Sau khi tàu Apollo 11 hạ cánh thành công trên Mặt trăng năm 1969, hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin đã thu thập được khá nhiều mẫu vật như đất, đá, bụi ở đây. Những mẫu vật này đều được cho vào các lọ riêng biệt, đặt bên trong một bình thủy tinh chân không.
Sau khi Apollo trở về Trái đất, các mẫu được sắp xếp và gửi đi xét nghiệm ở 150 phòng thí nghiệm trên toàn thế giới. Một trong số đó là Phòng thí nghiệm khoa học không gian ở tòa nhà Latimer Hall thuộc khuôn viên Đại học California – Berkeley.
Sau khi tiến hành thí nghiệm và công bố kết quả, các mẫu sẽ được gửi lại cho NASA. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì các mẫu bụi Mặt trăng ở Berkeley đã được đưa vào lưu trữ và bị lãng quên trong nhà kho cũ của phòng thí nghiệm này.
Có tổng cộng 20 lọ đựng mẫu bụi Mặt trăng. Trên mỗi lọ đều có dán nhãn viết tay và ghi 24.7.1970
|
Các mẫu vật được tìm thấy. Ảnh: Dailymail |
Chuyên viên lưu trữ Karen Nelson đã làm việc tại nhà kho của Phòng thí nghiệm Berkeley ở San Jose trong 17 năm. Vừa qua, cô đã tình cờ phát hiện ra các mẫu vật quý giá kể trên. Karen cho biết: "Chúng tôi không biết chúng được lưu trữ thế nào hoặc từ khi nào."
Sau khi phát hiện các mẫu vật, Nelson đã liên lạc với Phòng thí nghiệm Khoa học Không gian, sau đó là NASA và nhận được yêu cầu trả lại các mẫu vật.
Bụi Mặt trăng là lớp đất mịn của đá xốp trên bề mặt Mặt trăng. Thuộc tính của nó có thể khác biệt đáng kể so với đất trên Trái đất. Bụi Mặt trăng chủ yếu được tạo ra bởi sự phân hủy của đá bazan và anorthositic. Đá và các hạt trên mặt trăng là kết quả của sự va chạm giữa thiên thạch và bề mặt Mặt trăng qua hàng tỉ năm.
Được biết, hiện không có định nghĩa chính thức về "Bụi mặt trăng". Một số nhà khoa học tuyên bố bụi là những gì có đường kính ít hơn 50 micromet, trong khi với những người khác, con số này là ít hơn 10 micromet. (1m = 1.000.000 micromet)
Tuấn Anh (theo Dailymail)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.