TikTok sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á

Hoài Phương Thứ năm, ngày 15/06/2023 18:15 PM (GMT+7)
TikTok cho biết sẽ tăng gấp đôi số tiền đầu tư cho khu vực Đông Nam Á - lên đến hàng tỷ USD - nhằm thúc đẩy thương mại điện tử trong bối cảnh toàn cầu tăng cường giám sát an ninh dữ liệu.
Bình luận 0

Đông Nam Á có tổng dân số 630 triệu người, một nửa trong số đó dưới 30 tuổi. Đây là một trong những thị trường lớn nhất của TikTok về số lượng người dùng. 

Khu vực Đông Nam Á có hơn 325 triệu khách truy cập TikTok mỗi tháng. Tuy nhiên, TikTok vẫn chưa biến cơ sở người dùng lớn này thành nguồn doanh thu thương mại điện tử hoàn toàn, do phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các sàn lớn hơn như Shopee, Alibaba, Lazada và GoTo. 

TikTok sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á  - Ảnh 1.

CEO TikTok Shou Zi Chew phát biểu trong sự kiện Báo cáo tác động kinh tế xã hội năm 2023 của TikTok tại Indonesia, ngày 15/6/2023.

CEO TikTok Shou Zi Chew cho biết: “Chúng tôi sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Indonesia và khu vực Đông Nam Á trong vài năm tới". TikTok không đưa ra bảng phân tích chi tiết về kế hoạch đầu tư, nhưng tiết lộ rằng hàng tỷ USD sẽ dành cho đầu tư vào đào tạo, quảng cáo và hỗ trợ các nhà cung cấp nhỏ muốn tham gia nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop. 

Ông Chew cho biết nội dung trên TikTok đang trở nên đa dạng hơn khi có thêm ngày càng nhiều người dùng tham gia. Điều này sẽ mở rộng ứng dụng từ nội dung quảng cáo sang thương mại điện tử, cho phép người tiêu dùng mua hàng thông qua các liên kết được gắn trên livestream. 

Ngoài ra, ông cho biết thêm TikTok có 8.000 nhân viên ở Đông Nam Á và 2 triệu nhà bán hàng trên nền tảng ở Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực.

Theo dữ liệu từ Momentum Works, các giao dịch thương mại điện tử trên toàn Đông Nam Á đã đạt gần 100 tỷ USD vào năm ngoái. Trong đó, doanh số của TikTok đạt 4,4 tỷ USD (tăng từ 600 triệu USD vào năm 2021), kém xa so với doanh số 48 tỷ USD của Shopee. 

Thách thức trong bối cảnh toàn cầu tăng cường giám sát an ninh dữ liệu 

Kế hoạch đầu tư của TikTok được đưa ra trong bối cảnh ByteDance (công ty sở hữu nền tảng) phải đối mặt với sự giám sát từ một số chính phủ và cơ quan quản lý, do lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng này để thu thập dữ liệu người dùng hoặc trục lợi. 

Các quốc gia bao gồm Anh và New Zealand đã cấm TikTok trên điện thoại của chính phủ. TikTok cho rằng động thái này dựa trên "những quan niệm sai lầm cơ bản" được thúc đẩy bởi quan điểm địa chính trị rộng lớn hơn. 

TikTok đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc. Công ty cho biết ứng dụng sẽ không làm như vậy kể cả khi được yêu cầu.

Tuy không phải đối mặt với các lệnh cấm ở Đông Nam Á, song TikTok vẫn bị kiểm tra kỹ lưỡng về mặt nội dung video.

Năm 2018, chính phủ Indonesia đã cấm TikTok trong một thời gian ngắn vì các bài đăng được cho là có "nội dung khiêu dâm, nội dung không phù hợp và báng bổ". 

Tại Việt Nam, các cơ quan quản lý cho biết sẽ kiểm tra hoạt động của TikTok, do những nội dung độc hại trên nền tảng có thể gây ra mối đe dọa đối với giới trẻ, văn hóa và truyền thống. 

   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem