Tìm giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn trong khối hành chính, sự nghiệp
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn trong khối hành chính, sự nghiệp
P.V
Thứ tư, ngày 28/04/2021 14:47 PM (GMT+7)
Sáng 28/4, tại trụ sở Quận ủy Nam Từ Liêm, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Thực trạng và giải pháp về công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới" trong khối quận, huyện, thị xã.
Đổi mới công tác cán bộ Công đoàn để phù hợp với xu thế chung
Chủ trì Tọa đàm có ông Phạm Bá Vĩnh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; ông Lê Xuân Trường – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức; ông Lâm Quang Thao – Phó Bí thư Thường trực quận ủy Nam Từ Liêm; bà Lê Thị Kim Điệp – Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm.Dự Tọa đàm có các đại biểu là đại diện Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã và đại diện một số Công đoàn cơ sở.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Phạm Bá Vĩnh cho biết, đội ngũ cán bộ Công đoàn khối quận, huyện, thị xã là cán bộ Công đoàn chuyên trách, cơ bản có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, có kinh nghiệm trong hoạt động Công đoàn, luôn hoàn thành các nhiệm vụ được giao và tích cực đóng góp vào phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động của các cấp Công đoàn trong thời gian qua.Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cán bộ Công đoàn của Thủ đô cũng còn những hạn chế cần phải khắc phục, cần phải đổi mới để phù hợp với xu thế chung hiện nay.
Nhấn mạnh, Tọa đàm diễn ra trong thời điểm các cấp Công đoàn Thủ đô đang tích cực thực hiện việc tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện, đề xuất những giải pháp có chất lượng về tình hình tổ chức cũng như đội ngũ cán bộ công đoàn theo khối của mình để Liên đoàn Lao động Thành phố tổng quát thành bức tranh tổng thể, làm cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn Thủ đô trong thời gian tới, đặc biệt là khi Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, với nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EV FTA) và những cam kết quốc tế.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực quận ủy Nam Từ Liêm Lâm Quang Thao nhìn nhận, trong thời gian tới, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cùng với những điều chỉnh trong Bộ Luật Lao động 2019 đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng không it khó khăn thách thức cho hoạt động Công đoàn, quan hệ lao động ngày càng phức tạp đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải thể hiện rõ hơn via trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động; đòi hỏi phải có sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc trong công tác cán bộ và xây dựng cán bộ Công đoàn các cấp.
Theo ông Lâm Quang Thao, Tọa đàm của Liên đoàn Lao động Thành phố tổ chưc lần này thể hiện sự chủ động của tổ chức Công đoàn Thủ đô trong việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về tăng cường đổi mới hoạt động của tổ chức Công đoàn giai đoạn 2020-2025; hướng tới xây dựng Nghị quyết chuyên đề riêng của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội về công tác cán bộ Công đoàn."Đây là hoạt động rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với tổ chức Công đoàn các quận huyện, thị xã và tổ chức Công đoàn Thủ đô để góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn cơ sở"- Phó Bí thư Thường trực quận ủy Nam Từ Liêm đánh giá.
Cần có cơ chế đãi ngộ đối với cán bộ Công đoàn
Tham luận tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Sơn Tây nêu thực tiễn, đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên trách cấp huyện số lượng quá ít (4-6 cán bộ), cán bộ Công đoàn cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và chức năng của tổ chức Công đoàn gặp nhiều khó khăn.Năng lực của cán bộ Công đoàn cơ sở nhất là khối sản xuất kinh doanh còn hạn chế, nhận thức của một số lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp về vai trò, vị trí của cán bộ Công đoàn ở một số đơn vị còn chưa đầy đủ.
Từ thực trạng này, bà Nguyễn Thị Thu Hương đề xuất một số giải pháp. Trong đó, đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp cần không ngừng nỗ lực cố gắng học tập, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn và nghiệp vụ công tác Công đoàn để khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn và đội ngũ cán bộ Công đoàn, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công đoàn các cấp cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Công đoàn theo hướng thiết thực, sát với yêu cầu thực tiễn, đặt biệt về kỹ năng hoạt động cho cán bộ Công đoàn cấp cơ sở. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thu Hương cũng đề xuất cấp thẩm quyền nghiên cứu xây dựng các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với cán bộ Công đoàn cơ sở, có chế độ đãi ngộ với cán bộ Công đoàn cơ sở tương xứng với trình độ, năng lực thực tế và khả năng đóng góp của họ đối với cơ quan và đơn vị.
Với kinh nghiệm 15 năm làm công tác Công đoàn tại địa phương, ông Cao Văn Đoàn – Chủ tịch Công đoàn xã Đức Giang, huyện Hoài Đức chia sẻ, để nâng cao chất lượng công tác cán bộ Công đoàn, cần phải lựa chọn cán bộ có chuyên môn, năng khiếu, có khả năng tập hợp quần chúng và đặc biệt là có tiếng nói tại cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ Công đoàn cơ sở về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hoạt động; cần bổ sung kinh phí hoạt động cho Công đoàn cơ sở, nhất là ở cấp xã, phường; đồng thời có phụ cấp cho cán bộ Công đoàn.
Thảo luận tại Tọa đàm, bà Lê Thị Kim Điệp, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm đề xuất cần có tiêu chuẩn riêng cho cán bộ Công đoàn chuyên trách ngoài các tiêu chuẩn chung của ngành; cần có các chương trình đào tạo ngắn hạn, hàng năm cấp chứng chỉ kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn; cần đẩy mạnh nghiên cứu đề tài sáng kiến, sáng tạođối với Công đoàn cấp trên cơ sở, mỗi năm ít nhất có một đề tài nhằm giải quyết những vấn đề của chính mình.
Đối với Công đoàn cơ sở cần được cân đối kinh phí, nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện riêng về cơ sở vật chất cho Công đoàn cơ sở hoạt động ví dụ như góc làm việc riêng; cần đưa chính sách đối với cán bộ Công đoàn vào quản lý nhà nước, kể cả quy chế phối hợp với chính quyền, chuyên môn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.