Sơn Đồng cách trung tâm Hà Nội gần 20km, nơi đây được ví như "thế giới" của những pho tượng và đồ thờ Phật. Nhìn khung cảnh của xã Sơn Đồng hôm nay sầm uất chẳng khác gì thị trấn ở phố huyện, với không khí nhộn nhịp, vội vã, các nhà hàng ăn uống, dịch vụ kinh doanh, biển hiệu công ty san sát hai bên đường.
Tương truyền, làng nghề Sơn Đồng đã hình thành và phát triển được hàng ngàn năm, kể từ khi văn hoá Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam. Trong thời kỳ phong kiến, làng nghề có hàng trăm thợ được phong Tước bá hộ kỹ nghệ (nay gọi là nghệ nhân).
Các dấu ấn vật thể 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân Sơn Đồng tham gia như Văn miếu Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, chùa Một Cột... Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng từng bị mai một vào giai đoạn chiến tranh, nhưng sau đó đã được các nghệ nhân khôi phục từ năm 1983.
Cụ Nguyễn Chí Dậu, một nghệ nhân đúc tượng từ thời Pháp thuộc đã quyết định khôi phục nghề truyền thống bằng việc đứng ra tổ chức lớp học nghề chạm khắc gỗ và sơn mài, cốt là để truyền nghề cho con cháu. Hơn 30 học viên ngày đó, bây giờ đã trở thành những thợ giỏi, chủ cơ sở sản xuất lớn trong làng và đang tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ.
Bà Nguyễn Thị Xuyến một nghệ nhân làng nghề Sơn Đồng cho hay, đến nay, việc truyền nghề của làng chủ yếu là gia truyền, truyền nghề trực tiếp, cha truyền cho con, con truyền cho cháu, cứ thế nối tiếp thế hệ trước cho thế hệ sau mà không có tư liệu ghi chép.
Ngày nay, người dân Sơn Đồng đã lấy ngày 6 tháng 2 Âm lịch hàng năm là ngày hội làng, con cháu ở khắp nơi về sum họp, tế lễ thành hoàng làng.
Quy trình chế tác những pho tượng "vạn người mê"
Nói đến tượng Sơn Đồng, nhất là tượng Phật - không những vang danh cả nước mà còn vang xa đến nhiều nước trên thế giới. Đến đây, người ta nghe tiếng đục đẽo lách cách khắp làng. Thợ Sơn Đồng quanh năm suốt tháng miệt mài tạo nên những pho tượng, họa phẩm từng ăn sâu trong thế giới tâm linh con người: những pho tượng A-di-đà, di lặc, thần tài, những bức hoành phi câu đối,...
Nhìn những sản phẩm của họ, ta dễ liên tưởng đến nét tài hoa của các nghệ nhân đã tạo nên các pho tượng La Hán ở chùa Tây Phương, tượng Phật Bà ở chùa Keo có một không hai...
Bà Nguyễn Thị Yến, người làng Sơn Đồng cho hay, ngoài công thức chung kế thừa của cha ông thì mỗi nghệ nhân ở Sơn Đồng cũng có những thủ pháp, những bí truyền với cách phân, quân tỷ lệ không hoàn toàn giống nhau. Việc đục tượng bao giờ cũng bắt đầu từ việc chọn gỗ.
Nguyên liệu để làm tượng Phật phổ biến là gỗ mít, làm đồ thờ có thêm gỗ dổi, gỗ vàng tâm. Gỗ chở về loại bỏ hết phần giác, chỉ dùng lõi để đục. Sau đó, thợ dùng dây đo thể tích để cắt phần gỗ: chiều cao, chiều ngang và bề dày (kích thước của một khối hình), rồi đến cắt "dưỡng" - hình mẫu cắt theo "công tua" hai chiều: chiều nghiêng (nhìn mặt bên tượng) và chiều đứng (nhìn chính diện).
Phần gia công đầu tiên là đầu và mặt tượng. Đục phác thảo những khối mũ (nếu có) rồi trán, mũi, môi, tai... Sau khi đục phác lấy dáng chung một lượt suốt từ diện tới bệ, đến khâu đục chi tiết, thợ cũng thể hiện dần từng bộ phận. Khâu này được coi là quan trọng nhất trong cả quá trình hoàn thành pho tượng. Cuối cùng là khâu gọt, nạo, rồi đánh giấy ráp cho nhẵn. Gọt nạo là khâu hoàn chỉnh phần gỗ trước khi chuyển sang phần sơn.
"Công đoạn cuối cùng chính là sơn son, thếp vàng cho sản phẩm. Công đoạn này đòi hỏi rất nhiều kĩ thuật tỉ mỉ trong từng chi tiết. Đầu tiên là "hom" tượng bằng sơn trộn đất phù sa (tỷ lệ sao cho không được non sơn, cũng không được già quá) rồi "bó" bằng sơn sống rồi sơn "thí". Sau mỗi công đoạn đều phải mài tượng bằng đá và nước", bà Nguyễn Thị Xuyến, nghệ nhân làng nghề Sơn Đồng chia sẻ.
Theo bà Xuyến, thợ sẽ sơn lên rồi lại mài đi, rồi lại sơn lên..., cứ thế, bao giờ thấy bề mặt tượng phẳng nhẵn và mọng lên thì dùng một lớp sơn (gọi là sơn cầm thếp) phủ lên. Để sơn cầm thếp se (sờ tay thấy còn hơi dính) thì dán bạc hoặc dán vàng (bạc, vàng quỳ) tùy theo yêu cầu của khách. Làm tượng là khó nhất, thợ phải thổi được hồn vào pho tượng, nhìn có dáng, khách trông thấy là nhận ra ngay là tượng nào…
Người dân Sơn Đồng từ trẻ đến già đều có lòng thành kính với các pho tượng Phật, đều gọi tượng là Ông, là Ngài. Với đôi bàn tay tài hoa, những người thợ làng Sơn Đồng đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi độ tinh xảo cao.
Anh Lê Hoàng Bách một khách hàng đến từ Quốc Oai chia sẻ: "Tôi đã nghe danh về đồ thờ Sơn Đồng từ lâu mà nay mới có điều kiện tới xem, tượng phật ở đây quả thực rất đẹp và rất có hồn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.