Tiền công đức làm hại... di sản

Thứ sáu, ngày 07/09/2012 06:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ khi Nhà nước cho phép trùng tu, tôn tạo di tích bằng tiền xã hội hóa thì phong trào trùng tu mới thực sự nở rộ. Nhà nhà, người người quyên tiền công đức để trùng tu, nhưng nhiều khi tiền không đi kèm chuyên môn nên số di sản văn hóa bị... làm hại ngày càng nhiều.
Bình luận 0

Không tiền hay có tiền đều hỏng

Xung quanh câu chuyện trùng tu theo kiểu phá di tích đang nóng lên những ngày gần đây, có một vấn đề mà nhiều người đã phải thừa nhận: Chung quy chỉ vì một chữ “tiền”. Với di tích, không tiền hay có nhiều tiền lắm khi đều hỏng. Bởi hàng loạt các di tích không đợi được tiền trùng tu đã rơi vào tình trạng hư hại, tiêu điều như chùa Sổ, đình làng Dương Xá (Hà Nội), nhưng lại có hàng loạt di tích được đầu tư rất nhiều để… làm mới.

img
Chùa Vạn Niên (Hà Nội) với hàng loạt hộp kính đựng tượng Phật, thánh giăng ở tường bao.

Nhà nghiên cứu di sản văn hóa dân gian Trần Lâm Biền cho biết: “Rất nhiều di sản đã bị phá bỏ một cách thẳng thừng để dựng lên một cái nhà mấy tầng rồi gọi là “chùa mới”. Một chùa mới được xếp hạng như Hội Xá (Long Biên, Hà Nội) thì người ta xây dựng áp ngay chùa ấy một cái nhà 2 tầng để chuyển lên, chùa cũ để mặc cho tốc mái, mưa xuống ướt tượng.

Rồi chùa Nga My (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiện nay như một cái chùa Trung Quốc, hay là chùa Võng Thị (Tây Hồ) sau khi trùng tu xuất hiện hàng loạt những chiếu rồng, lư hương bằng đá trắng nhễ nhại. Sự can thiệp của ngành văn hóa không đủ sức chặn bàn tay để chùa Tảo Sách (Tây Hồ) tự do xây tam quan 3 tầng mái”.

Những điều đau lòng này đã được lý giải là vì do các ban quản lý di tích đã huy động được khá nhiều tiền công đức, mà một khi có tiền trong tay, tâm lý thích “hoành tráng”, thích làm mới cho bền đã khiến nhiều di tích… chết oan.

Thạc sĩ Phạm Đức Hân - Giám đốc Công ty CP Bảo tồn Di sản văn hóa Việt cho biết, trước đây, công ty ông được giới thiệu đến khảo sát tại một ngôi chùa rất đẹp với kiến trúc thời Nguyễn muộn và được xây dựng bê tông cốt thép thời kỳ đầu thế kỷ XX, nhưng nền chùa bị thấp hơn so với khu vực nên bị ngập úng. Sư trụ trì nhất quyết yêu cầu phá bỏ di tích gốc và yêu cầu xây một cái chùa 2 tầng ở đó. Khi không đạt được nguyện vọng, nhà chùa đã thuê một đơn vị tư vấn khác để làm theo ý mình.

TS Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa lấy ví dụ về trường hợp có tiền nên muốn gì cũng được: “Tôi biết có trường hợp, có một người sẵn sàng cung tiến hàng trăm triệu đồng để sửa lại gác chuông có niên đại thế kỷ XVI bị hư hỏng với điều kiện cho phép làm bằng... bê tông!”. Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đã rút ra kết luận: “Lượng phật tử càng đông thì nguy cơ các di sản văn hóa bị làm mới ngày càng nhiều, bởi người ta rất sẵn lòng góp tiền để tu sửa nhưng lại hoàn toàn không có chuyên môn”.

Chuyên gia ở tít trên cao

Tu bổ cấp thiết trên 1.000 di tích quốc gia

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5.9. Với mục tiêu ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xuống cấp của hệ thống di tích và nguy cơ mất mát, thất truyền vĩnh viễn di sản văn hóa vật thể, Chương trình sẽ đầu tư chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết trên 1.000 di tích quốc gia. Mỗi năm, đầu tư tu bổ tổng thể cho 60 - 90 di tích, hỗ trợ chống xuống cấp cho 300 - 400 di tích. Bên cạnh đó, hỗ trợ các bảo tàng tỉnh, thành phố mua từ 10 - 30 hiện vật mỗi năm...

Trong buổi họp với UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) hôm 4.9 để xem xét vụ xâm hại chùa Trăm Gian, sư thầy Thích Đàm Khoa- trụ trì chùa đã đứng lên khóc và nhận hết lỗi về mình: “Lỗi tại tôi hết, vì tôi thấy nhà tổ và gác khánh quá hư hỏng nên muốn làm lại cho vững chãi trước mùa mưa bão, nhưng hoàn toàn không hiểu rằng điều đó là vi phạm Luật Di sản văn hóa”.

Thực tế, với sư thầy Thích Đàm Khoa cũng như rất nhiều người khác đang làm nhiệm vụ trông coi, bảo vệ các di sản văn hóa ở trên khắp đất nước, Luật Di sản văn hóa là một khái niệm xa lạ hoàn toàn, như thể nó chẳng hề liên quan đến họ.

Điều này cũng đúng thôi, vì từ trước tới nay, Bộ VHTTDL chưa từng có một cuộc tập huấn nào về Luật Di sản văn hóa cho các tổ chức tôn giáo.

Quy trình xử lý một di tích cần được trùng tu bảo tồn thì đã được quy định: Ban quản lý di tích báo cáo lên xã, xã báo lên huyện, huyện báo lên sở, sở báo lên bộ, bộ tìm đến các chuyên gia. Vì nó quá vòng vèo mất thời gian như thế nên những trường hợp “chờ được vạ thì má đã sưng” là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Ngay như vụ chùa Trăm Gian vừa rồi cho thấy, đến khi Bộ VHTTDL biết chuyện thì công trình gác khánh và nhà Tổ đã bị hạ giải xong xuôi từ cách đó gần 3 tháng. Và mọi sự sửa chữa hiện nay chỉ là để thu vén cho “cái đã rồi” mà thôi.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem