Tìm "bà đỡ" cho cam sành Hà Giang

Thứ bảy, ngày 19/11/2016 14:01 PM (GMT+7)
Sản xuất Cam sành Hà Giang (CSHG) đã giúp nhiều nhà vườn tại các vùng trọng điểm cam của tỉnh như: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên trở thành triệu phú, tỷ phú từ nguồn thu nhập này. Song, để mối liên kết giữa sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm CSHG trở nên bền vững không thể thiếu công tác tìm kiếm thị trường, xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm...
Bình luận 0

img

Sản xuất cam Sành theo tiêu chuẩn VietGap góp phần nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu sản phẩm, tạo vị thế trên thị trường. Trong ảnh: Vườn cam Sành sản xuất theo hướng VietGap của anh Lý Văn Ky, xã Đồng Tâm - Bắc Quang. Ảnh: Thu Phương

Thực tiễn chứng minh, sản xuất cam Sành đã góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều gia đình tại các vùng trọng điểm cam của tỉnh. Đặc biệt, khi giá trị thương hiệu CSHG từng bước được khẳng định trên thị trường đồng nghĩa với cơ hội tiêu thụ sản phẩm rộng mở. Tuy nhiên, việc sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm cam Sành trên địa bàn tỉnh thời gian qua cơ bản dừng ở việc thương lái trong và ngoài tỉnh tìm đến thu mua sản phẩm ngay tại vườn hoặc người sản xuất tự liên hệ với đầu mối thu mua để bán sản phẩm. Từ đây, giá cam Sành chủ yếu do thương lái định giá còn người sản xuất phụ thuộc vào người mua. 

Nếu thương lái thu mua toàn bộ sản phẩm/vườn cam để tiêu thụ thì người sản xuất khó có thể chủ động bảo vệ thương hiệu cũng như chất lượng sản phẩm CSHG. Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong vùng trọng điểm cam Sành của tỉnh như Bắc Quang, lãnh đạo huyện đã chủ động, nỗ lực tìm kiếm thị trường và đưa được sản phẩm CSHG vào bày bán tại một số thị trường “khó tính” hay siêu thị lớn tại Hà Nội như Co.op Mart, Metro và sàn Giao dịch Rau, hoa quả Hà Nội. 

Song, thực tiễn cho thấy, vì sản phẩm CSHG chưa có thiết kế tem, nhãn mác sản phẩm, chưa có chỉ dẫn địa lý “CSHG” nên người tiêu dùng khó phân biệt, thậm chí nhầm lẫn với các sản phẩm cùng loại của nhiều địa phương khác. Thực tế trên khiến không ít nhà vườn – người tâm huyết, trách nhiệm tạo nên sản phẩm nức tiếng CSHG và nhà quản lý – những người đau đáu nỗi niềm duy trì, nâng cao giá trị kinh tế, thương hiệu cho sản phẩm CSHG suy tư, trăn trở...

Khắc phục khó khăn trên, để CSHG có bước tiến bền vững trên thị trường, các cấp, các ngành của tỉnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Riêng Sở Công thương Hà Giang, tháng 5.2016 đã tổ chức đoàn công tác gồm: Đại diện Sở Công thương; UBND các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên; đại diện một số hợp tác xã sản xuất cam Sành theo tiêu chuẩn VietGap đi khảo sát thị trường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm CSHG niên vụ 2016 – 2017 tại TP. Hà Nội và TP. Hải Phòng. 

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Giang, Mai Văn Sướng cho biết: Tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của tỉnh với lãnh đạo Sở Công thương TP. Hà Nội, Hải Phòng và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn 2 thành phố như: Siêu thị Intimart, Co.opmart, Big C, siêu thị Metro; Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Chợ đầu mối hoa quả Nam Cầu Bính,... mở ra triển vọng mới cho thị trường tiêu thụ sản phẩm CSHG. Bởi các cơ quan, đơn vị này thống nhất cao trong việc tạo điều kiện tốt nhất để đưa sản phẩm CSHG vào tiêu thụ ổn định tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn. 

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chia sẻ rằng: Thời gian qua, nhiều hợp tác xã sản xuất cam Sành của Hà Giang đã đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại một số siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn. Nhưng vì sản phẩm CSHG chưa có tem, nhãn nên khách hàng khó nhận biết sản phẩm CSHG. Do vậy, yêu cầu đặt ra với Sở Công thương Hà Giang và đơn vị hữu quan chính là xây dựng bền vững thương hiệu CSHG; hỗ trợ cước vận chuyển, tem, nhãn mác, bao bì trong thời gian đầu cho người sản xuất, khi đưa sản phẩm CSHG vào tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối. Qua đó, nhằm giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm cam Sành khác trên thị trường, tạo vị thế vững tại thị trường Hà Nội, Hải Phòng.

Đáp ứng yêu cầu trên, trước đó, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Quy hoạch Nông nghiệp, nông thôn; UBND các huyện vùng trọng điểm cam Sành của tỉnh thực hiện Dự án Xây dựng Chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” dùng cho sản phẩm cam Sành của tỉnh. Đến nay, Dự án trên đang ở giai đoạn hoàn thiện để được công bố chỉ dẫn địa lý “CSHG” trong năm 2016. Việc làm này góp phần quan trọng nâng cao vị thế, danh tiếng, sức cạnh tranh của sản phẩm CSHG trên thị trường so với nông sản cùng loại. 

Đặc biệt, chỉ dẫn địa lý “CSHG” sẽ là cơ sở quan trọng để Sở Công thương Hà Giang tiến hành thuận lợi các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm CSHG niên vụ 2016 – 2017 và những năm kế tiếp. Bởi từ đây, tem dán quả cam, bao bì sản phẩm cam Sành đạt tiêu chuẩn VietGap do Sở Công thương thiết kế, mang chỉ dẫn địa lý “CSHG” sẽ đến tận tay người tiêu dùng. Đây là yếu tố cần và đủ để Sở Công thương Hà Giang thu hút, mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua, đầu tư cơ sở chế biến cam Sành ngay tại địa phương. Đồng thời, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm CSHG...

Khi Chỉ dẫn địa lý “CSHG” được công bố, trở thành tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm CSHG. Cùng với đó, sự tâm huyết, trách nhiệm gìn giữ, nâng cao giá trị thương hiệu CSHG của bao chủ vườn trên địa bàn tỉnh chính là cam kết vững bền với khách hàng để vươn cao giá trị sản phẩm CSHG trên thị trường.

Nguyễn Thị Hồng (Báo Hà Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem