Tìm lại cơn “chấn động” của sân khấu

Thứ năm, ngày 05/09/2013 10:17 AM (GMT+7)
Trong một tuần lễ, 12 vở diễn dàn dựng từ các tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ trong cuộc liên hoan tại Hà Nội đang được kỳ vọng sẽ mang lại một cơn “chấn động” cho đời sống sân khấu - như đã từng có trong vài chục năm trước.
Bình luận 0
Liên hoan tác giả đầu tiên

Sáng 4.9, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (NSSK) tổ chức họp báo công bố liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 9-16.9. Mặc dù trời đổ mưa tầm tã nhưng phòng họp vẫn đông kín các nhà báo, thậm chí còn không đủ ghế ngồi, NSƯT Lê Chức – Phó Chủ tịch Hội cảm động thốt lên: “Nhìn thấy các nhà báo đội mưa đến đông đảo thế này, chúng tôi đã biết tình cảm của mọi người dành cho nhà viết kịch Lưu Quang Vũ nồng ấm đến thế nào”.

Cảnh trong vở kịch  hình thể “Hồn Trương  Ba da hàng thịt” của  Nhà hát Tuổi Trẻ  tham dự liên hoan.
Cảnh trong vở kịch hình thể “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Nhà hát Tuổi Trẻ tham dự liên hoan.

25 năm sau ngày Lưu Quang Vũ ra đi, Hội NSSK quyết định tổ chức liên hoan các tác phẩm của ông, đây là liên hoan tác giả đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này. Theo lý giải của NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội thì có lẽ trong các tác giả sân khấu, chỉ có riêng Lưu Quang Vũ là có đủ số lượng tác phẩm dày dặn và giá trị cho một cuộc liên hoan mà thôi, vì vậy Hội mới tự tin quyết định tổ chức sự kiện này.

Liên tục từ ngày 9 đến 16.9, tại 3 điểm rạp của Hà Nội là rạp Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm), rạp Đại Nam (89 phố Huế) và rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền), 12 vở diễn của 9 nhà hát sẽ diễn liên tục trong 2 ca sáng và tối, chỉ trừ ngày khai mạc chỉ có một vở “Ông không phải là bố tôi” của Nhà hát Kịch Hà Nội. Hiện nay, theo thông tin từ phía Nhà hát Chèo Hà Nội, vé của 2 vở diễn “Nàng Sita” và “Ngọc Hân công chúa” đã bán hết. Toàn bộ vé của các vở diễn sẽ được chia làm 3 phần, 1 phần bán trực tiếp tại rạp, 1 phần giao cho chính nhà hát có vở bán và phần còn lại được chuyển về Ban tổ chức để mời khách.

NSƯT Lê Chức cho biết: “Thoạt đầu chúng tôi hơi băn khoăn về khán giả, vì có những suất diễn vào buổi sáng, thực sự không phù hợp với giờ thưởng thức nghệ thuật của khán giả Hà Nội, tuy nhiên, đến thời điểm này thì đã có một thông tin rất vui. Đó là đã có 182 khán giả là sinh viên và giảng viên Trường ĐH Sân khấu- Điện ảnh đăng ký xem tất cả các vở diễn trong liên hoan này, bởi vì với các sinh viên, đây là một dịp hiếm có để có thể xem được nhiều vở diễn từ kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ như vậy”.

Cơn “chấn động” mang tên Lưu Quang Vũ

Có mặt tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đăng Chương- Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL)- Phó Trưởng ban chỉ đạo liên hoan xúc động nói: “Hơn 50 kịch bản mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ để lại đã đóng góp để làm nên đỉnh cao của sân khấu Việt Nam. Sự xuất hiện của ông đã tạo nên cơn “chấn động” trong đời sống sân khấu những năm 1980-1990 của lịch sử sân khấu Việt Nam, và đến giờ, những vở diễn ấy vẫn sống. Sống trong hành trang của những người làm sân khấu, sống trong ký ức của khán giả, sống trong hoạt động của nhiều đơn vị nghệ thuật”.

9 đơn vị nghệ thuật sẽ tham gia liên hoan lần này có Nhà hát Kịch Việt Nam (vở Hồn Trương Ba da hàng thịt) Nhà hát Chèo Hà Nội (2 vở Nàng Sita và Ngọc Hân công chúa), Nhà hát Tuổi Trẻ (3 vở Mùa hạ cuối cùng, Lời thề thứ 9 và kịch hình thể Hồn Trương Ba da hàng thịt), Nhà hát Kịch Quân đội (Điều không thể mất), Nhà hát Kịch Hà Nội (2 vở Ông không phải là bố tôi và Trái tim trong trắng), Nhà hát Ca kịch Huế ( Điều không thể mất), Đoàn kịch Nam Định (Ai là thủ phạm), Đoàn Cải lương Hải Phòng (2.000 ngày oan trái).


Với tư cách là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL về sân khấu biểu diễn nghệ thuật, ông Nguyễn Đăng Chương rất hy vọng liên hoan lần này sẽ là một dịp để cả nghệ sĩ và khán giả tìm lại được cơn “chấn động” từng có trước kia trong đời sống sân khấu, hâm nóng không khí èo uột của sân khấu kịch phía Bắc hiện nay. “Những vấn đề trong kịch Lưu Quang Vũ đặt ra đều mang tính dự báo, cho đến hôm nay vẫn còn nóng hổi, bởi thế mà nó có một sức sống trường tồn. Tôi rất kỳ vọng đây sẽ là dịp để khán giả được nâng cao cơ hội thưởng thức nghệ thuật, nghệ sĩ được dịp nhìn nhận lại phương pháp sáng tạo và thủ pháp nghệ thuật trong kịch bản của một nhà viết kịch lớn và quan trọng hơn là một dịp hiếm có để chúng ta nhìn nhận lại vai trò của tác giả Lưu Quang Vũ trong lịch sử phát triển của sân khấu Việt Nam”- ông Chương nhấn mạnh.

Những bạn bè thân thiết, những thế hệ nghệ sĩ đàn em đã từng hoạt động chung một thời với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ như NSƯT Lê Chức, NSND Lê Huy Quang, NSND Lê Khanh, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Trần Nhượng… đã cùng bồi hồi cảm động khi nhắc nhớ những kỷ niệm, những tháng ngày đầy hào quang của sân khấu một thời khi những vở diễn của ông làm mưa làm gió trên khắp các sân khấu. Nhà văn Chu Lai - Trưởng ban sáng tác của Hội NSSK cho biết: “Chỉ có tên tuổi và tài năng của Lưu Quang Vũ mới có đủ sức hút để 25 năm sau, chúng ta vẫn còn gặp nhau ở đây, ngồi bên nhau hồi tưởng, xúc động và náo nức chờ mong những ngày tuyệt vời sắp đến”.

Được biết, sau khi liên hoan kết thúc, Hội NSSK sẽ tổ chức một cuộc hội thảo khoa học đánh giá vai trò của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ trong sự phát triển của sân khấu Việt Nam, nhìn lại những bài học rút ra từ đợt tổ chức liên hoan này, tổng kết những điều tra thống kê về số lần những tác phẩm được biểu diễn trên sân khấu, số giải thưởng và những công trình nghiên cứu về kịch bản của ông.
Lê Tâm (Lê Tâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem