Già trẻ cùng ngâm thơ
Nói như nhà thơ Mai Hồng Niên, thơ không phải để phân tài cao thấp, để bình xét chất lượng. Điều cốt yếu là cảm xúc và tinh thần phải được nâng cao và gìn giữ. Những vần thơ tuy mộc mạc, gần gũi với cuộc sống thuần nông của bà con nông dân thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) nhưng vẫn toát lên một vẻ đẹp nhẹ nhàng của những thi sĩ nông dân.
Cụ Bùi Thị Cầu giao lưu với bà con và các nhà thơ trong đêm thơ Nhịp cầu quê hương.
Như đã thành thông lệ, 2 năm một lần, cứ vào dịp hội làng (10.2 âm lịch), những người dân thôn Hưng Giáo lại rủ nhau tụ về nhà văn hóa thôn để tham dự ngày hội thơ của làng. Với truyền thống vốn có của một làng thi sĩ nông dân, cùng với một CLB thơ có tuổi đời gần 20 năm tuổi, đêm thơ “Nhịp cầu quê hương” của bà con thôn Hưng Giáo đã trở thành một bữa tiệc ấm cúng, ngập tràn những vần thơ dịu dàng của những người gắn bó trọn đời với nghề nông.
Cụ Bùi Thị Cầu (93 tuổi) là một trong 6 người đầu tiên có mặt trong những ngày đầu thành lập CLB Thơ Hoa Quê thôn Hưng Giáo. Vắt cuộc đời ngang 2 thế kỷ, gắn bó với thôn quê Hưng Giáo từ khi còn là một thiếu nữ, cụ Cầu nay tuy đã tuổi cao sức yếu, đi lại khó khăn nhưng vẫn giữ trọn tinh thần của một thi sĩ nông dân.
“Sớm chiều vui thú các con/Cây cao bóng cả chồi non xuân về” - những câu thơ nhẹ nhàng, mộc mạc ấy được cất lên từ giọng ngâm nay đã nhẹ hơi của cụ, với mong muốn các con cháu sau này “dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày mở hội mùng 10 tháng 2” của làng.
Điều đặc biệt trong đêm thơ “Nhịp cầu quê hương” của thôn Hưng Giáo, đó là không chỉ những cụ cao tuổi tham gia ngâm thơ, mà các em nhỏ trong làng cũng rủ nhau đến để nghe thơ, tham gia đố thơ trong đêm hội làng. Những em tuổi nhỏ thì bám lấy cha mẹ ông bà, chăm chú lắng nghe vần thơ quê mình...
Sắc thơ cần được giữ gìnĐến giao lưu tham dự đêm thơ của thôn Hưng Giáo không chỉ có những thi sĩ nông dân trong làng mà còn có rất nhiều nhà thơ nổi tiếng đến từ các CLB thơ địa phương khác. Trong đó phải kể đến nhà thơ Vương Trọng, nhà thơ Tiến Vượng, nhà thơ Mai Hồng Niên, nhà thơ Tô Thi Vân, “thi sĩ bụi” Văn Thùy... Điều đó cho thấy sức hút của hội thơ làng Hưng Giáo là không hề nhỏ.
"Khác với nhiều hội thơ khác, thơ của bà con Hưng Giáo có một nét rất quê, rất mộc mạc nhưng chan chứa tình cảm với quê hương. CLB thơ của thôn cũng rất hay và cần phải phát triển...”.
Nhà thơ Vương Trọng
|
Theo nhà thơ Vương Trọng, đêm thơ thôn Hưng Giáo vô cùng đặc biệt. “Khác với nhiều hội thơ khác, thơ của bà con Hưng Giáo có một nét rất quê, rất mộc mạc nhưng chan chứa tình cảm với quê hương. CLB thơ của thôn cũng rất hay và cần phải phát triển, xây dựng thế hệ sau tiếp nối truyền thống của thế hệ trước” - nhà thơ Vương Trọng chia sẻ.
Nổi tiếng trong xứ Sơn Nam với mệnh danh “thơ làng - làng thơ”, bà con thôn Hưng Giáo luôn tự hào với nhau về truyền thống thi ca trong làng. Ông Nguyễn Hữu Sò (Hưng Giáo, Tam Hưng) cảm thấy vô cùng tự hào khi gia đình mình có truyền thống làm thơ 3 đời. “Mỗi ngày đi làm ruộng về, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, ngồi dưới gốc đa nghỉ cùng chén nước bỗng nhiên trong đầu nảy vài ý thơ. Tối về đọc ngâm cho vợ và con nghe, vợ tôi thấy hay quá liền đối lại, cứ như vậy tới hết đêm...” - ông Sò nhớ lại không ít lần gia đình mình từng như vậy.
Ông Sò cũng quan niệm, “thơ là cảm xúc, không bình xét hay dở, thơ tôi cũng không đem gửi báo hay đóng tập. Đơn giản thơ tôi chỉ là để gia đình thưởng thức, cho cuộc sống trở nên màu sắc hơn. Tôi rất tự hào khi vợ, con và cả cháu mình đều rất yêu thơ, yêu thơ như yêu thôn Hưng Giáo quê mình vậy”.
Được bà con yêu mến gắn cho biệt danh “thi sĩ cán bộ nông dân”, “nhà thơ làng” Bùi Thế Việt- Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Hưng Giáo chia sẻ: “Phong trào thơ của làng từ xưa đến nay luôn sôi nổi, phong phú. CLB Hoa Quê của làng sinh hoạt thường ngày tuy chỉ có 14 thành viên, song trong làng luôn có hàng trăm thi sĩ nông dân, nhẹ nhàng gieo một vần thơ sau những luống cày...”.
Kết thúc hội thơ, những người dân làng lại trở về nhà, trở về với công việc thuần nông gắn bó cả cuộc đời. Song với những người nông dân thôn Hưng Giáo, tiệc thơ giờ mới là lúc bắt đầu thực sự, để: “Hội xong ta lại thi đua/Chăm lo đồng ruộng chiêm mùa bội thu”.
Nguyễn Dũng (Nguyễn Dũng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.