Tiêm chủng để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng

PV Chủ nhật, ngày 15/05/2016 08:30 AM (GMT+7)
Ngày 14.5, Bộ Y tế tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Tiêm chủng mở rộng 2016 được tổ chức tại Thanh Hoá. Tuần lễ có chủ đề “Chung tay cùng Tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”.
Bình luận 0

Tuần lễ Tiêm chủng 2016 (từ ngày 9-15.5) được phát động trên nhiều tỉnh thành phố nhằm kêu gọi, các bậc cha mẹ hãy vì sức khỏe của con em mình đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch.  Mỗi cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm, vững tay nghề, cán bộ làm tiêm chủng được tập huấn thuần thục, nắm bắt được quy trình để tránh sai sót xảy ra, đảm bảo cho công tác tiêm chủng được an toàn, hiệu quả...

img

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (ngoài cùng bên trái) kiểm tra công tác tiêm chủng tại trạm y tế xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá ngay sau buổi mít tinh.

Theo báo cáo của Chương trình TCMR, năm 2015 tiếp tục ghi nhận nhiều thành tựu của TCMR. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi 97,2%, tiêm vaccine uốn ván cho phụ nữ có thai 92,9% đạt các chỉ tiêu kế hoạch được Bộ Y tế giao. Tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh 69,8% tăng cao so với các năm gần đây.

Năm 2015 cũng đánh dấu việc hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine sởi-rubella cho nhóm 1-14 tuổi trên toàn quốc với gần 20 triệu trẻ từ 1 - 14 tuổi được tiêm vaccine sởi-rubella, đạt tỉ lệ 98,2%.

Tháng 6.2015, diện triển khai vaccine viêm não Nhật Bản được mở rộng trên toàn quốc. vaccine accine viêm não Nhật Bản được đưa vào triển khai trong tiêm chủng thường xuyên tại 100% xã phường thay cho hình thức triển khai chiến dịch nhằm tạo miễn dịch phòng bệnh sớm nhất cho trẻ.

Tuy nhiên, Chương trình TCMR vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hàng năm Việt Nam vẫn còn 3-5% trẻ em dưới 1 tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ; 10% trẻ trên 18 tháng chưa được tiêm nhắc lại các mũi vaccine sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván. Còn 5-10% số các huyện, chủ yếu là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng theo kế  hoạch.  Điều này sẽ tạo ra các khoảng trống để bệnh dịch phát triển và lây lan ra cộng đồng. Đặc biệt, tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh trong vòng 24h sau sinh hiện rất thấp, mới chỉ đạt dưới 50%. Điều này khiến cho việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ mắc viêm gan B sơ sinh cho trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 1% vào năm 2017 gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị, thời gian tới, chính quyền các cấp cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho công tác tiêm chủng mở rộng đối với các hoạt động thường xuyên và chiến dịch; các ban ngành, đoàn thể như giáo dục, quân y bộ đội biên phòng, phụ nữ, thanh niên, Mặt trận Tổ quốc… phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả cùng chung tay với ngành y tế để đưa tiêm chủng phòng bệnh đến với mọi trẻ em. Các bậc cha mẹ vì sức khỏe của con em mình hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch.

“Từ tháng 6.2016, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư) sẽ sử dụng vaccine bại liệt bOPV thay thế cho vaccine bại liệt tOPV. Vaccine tOPV phòng 3 tuýp virus gây bại liệt, tuy nhiên từ tháng 9.2015, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố thanh toán bại liệt do virus tuýp 2. Do đó, WHO khuyến cáo các nước chuyển sang dùng vaccine bOPV (phòng virus tuýp 1 và 3), thế hệ cao hơn và an toàn hơn. Hiện đã có 150 nước chuyển sang sử dụng vaccine bOPV. Cả hai loại vaccine đều an toàn và hiệu quả, chỉ khác nhau về thành phần kháng nguyên phòng bệnh bại liệt. Lịch tiêm chủng vaccine bại liệt cũng không thay đổi. Cụ thể, liều 1 khi trẻ 2 tháng tuổi, liều 2 lúc 3 tháng, liều 2 lúc 4 tháng tuổi. Các trẻ trước đây đã uống vaccine tOPV sẽ tiếp tục uống liều tiếp theo với vaccine bOPV mà không cần uống lại từ đầu” PGS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem