Tiết lộ độc đáo của 2 lão nông 15 năm dắt trâu cho "vua" đi cày tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Hà Nam
Tiết lộ độc đáo của 2 lão nông 15 năm dắt trâu cho "vua" đi cày tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Hà Nam
Hồng Nhân - Phạm Hưng
Thứ sáu, ngày 16/02/2024 11:57 AM (GMT+7)
Tham gia từ năm 2009, 15 năm qua, ông Nguyễn Trung Đắc và ông Nguyễn Văn Cương luôn tự hào khi góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự thành công của Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).
Sáng 16/2 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại cánh đồng Đọi Tín, xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024.
Tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2024, sau nghi lễ bái yết Thần Nông, cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; là màn trống khai hội do đội trống nữ làng Đọi Tam biểu diễn, kết hợp với múa rồng. Buổi lễ đã tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày do người cao tuổi trong làng thực hiện, theo sau là các thôn nữ đi gieo hạt giống.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn của Hà Nam được tổ chức hàng năm, đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng bởi đây là một lễ hội giàu tính nhân văn, khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng, đề cao tinh thần gần dân, trọng nhà nông, nghề nông...
Theo ghi nhận, trong sáng nay, có hàng nghìn người dân tham gia Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024. Tìm hiểu của phóng viên, ông Nguyễn Trung Đắc (72 tuổi) và ông Nguyễn Văn Cương (70 tuổi) là hai người có thâm niên trong việc tham gia Lễ hội Tịch điền và trâu hai nhà này luôn xếp thứ hạng rất cao.
Năm nay, nhà ông Đắc góp mặt 1 con, ông Cương 2 con. Ba "lão" trâu này đều có kinh nghiệm tham gia Lễ Tịch điền. Trâu nhà ông Cương đã 30 năm tuổi, sừng dài, đẹp, trâu nhà ông Đắc 15 tuổi dáng bệ vệ.
Ông Nguyễn Văn Cương cho biết, ông tham gia lễ hội từ những ngày đầu khôi phục và chưa bỏ lỡ năm nào.
"15 năm tham gia, năm nào tôi cũng được lựa chọn để dắt trâu cho Vua đi cày. Phải nói đây là vinh dự lớn cho tôi cũng như gia đình, dòng họ.
Năm nay có nhiều đổi mới, trâu được chọn không trang trí mà xuống đồng luôn. Việc này tôi hoàn toàn đồng tình. Bởi con trâu xuống đồng, thuần, ngoan, tự nhiên sẽ đúng chất đi cày đầu năm hơn là trang trí", ông Cương bồi hồi.
Được biết, ông Cương đã từng dắt trâu cho Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình... đi cày.
Tương tự, ông Nguyễn Trung Đắc cũng tham gia từ ngày đầu khôi phục. Ông Đắc bảo, đầu năm luôn là dịp bản thân mong chờ, bởi dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn luôn được tin tưởng dắt trâu cho Vua đi cày.
"Cảm xúc vẫn còn nguyên như lần đầu được gọi. Nói thật là không có gì tự hào hơn khi được góp một phần công sức nhỏ bé vào sự thành công của Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn trong nhiều năm qua", ông Đắc nói.
Khi được chọn trâu, cả ông Đắc và ông Cương đều chăm bẵm từng chút, từng chút một. "Ăn uống, ủ ấm và sức khỏe trâu mình quan tâm từng ngày, chỉ chờ ra tết để đi cày lấy lộc đầu năm thôi" - ông Đắc cho hay.
Lễ hội Tịch điền (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) diễn ra vào ngày mùng 7 Tết hàng năm đã trở thành sự kiện văn hóa lớn của đất nước dịp Tết đến xuân về. Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) có nguồn gốc từ rất xa xưa do vua Thần Nông khai mở.
Mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền.
Từ đó, hàng năm vào đầu xuân, nhà vua ra đồng cày ruộng, làm Lễ tịch điền (đích thân vua xuống đi cày ruộng), cầu được mùa và các triều đại sau đó đều duy trì nghi lễ cày tịch điền với các hình thức khác nhau. Sau một thời gian gián đoạn, từ năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại cho đến ngày nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.