Tiết lộ riêng: Vì sao chưa thể giải ngân 17 tỷ USD vốn ODA?

Thứ hai, ngày 04/11/2013 06:39 AM (GMT+7)
Trong khi rất nhiều dự án đang phải “đắp chiếu” chờ vốn thì một thực tế là Việt Nam vẫn còn nhiều nguồn vốn hỗ trợ chính thức (ODA) chưa được giải ngân, cụ thể là 17 tỷ USD trong tổng số vốn được tài trợ là 63,05 tỷ USD.
Bình luận 0
img

Cuộc trò chuyện riêng giữa phóng viên NTNN với ông Tomoyuki Kimura -Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam sẽ giải đáp vấn đề này.

Chuyên nghiệp hóa các vị trí chủ chốt

Tổng kết sau 20 năm hợp tác giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, đến nay Việt Nam đã nhận được hơn 63,05 tỷ USD vốn ODA, nhưng vẫn còn 17 tỷ USD chưa thể giải ngân. Theo ông, nguyên nhân là gì?

- Đối với nguồn vốn của ADB, tính đến ngày 30.9, ADB đã cung cấp khoảng 12,7 tỷ USD vốn hỗ trợ chính thức (ODA) cho Việt Nam. Trong đó 12,2 tỷ USD dành cho 129 khoản vay (trong số này, có 6,2 tỷ USD là vốn vay thông thường và 6 tỷ USD là vốn vay ưu đãi từ Quỹ Phát triển Châu Á của ADB). Hiện tại, còn khoảng 6 tỷ USD nguồn vốn ODA đã ký kết của ADB vẫn chưa được giải ngân.

Vốn ODA giải ngân chậm đã khiến cho việc thúc đẩy các dự án dân sinh ở  Tây Bắc gặp nhiều khó  khăn.
Vốn ODA giải ngân chậm đã khiến cho việc thúc đẩy các dự án dân sinh ở Tây Bắc gặp nhiều khó khăn.

Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân. Việc triển khai dự án chậm trễ là nguyên nhân chính, phần nhiều nằm ở các khâu tuyển dụng tư vấn, các vấn đề giải phóng mặt bằng và tái định cư, năng lực quản lý dự án yếu kém, vốn đối ứng của cơ quan chủ quản dự án và những vấn đề trong đấu thầu mua sắm…

Ngoài ra, các quy định về quản lý ODA cũng khá phức tạp, việc sử dụng nguồn vốn ODA cũng phải tuân thủ theo các văn bản pháp luật trong nước khác nhau cũng như những khác nhau trong các quy định và thủ tục của nhà tài trợ.

ADB có lời khuyên gì để Việt Nam có thể giải ngân hiệu quả nguồn vốn ODA?

- Việc ban hành Nghị định 38 của Chính phủ Việt Nam là một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện khung thể chế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA. Chúng tôi cho rằng thực hiện thành công Nghị định 38 là mấu chốt để nâng cao hiệu quả giải ngân nguồn vốn ODA nói chung, và ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ trong việc soạn thảo các thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định quan trọng này. ADB cũng khuyến khích Chính phủ chọn lọc các dự án một cách kỹ lưỡng hơn dựa vào mức độ sẵn sàng cao của dự án để đưa vào danh mục chờ nguồn vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, các bạn phải chủ động nâng cao năng lực chuyên môn trong quản lý và điều hành của các ban quản lý dự án. Những vị trí chủ chốt trong các ban quản lý như giám đốc dự án, kế toán trưởng và cán bộ đấu thầu mua sắm cần phải được chuyên nghiệp hóa và giữ ổn định.

ADB đang hỗ trợ Chính phủ trong việc nâng cao năng lực cho các ban quản lý dự án, đồng thời phối hợp với Chính phủ và các đối tác phát triển khác nhằm hài hòa các thủ tục về mua sắm, đấu thầu, chính sách an toàn và quản lý tài chính. Với những nỗ lực chung, chúng tôi hy vọng những tồn tại trong giải ngân có thể được giải quyết trong tương lai gần.

20 năm qua, các loại hình ODA đã được đa dạng hóa, tuy nhiên hiện nay, Việt Nam đang là nước có thu nhập trung bình, đòi hỏi phải thích nghi với những hình thức hợp tác kiểu mới. Theo ông, liệu Việt Nam đã sẵn sàng để bắt đầu mối quan hệ hợp tác kiểu mới?

- Việt Nam tiếp nhận sự hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của các đối tác phát triển đa phương dưới nhiều hình thức phong phú bao gồm viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ kỹ thuật và các khoản vay được phân ra làm hai loại: Các khoản vốn vay ưu đãi và vốn vay thông thường.

Việc Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình đã đặt ra khuôn khổ mới cho hợp tác phát triển và vai trò của ODA cũng thay đổi dần. Về nguồn tài trợ thì vốn vay ưu đãi sẽ thu hẹp lại và Việt Nam phải sử dụng nhiều hơn vốn vay thông thường.

Chính phủ đã nhận thức rõ về điều kiện và hình thức hợp tác phát triển trong hoàn cảnh mới và đã sớm chủ động chuyển hướng quản lý ODA, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA. Bên cạnh những hỗ trợ tài chính, các nhà hoạch định chính sách mong đợi nhiều hơn từ các đối tác phát triển những chia sẻ về tri thức, kinh nghiệm và đóng góp các chính sách có trách nhiệm hơn.

Do vậy, thêm vào những hoạt động tài trợ thường lệ, ADB đã áp dụng sự kết hợp giữa tài chính làm đòn bẩy và kiến thức, cái chúng tôi vẫn gọi là “Tài chính ++” nhằm hỗ trợ nhiều hơn và hiệu quả hơn cho các quốc gia thành viên đang phát triển, bao gồm Việt Nam và các mục tiêu phát triển của Việt Nam.

90% số dự án nông nghiệp thành công

Một số lượng lớn người dân Việt Nam được phân loại là cận nghèo và rất dễ bị rơi trở lại tình trạng nghèo. ADB có lời khuyên nào dành cho Việt Nam để tránh được những điều đó hay không?

Đặc biệt, báo cáo đánh giá chương trình viện trợ quốc gia 2009 (CAPE) đối với Việt Nam cho thấy các dự án do ADB hỗ trợ đã xây mới hoặc nâng cấp 366 trường học ở 21 tỉnh thành, 85 bệnh viện tuyến huyện và tuyến vùng, 87 trung tâm y tế được xây dựng hoặc nâng cấp. Hệ thống thủy lợi được cải thiện trên diện tích tưới 660.000ha, chiếm khoảng 15% tổng diện tích đất trồng lúa của cả nước.

- Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong 20 năm vừa qua rất đáng khâm phục – GDP theo đầu người đã tăng gấp gần 4 lần trong khi tỷ lệ nghèo đã giảm từ mức một nửa dân số xuống chỉ còn hơn 10%. Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt và giải quyết những thách thức phát triển và hội nhập.

Việt Nam phải tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cải cách nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế hài hòa, có cơ chế lồng ghép các chương trình mục tiêu xã hội nhằm phát huy có hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho xã hội và đảm bảo lợi ích hài hòa.

Đặc biệt, các bạn phải quan tâm và ưu tiên phát triển hạ tầng vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa khó khăn nhằm cải thiện việc tiếp cận của người dân các khu vực này, đặc biệt là đối tượng nghèo và cận nghèo đến các dịch vụ xã hội và y tế, tạo nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, khoảng cách giàu-nghèo.

Thực tế cho thấy, các dự án của ADB đối với phát triển nông thôn và thủy lợi của Việt Nam đã rất thành công. Sắp tới, ADB có tiếp tục ưu tiên hỗ trợ ODA cho lĩnh vực này hay không, thưa ông?

- Nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên là lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ của ADB và là 1 trong 3 lĩnh vực sử dụng vốn ODA của ADB nhiều nhất.

Các báo cáo đánh giá sau khi kết thúc dự án cho thấy rằng với tỷ lệ thành công là 90%, phần lớn các dự án ADB từ trước đến nay mang lại kết quả tốt, đạt mục tiêu đề ra... Viện trợ của ADB trong ngành giao thông- vận tải đã cải thiện được khoảng 1.000km quốc lộ, 4.000km tỉnh lộ và huyện lộ, 2.100km đường nông thôn, hàng trăm cây cầu nhỏ…

Trong tương lai, sự tham gia của ADB vào ngành nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên sẽ tập trung vào những thách thức cấp thiết còn tồn tại, liên quan đến tăng trưởng toàn diện và bền vững về môi trường, qua hỗ trợ tại những vùng khó khăn, quản lý nguồn lực nước và quản lý tri thức. Hỗ trợ của ADB sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa định hướng thị trường của nền kinh tế nông thôn vốn vẫn đang trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung.

Xin cảm ơn ông!

Đăng Thúy (thực hiện) (Đăng Thúy (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem