Tiến sĩ khoai lang

Chủ nhật, ngày 03/10/2010 12:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với thâm niên hơn 30 năm trong ngành, PGS.TS Mai Thạch Hoành là chuyên gia số một của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu, lai tạo giống cây khoai lang hữu tính.
Bình luận 0

Năm nay đã qua tuổi lục tuần, nhưng PGS.TS Mai Thạch Hoành vẫn say sưa với công tác nghiên cứu khoa học. 

img
Ông Hoành (đeo kính) hướng dẫn các cộng sự cách lai giống khoai lang

Quên ăn chờ... hoa khoai nở

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo Hải Dương, từ nhỏ, ông Hoành đã say mê với cây trồng. Lớn lên, ông quyết tâm thi vào trường nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp ngành Nghiên cứu giống cây trồng thuộc Viện Cây trồng Việt Nam, năm 1977, ông bắt tay nghiên cứu giống khoai lang với hy vọng góp phần đưa cây khoai lang thành cây chủ lực của vụ đông.

Ông Hoành tâm sự: "Làm khoa học đã vất vả, nghiên cứu khoa học nông nghiệp còn vất vả gấp bội. Bất kể trời mưa hay nắng, mình đều phải bám đất, bám đồng; phải đến từng nhà vận động ND trồng thử nghiệm, cùng ăn, cùng ở với họ để hướng dẫn kỹ thuật, giúp bà con tiêu thụ sản phẩm...". Chính sự hết mình này, bà con quý mến gọi ông là: “ông Hoành khoai lang". Ông kể, lần nào xuống địa phương công tác, khi về, bà con cũng gửi ông vài cân sắn cân khoai, quả trứng, con gà… biếu các cụ ở nhà”.

Nhớ về những kỷ niệm thời gian đầu nghiên cứu khoai lang, vợ ông, bà Lý Thị Hồng Lĩnh kể: "Có lần 12 giờ trưa, tôi và các con chờ mãi không thấy nhà tôi về ăn cơm. Hoá ra ông ấy đang ngồi đợi cho hoa khoai lang nở để thụ phấn thì lăn ra ngất xỉu vì say nắng. Chuyện gia đình thì ông đâu có quan tâm. Nghĩ lại thời kỳ cơm đùm cơm nắm cho chồng đi nghiên cứu khoa học, ba mẹ con đi bán khoai lang kiếm cơm, giờ tôi vẫn còn toát mồ hôi".

Giờ đây, tuy đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn tham gia nghiên cứu tại Trung tâm Tài nguyên thực vật (thuộc Viện khoa học Việt Nam); hướng dẫn nghiên cứu sinh, viết sách, nhiều khi ông chạy xe cả trăm cây số để đưa giống về cho bà con gieo trồng...

Một đời vì khoai

Năm 1977, ông Hoành về công tác tại Viện Lương thực Việt Nam và bắt tay vào nghiên cứu về cây khoai lang giống cổ với mục tiêu là phải "biến cây khoai lang thành cây vụ đông chính". Ông nhớ lại, thời gian đầu vô vàn khó khăn. Tiền không có, phương tiện cũng không, nhiều khi lóc cóc đạp xe cả trăm cây số đến với bà con. Nhưng điều làm ông buồn nhất đó là một số đồng nghiệp cho rằng việc làm của ông là "đường thẳng không đi lại thích đi vào bụi rậm", nghiên cứu cây khoai lang có khác gì đi vào ngõ cụt, sớm muộn cũng sẽ thất bại...

img Chừng nào tôi còn sống, tôi còn cống hiến cho khoa học, còn giúp cho bà con nông dân. img

PGS.TS Mai Thạch Hoành

Hơn 30 năm miệt mài cống hiến cho khoa học, ông đã nhận được quả ngọt: sản xuất thành công 11 giống khoai lang, một giống sắn. Nhiều giống khoai của ông đã được công nhận là giống Quốc gia, được ND đưa vào sản xuất đồng loạt, như khoai lang K51, K4, CN…

Ông vinh dự là nhà khoa học duy nhất của Việt Nam đi báo cáo với Quốc tế về giống khoai lang và được các nhà khoa học thế giới đánh giá cao. Nhờ đóng góp của ông, tổ chức Hợp tác quốc tế về sản xuất nông nghiệp với Việt Nam (SIP) đã dành nhiều dự án hỗ trợ cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và giống cây có củ nói riêng.

Những đóng góp cho khoa học của PGS- TS Mai Thạch Hoành đã được ghi nhận: Ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về những thành tích đóng góp cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Bộ Khoa học Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động VN tặng 6 Bằng khen sáng tạo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem