Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ GTVT phương án mới xử lý BOT Cai Lậy là sẽ xây dựng thêm trạm thu phí trên tuyến tránh thị xã Cai Lậy (để thu phí xe chạy trên tuyến tránh), hoạt động song song với trạm thu phí trên Quốc lộ 1 hiện hữu (thu phí xe chạy trên Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy đã được nâng cấp).
Trạm BOT Cai Lậy.
Cả 2 trạm sẽ tiến hành thu phí độc lập, bên nào hoàn vốn xong sẽ tháo dỡ trạm thu phí. Đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành xây dựng trạm thu phí mới và sẽ bắt đầu thu phí trở lại vào dịp Tết Nguyên đán 2020
Phần vốn đầu tư dự án sau khi tính toán lại (có cập nhật kết luận của thanh tra, kiểm toán) là 1.380 tỷ đồng. Trong đó, tuyến tránh có vốn đầu tư hơn 680 tỷ đồng và phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1 là 379 tỷ đồng. Số còn lại là tiền đầu tư trạm thu phí, tiền giải phóng mặt bằng.
Với phương án này, sẽ thực hiện phân luồng giao thông theo hướng cho xe lớn di chuyển trên tuyến tránh nhằm tránh kẹt xe và gây ô nhiễm môi trường trên quốc lộ 1, đoạn qua thị xã Cai Lậy. Cụ thể việc phân luồng theo tải trọng xe như thế nào sẽ do Tổng cục Đường bộ và địa phương thống nhất.
Trước đó, Bộ GTVT còn có phương án là thu như cũ và miễn giảm giá vé cho phương tiện của 41 xã, phường, thị trấn quanh trạm. Hộ kinh doanh được giảm 50%, hộ không kinh doanh được miễn vé khi qua trạm, xe buýt được miễn vé; đồng thời giảm giá vé chung cho tất cả các phương tiện qua đây so với mức giá vé đã được ấn định ban đầu khi tổ chức thu phí (năm 2017). Tuy nhiên, điều này chưa được người dân đồng thuận.
Theo ông Lưu Xuân Thủy, Phó chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, việc hoàn thành tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ sẽ dẫn đến việc giảm lưu lượng xe đi trên quốc lộ 1, nguy cơ không thể hoàn vốn được cho nhà đầu tư trên quốc lộ 1, mà cụ thể là dự án tuyến tránh BOT Cai Lậy.
Ông Thủy đưa ra kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất với Bộ GTVT và nhà đầu tư báo cáo Chính phủ chấp thuận chủ trương giải pháp tổng thể xóa bỏ trạm thu phí trên quốc lộ 1 đoạn Cai Lậy (Tiền Giang) và tổ chức thu phí trở lại trạm thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Đồng thời, cho phép ngân hàng tài trợ vốn cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận và dự án Cai Lậy quản lý, sử dụng nguồn thu tại trạm thu phí đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để đảm bảo việc cho vay và xóa bỏ trạm thu phí BOT Cai Lậy, sử dụng nhân sự là người lao động địa phương tại trạm thu phí BOT Cai Lậy đang bị mất việc làm do không tổ chức thu phí được.
Liên quan đến ý kiến này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao, đồng thời đề nghị Bộ GTVT sớm tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp dự án, đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét quyết định.
"Chúng tôi ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp dự án. Nếu không có phương án cụ thể giữa quốc lộ 1 và đường cao tốc (TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận - PV) thì tuyến tránh Cai Lậy sẽ chết ngay", ông Kiên nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.