Tiền Giang chuyển đổi 200.000ha đất lúa “chạy” hạn, mặn

Trần Cửu Long Thứ bảy, ngày 28/09/2019 12:40 PM (GMT+7)
Mới đây, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang Cao Văn Hóa cho biết, tỉnh đã có kế hoạch chuyển từ 200.000ha đất lúa sang trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản, giữ lại 40.000ha lúa công nghệ cao để tránh hạn mặn đang ngày càng xâm nhập sâu vào nội đồng.
Bình luận 0

Qua kết quả theo dõi tình hình xâm nhập mặn của Trạm Mỹ Tho, trong 6 năm (từ 2010-2015), mức độ xâm nhập mặn trên sông Tiền của các tháng trong năm, giữa các năm đều khác nhau, tùy thuộc mùa mưa kết thúc sớm hay muộn và sự xuất hiện cường độ của gió chướng, mực nước đầu nguồn sông Tiền.

Có thể nói, tháng 3 và tháng 4 hằng năm là 2 tháng có mức độ xâm nhập mặn cao nhất. Độ mặn năm 2016 trên sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) ở mức cao nên đã chảy sang sông Tiền, gây ảnh hưởng đến nông dân sản xuất nông nghiệp.

img

Nông dân huyện đảo Tân Phú Đông đang ồ ạt chuyển đất lúa sang trồng sả. Ảnh: P.V

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch để thực hiện chung thích ứng biến đổi khí hậu. Sau đợt hạn, mặn năm 2016, tỉnh đã xây dựng thực hiện đề án để chuyển đổi sản xuất, có những diện tích lúa chuyển hẳn sang cây ăn trái và cây trồng khác. Một số diện tích được khuyến cáo cắt vụ do ảnh hưởng của thời tiết.

Vừa qua, tỉnh này đã chuyển đổi hơn 12.900ha đất lúa sang cây ăn trái và nuôi thủy sản. Trong đó, khu vực phía Đông của tỉnh đang có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả, có nguy cơ thiếu nước sản xuất vào mùa khô đã được người dân chuyển sang trồng hoa màu, cây ăn trái.

Theo ghi nhận, khu vực cặp đê sông Tra, từ huyện Gò Công Tây đến thị xã Gò Công, phong trào trồng thanh long trên nền đất lúa đang phát triển mạnh.

Anh Trần Văn Tiền (xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây) cho biết, khu vực này thường xuyên thiếu nước sản xuất vào mùa khô. Do đó, nhiều hộ dân đã chuyển từ sản xuất lúa sang trồng thanh long. Hơn 2 năm qua, gia đình anh cũng đã chuyển 4.000m2 đất lúa sang trồng thanh long. Theo anh Tiền, thu nhập từ trồng thanh long cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa.

Bên cạnh việc chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang hoa màu, cây ăn trái, thời gian qua, nhiều người dân ở các huyện phía Đông của tỉnh đã chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang trồng cỏ để chăn nuôi dê, bò… Trong khi đó, tại vùng phía Tây của tỉnh cũng đã thực hiện việc chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái.

Theo đó, phía Nam Quốc lộ 1 cơ bản đã chuyển sang trồng cây ăn trái. Riêng phía Bắc Quốc lộ 1 đã chuyển đổi hơn 5.850ha đất lúa sang cây ăn trái; trong đó có hơn 1.850ha chuyển đổi theo đúng quy hoạch.

Song song với việc chuyển đổi sản xuất, tỉnh cũng đã triển khai công tác phòng, chống hạn, mặn, thi công nhiều dự án như: Cống Xoài Hột; nạo vét kinh 14; thay 4 cửa cống Xuân Hòa; nạo vét các kinh đầu mối, nội đồng; xử lý các điểm sạt lở và nâng cấp các tuyến đê biển, đê sông… nhằm đảm bảo cho vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Ông Cao Văn Hóa cho biết thêm, ngành nông nghiệp tỉnh này vừa nhân giống thành công 4 giống lúa chịu hạn mặn lên 4%o.

Tuy nhiên, theo TS Mai Thành Phụng – chuyên gia nông nghiệp, lúa chịu được mặn khi còn trong giai đoạn lúa non. Sau giai đoạn này, không có giống lúa nào, dù tầm cỡ thế giới, chịu được mặn 1‰. “Vào giai đoạn này nếu lúa bị nhiễm nặm, dù 1% cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất”- ông Phụng khẳng định.

Hiện, Việt Nam đang có khá nhiều giống lúa chịu mặn, như: Nhóm lúa chịu mặn tới 3‰, gồm: OM8017; OM4900; OM5629; OM545, KC06 - Đài Thơm 8 (lúa lai, thơm, dẻo); nhóm chịu mặn tới 4‰, gồm: OM6976; OM2517; OM9921; OM8108; OM6162; OM3539; OM576; OM9921; OM9915; ST3; ST5; ST20; GKG. Và nhóm chịu mặn tới 6‰, gồm: OM10252; OM6677, Một Bụi Đỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem