Tiêu thụ nông sản qua hợp đồng: Đầu ra vẫn chưa thông

Thứ năm, ngày 26/07/2012 09:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc triển khai mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho ND do Sở Công Thương phối hợp với Hội ND tỉnh Lào Cai triển khai thời gian qua đã được ND hưởng ứng.
Bình luận 0

Tuy nhiên, một khó khăn đáng kể là ND vẫn đang phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Thực hiện Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án "Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020", tỉnh Lào Cai được chọn để triển khai thí điểm xây dựng 2 mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thực hiện bằng hợp đồng kinh tế.

img
Trang trại gà của bà Đặng Thị Thanh ở thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng tham gia mô hình tiêu thụ nông sản.

Lợi nhuận thấp

Anh Phạm Văn Thuần - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Lào Cai cho biết: "Tham gia mô hình này, Hội ND tỉnh trực tiếp hỗ trợ ND vay vốn, vật tư sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lao động ở nông thôn, mở các lớp tập huấn giúp ND ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giới thiệu và quảng bá tiêu thụ sản phẩm cho ND".

Chị Trần Thị Sợi (xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng) là một trong 26 hộ tham gia mô hình thí điểm nuôi gà thịt. Chị và các thành viên khác được HTX thuê giáo viên về hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà, được đầu tư con giống... Song, khi thu hoạch, giá bán gà chỉ bằng hoặc dưới 30.000 đồng/kg. Theo chị Sợi: "Giá gà năm nay thấp hơn hẳn so với năm ngoái (40.000 - 45.000 đồng/kg). Với 2.000m2 trang trại và 12.000 con gà mà giá bán như vậy thì khả năng thua lỗ là rất cao".

Là Chủ nhiệm HTX Quý Hiền (huyện Bảo Thắng) - đơn vị trực tiếp thu mua sản phẩm cho ND, ông Phan Quốc Ân cho biết: "Hiện sản xuất kinh doanh của HTX không có lợi nhuận. Trong khi giá bán gà ở thị trường 35.000 đồng/kg thì HTX phải mua của ND với giá 34.000 đồng/kg. Mỗi tháng HTX chỉ xuất được 30 tấn gà thịt. So với cuối năm 2011, sản xuất năm nay chỉ đạt 50% giá trị".

Cần có chính sách ưu đãi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi triển khai mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp, Sở Công Thương Lào Cai đã kêu gọi được một số doanh nghiệp tham gia hợp tác với các HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn, như Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã ký kết với HTX Quý Hiền cung cấp sản phẩm.

Về vấn đề bất cập này, bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: “Cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tham gia mô hình cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản về đất đai, thuế, vốn. Cần trợ giúp các đơn vị này tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo chỗ đứng cho sản phẩm khi đưa ra thị trường".

Theo ông Phan Quốc Ân: "Khó nhất hiện nay của HTX là chưa xây được lò giết mổ nào, quỹ đất dành cho HTX còn hạn chế nên việc thực hiện quy trình sản xuất khép kín còn gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn này, Hapro và HTX đang đề nghị địa phương bố trí quỹ đất và phê duyệt cho công ty xây dựng dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm tại huyện Bảo Thắng".

Cùng quan điểm với ông Ân, bà Đỗ Thị Liên - hộ kinh doanh tham gia mô hình tiêu thụ rau và hoa hồng ở Sapa phân trần: "Tham gia dự án, chúng tôi ký hợp đồng thu mua nông sản với ND, được doanh nghiệp hỗ trợ đầu vào, đến khi thu hoạch hộ kinh doanh phải đảm bảo thu mua và phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Sản phẩm thu mua của ND, chúng tôi chủ yếu bán ở các chợ trung tâm, chợ đầu mối, chứ không có doanh nghiệp đứng ra thu mua".

Khi được hỏi về vấn đề ký hợp đồng với Hapro nhưng hộ kinh doanh vẫn phải tự lo bán sản phẩm, bà Liên cho hay: "Do đường xa, giao thông không thuận tiện nên việc vận chuyển sản phẩm, cung ứng vật tư nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là mùa mưa lũ. Việc đưa hàng vào siêu thị phải qua nhiều thủ tục như đóng gói, kiểm định sản phẩm… mất nhiều thời gian".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem