyền thông trích dẫn Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) cho biết Bern đã bác bỏ đề nghị của Berlin trong việc cung cấp đạn được sử dụng trong xe chiến đấu bộ binh cho Ukraine.
Bình luận 0
Thụy Sĩ "chặn đứng" kế hoạch vận chuyển vũ khí của Đức cho Ukraine - Ảnh 1.

Xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức sử dụng đạn do Thụy Sĩ sản xuất. Ảnh: Getty

Việc nhà sản xuất ô tô và vũ khí Rheinmetall có trụ sở tại Dusseldorf, chuyên chế tạo xe chiến đấu bộ binh Marder (IFV) cho Quân đội Đức, sử dụng đạn dược sản xuất tại Thụy Sĩ rõ ràng là trở ngại cho kế hoạch cung cấp đạn dược mới nhất của Berlin cho Kiev.

"SECO đã nhận được hai yêu cầu từ Đức nhằm chuyển đạn dược từ Thụy Sĩ tới Ukraine", ban thư ký xác nhận với tờ báo Thụy Sĩ Sonntags Zeitung hôm 24/4. Cả hai yêu cầu "đã bị từ chối do Thụy Sĩ là một nước trung lập, cũng như các tiêu chí ràng buộc của luật về thiết bị quân sự", nhà chức trách Thụy Sĩ cho biết thêm.

Luật pháp Thụy Sĩ yêu cầu Bern cấm vận chuyển vũ khí tới các khu vực xung đột. Thụy Sĩ từng tham gia các biện pháp trừng phạt chống Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng nước này vẫn kiên quyết giữ thái độ trung lập khi viện trợ quân sự cho Ukraine.

Theo giới truyền thông, việc Thụy Sĩ phủ quyết việc xuất khẩu đạn dược đã làm dấy lên sự giận dữ ở Đức do nhiều người cho rằng Berlin không thể gửi bất kỳ xe IFV Marder nào tới Ukraine. Tuy nhiên, Đức chưa bao giờ công bố chính thức bất kỳ kế hoạch nào như vậy.

Chính phủ Đức đã bị các nước thành viên NATO, đặc biệt là Ba Lan, chỉ trích vì cho rằng không nhiệt tình hỗ trợ Ukraine. Vấn đề này thậm chí còn gây ra một số căng thẳng trong nội các.

Đầu tháng 4/2022, Thủ tướng Olaf Scholz nói rằng Đức sẽ chỉ gửi vũ khí "vừa phải và hợp lý" cho Kiev, đồng thời nói thêm rằng Berlin không có kế hoạch gửi vũ khí "tấn công", chẳng hạn như xe tăng, mà Ukraine đã nhiều lần yêu cầu. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock sau đó hối thúc phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev và tỏ ra chỉ trích ông Scholz, nhấn mạnh rằng "bây giờ không phải là lúc để bào chữa".

Ban đầu, Berlin cung cấp cho Ukraine 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa phòng không Stinger. Hồi giữa tháng 3/2022, Đức cho biết do rủi ro an ninh nên sẽ không tiết lộ thêm thông tin về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Vào giữa tháng 4/2022, Berlin tuyên bố sẽ phân bổ thêm 2,1 tỷ USD cho chi tiêu quân sự, phần lớn trong số đó được dành để hỗ trợ Ukraine.

Tuy nhiên, hôm 23/4, một nhóm các chính trị gia và nhân vật nổi tiếng của Đức, bao gồm các cựu nghị sĩ và một cựu trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc, đã kêu gọi chính phủ ngừng cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine và thay vào đó cố gắng thuyết phục Kiev hòa bình và đối thoại.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem