TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Lời khai nghi phạm bắt cóc trẻ sơ sinh trong bệnh viện; tin mới vụ Tịnh thất Bồng Lai

A.Đ (T/H) Chủ nhật, ngày 21/08/2022 19:00 PM (GMT+7)
Lời khai bất ngờ của nghi phạm bắt cóc trẻ sơ sinh trong bệnh viện ở Hà Nội; thông tin mới vụ Tịnh thất Bồng Lai; lời kể của cô gái 16 tuổi bị lừa sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao"... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Lời khai bất ngờ của nghi phạm bắt cóc trẻ sơ sinh trong bệnh viện ở Hà Nội

Như Dân Việt đã đưa tin, Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đang xác minh, làm rõ vụ người phụ nữ giả y tá vào bắt cóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ.

Đối tượng được xác định là Nguyễn Thị Tuyến (SN 1989, Thụy Hương, Chương Mỹ). Tuyến bị tạm giữ để điều tra hành vi "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi".

Lời khai bất ngờ của kẻ vào tận bệnh viện bắt cóc trẻ sơ sinh ở Hà Nội - Ảnh 1.

Đối tượng bắt cóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ nghĩ rằng chiếm đoạt trẻ cho đồng nghiệp sẽ được cảm ơn. Ảnh: TT

Thông tin bước đầu, khoảng tối 19/8, Tuyến đã giả danh nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ sau đó đến Khoa sản rồi chiếm đoạt 1 trẻ sơ sinh.

Khi Tuyến đang tìm cách đưa cháu bé ra khỏi bệnh viện thì bị phát hiện. Trẻ sơ sinh được xác định là con của chị N.T.H. (SN 1983, Hòa Chính, Chương Mỹ).

Được biết, Tuyến đang là công nhân làm ở một cơ sở trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Tuyến khai thấy đồng nghiệp có nhu cầu tìm con nuôi là trẻ sơ sinh nên đã có ý định bắt cóc trẻ và nghĩ sẽ được đồng nghiệp cảm ơn bằng tiền.

Tối 19/8, Tuyến vào bệnh viện tìm cách bắt cóc trẻ. Đối tượng mặc áo blouse lẻn vào Khoa Sản.

Tuyến vờ thăm khám cho trẻ sơ sinh trong khoa. Khi thấy em bé con chị N.T.H, Tuyến nói cháu bé có dấu hiệu bị vàng da phải đưa đi kiểm tra.

Bà của cháu bé đã đi theo Tuyến khiến đối tượng bối rối, đi lung tung và lại rẽ vào phòng mổ.

Sự việc sau đó được một bác sĩ là Phó trưởng Khoa Sản đã phát hiện nên bế lại cháu bé. Tuyến bỏ chạy và bị bảo vệ bệnh viện bắt được.

Vụ Tịnh thất Bồng Lai: 5 bị cáo cùng kháng cáo

Ngày 21/8, nguồn tin của Dân Việt xác nhận 5 bị cáo còn lại trong vụ Tịnh thất Bồng Lai cũng đã gửi đơn đến TAND tỉnh Long An, sau đơn kháng cáo đầu tiên của ông Lê Tùng Vân vào ngày 28/7.

5 bị cáo gửi đơn kháng cáo này gồm: Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi), Cao Thị Cúc (62 tuổi) và Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi).

Vụ Tịnh Thất bồng Lai: Năm bị cáo còn lại kháng cáo - Ảnh 1.

Các bị cáo (áo nâu) liên quan đến vụ Tịnh thất Bồng Lai. Ảnh: Thiên Long

Trước đó, phiên xét xử sơ thẩm tại TAND huyện Đức Hòa vào ngày 20/7, ông Lê Tùng Vân cùng 5 bị cáo kể trên bị truy tố tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo khoản 2, Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Với cáo buộc vai trò chủ mưu, đứng đầu, ông Lê Tùng Vân bị phạt 5 năm tù. Năm bị cáo còn lại nhận mức án từ 3-4 năm tù.

Vụ Tịnh Thất bồng Lai: Năm bị cáo còn lại kháng cáo - Ảnh 3.

Ngày 28/7, ông Lê Tùng Vân có đơn kháng cáo đầu tiên gửi đến TAND tỉnh Long An. Ảnh: Thiên Long

Hiện TAND tỉnh Long An đã tiếp nhận đơn kháng cáo của 5 người còn lại, trước đó ông Lê Tùng Vân đã gửi đơn kháng cáo đầu tiên vào ngày 28/7. Tuy nhiên, có đến 4 người viết sai cách thức đơn kháng cáo. Cụ thể họ ghi "Đơn kêu oan", tòa án đang yêu cầu họ viết lại bằng chữ "Đơn kháng cáo".

Các luật sư của vụ Tịnh thất Bồng Lai cũng đã gửi văn bản đến Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Long An về việc đình chỉ điều tra đối với bà Lê Thu Vân (bị can thứ 7 trong vụ án).

Theo nội dung đơn kháng cáo trước đó vào ngày 28/7, bị cáo Lê Tùng Vân cho rằng, mình già nua không ra khỏi nhà, suốt ngày nằm võng kể cả lúc khách đến thăm. Bị cáo Lê Tùng Vân không biết sử dụng điện thoại, mạng xã hội, chỉ lo dạy bảo con cháu tu tập, không lợi dụng dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước hay tổ chức, cá nhân nào.

Tiếp đó, bị cáo Lê Tùng Vân khẳng định ông không mạo danh đức Phật, không phỉ báng đạo Phật, không xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, cũng không xúc phạm Công an huyện Đức Hòa. Ngược lại, bị cáo Vân cho rằng mình là nạn nhân bị vu khống làm nhục trong thời gian dài…

Cũng theo đơn kháng cáo, bị cáo Lê Tùng Vân yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm tuyên ông và các thành viên được xem là đệ tử của bị cáo Lê Tùng Vân không phạm tội và trả tự do, đình chỉ vụ án.

Lời kể của cô gái 16 tuổi bị lừa sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao"

Như Dân Việt đã đưa tin: Ngày 21/8, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum thông tin, đơn vị vừa phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh giải cứu thành công 1 công dân bị lừa sang Campuchia làm việc.

Theo đó, nạn nhân vừa được giải cứu là Y L. (16 tuổi, trú tại thôn Kei Joi, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum).

Theo thông tin ban đầu, vào tháng 4/2022, Y L. làm công nhân cho công ty Giày Da ở tỉnh Bình Dương thì có quen biết với một người đàn ông qua mạng xã hội Facebook có tên là Lê Ngọc Nhất.

Kon Tum: Giải cứu 1 nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao" - Ảnh 1.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Kon Tum và Tây Ninh đã phối hợp giải cứu Y L. thành công. Ảnh: CTV

Nhất đã dụ dỗ chị L. sang Campuchia làm việc cho một công ty Trung Quốc với chiêu trò "việc nhẹ, lương cao" và hứa hẹn nếu sang đó không làm được thì người đàn ông này sẽ trả tiền để chị bắt xe về Việt Nam. Y L. sau đó đồng ý.

Đến ngày 18/4, đối tượng Nhất đã dẫn chị L. cùng 5 người khác (2 nữ, 3 nam) không rõ danh tính sang Campuchia qua đường mòn biên giới tỉnh Long An. Khi đến Campuchia thì mỗi người làm việc một nơi không liên lạc được với nhau. Đối tượng Nhất sau đó đã cắt đứt mọi liên lạc với chị L.

Kon Tum: Giải cứu 1 nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao" - Ảnh 2.

Hiện, Y L. đang được Bộ đội Biên phòng Kon Tum đưa trở về địa phương. Ảnh: CTV

Chị Y L. kể rằng, đối tượng Nhất bán mình cho công ty đầu tiên với giá 1.800 USD. Sau đó, chị tiếp tục bị bán cho công ty khác. Do không đáp ứng được yêu cầu công việc, chị Y L. muốn xin nghỉ việc để về Việt Nam thì công ty bắt phải nộp 3.500 USD hoặc phải dụ dỗ được từ 3-5 người sang làm cho công ty thì mới cho về nước.

Sau đó, cô gái này đã nhắn tin về cho gia đình để xoay xở tiền chuộc. Gia đình sau đó đã trình báo lên các cơ quan chức năng.

Nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh vào cuộc và triển khai các biện pháp nghiệp vụ để giải cứu Y L.

Trong thời gian này, Y L. tiếp tục bị bán sang các công ty khác nên các cơ quan chức năng phải bám sát hành trình bị mua bán của nạn nhân. Nơi cuối cùng Y L bị cưỡng bức lao động trước khi được giải cứu là công ty thứ 5, tại phòng ở số 311, tầng 3, tòa nhà F, đường 702, Bãi Si Hai, tỉnh Sihanouk, Campuchia, cách cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh khoảng 470 km về phía Nam.

Đến chiều 20/8, Y L. đã được các cơ quan chức năng giải cứu và đưa về Việt Nam thành công.

Hiện, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đang trên đường đưa Y L. trở về tỉnh Kon Tum để hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục bàn giao, đưa chị về đoàn tụ cùng gia đình.

Bắt giữ nam nghi phạm truy sát một phụ nữ

Như Dân Việt đã thông tin: Đinh Hữu Hải (SN 1981, ở Tân Yên, Bắc Giang) bị Công an huyện Tân Yên bắt vào trưa 21/8, khi đối tượng đang lẩn trốn tại một nhà nghỉ.

Thông tin điều tra ban đầu của cơ quan công an cho hay, vào 1h45 ngày 20/8, Hải do có mâu thuẫn cá nhân nên điều khiển ô tô hiệu Kia Morning đi theo chị N.T.L – khi đó đang chạy xe máy. Khi đến đoạn đường tại xã Phúc Hòa (Tân Yên), Hải cho ô tô đâm vào chị L, khiến nạn nhân ngã ra đường.

Nghi phạm giết phụ nữ lúc nửa đêm bị bắt tại một nhà nghỉ - Ảnh 1.

Cảnh sát bắt giữ Đinh Hữu Hải. Ảnh: Công an Bắc Giang

Đối tượng sau xuống xe, dùng dao chém nhiều nhát khiến nạn nhân trọng thương, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Đến sáng 21/8, chị L đã qua cơn nguy kịch.

Gây án xong, Hải bỏ trốn và bị cảnh sát ra thông báo truy tìm. Đối tượng bị bắt sau hơn 1 ngày.

Bộ Công an đề xuất quy tắc dùng mạng xã hội với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân

Như Dân Việt đã thông tin: Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo thông tư quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân (CAND).

Trong mục quy định về quy tắc ứng xử trên không gian mạng, Bộ Công an quy định cán bộ, chiến sĩ không được mạo danh cá nhân, tổ chức khác, không sử dụng tên, hình ảnh, phiên hiệu của các tổ chức, đơn vị trong CAND làm tài khoản cá nhân, tên đăng nhập, mật khẩu; không cung cấp hoặc công khai thông tin cá nhân có liên quan đến đơn vị, lực lượng, nhiệm vụ công tác khi đăng ký tài khoản Internet, mạng xã hội.

Đồng thời, không sử dụng từ ngữ, hình ảnh phản cảm, thiếu văn hóa làm tên tài khoản, ảnh đại diện tài khoản Internet, mạng xã hội.

Bộ Công an đề xuất quy tắc dùng mạng xã hội với chiến sỹ Công an nhân dân - Ảnh 1.

Nhiều điều cán bộ, chiến sĩ công an cần tránh khi tham gia mạng xã hội. Ảnh: CAND

Dự thảo lưu ý, phải tìm hiểu kỹ về người định kết bạn, hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn định tham gia. Quản lý, kiểm soát danh sách bạn bè, không kết bạn hoặc hủy kết bạn (nếu đã kết bạn) với những đối tượng thường xuyên đăng tải, chia sẻ quan điểm sai trái, thù địch.

Không lập, tham gia hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn để đăng tải, bình luận, chia sẻ những tài liệu, thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội có nội dung trái với quy định của pháp luật, quy định của Đảng, Nhà nước và của Bộ Công an.

Khuyến khích kết bạn với những người thường xuyên đăng tải thông tin tích cực; lập, tham gia hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn để lan tỏa thông tin tích cực, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Ngoài ra, Bộ Công an quy định cán bộ, chiến sĩ không truy cập đường dẫn lạ, không mở và trả lời các tin nhắn, thư điện tử rác. Không truy cập Internet, chia sẻ vị trí tại địa điểm cấm, khu vực cấm, trong các cuộc họp có nội dung bí mật Nhà nước, bí mật nội bộ.

Không đăng tải, truy cập, lưu trữ, phát tán, bình luận, chia sẻ, bày tỏ cảm xúc, thái độ với những thông tin xấu độc, thông tin chưa được kiểm chứng.

Sử dụng ngôn ngữ đảm bảo giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; nhận xét đúng mực, văn hóa, trách nhiệm và xây dựng về những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không cổ xúy, tiếp tay cho các trào lưu lệch lạc, thiếu văn hóa.

Khuyến khích thể hiện quan điểm, chính kiến trong việc xây dựng xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, vun đắp tình yêu Tổ quốc, quê hương; tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt, những hình ảnh đẹp về lực lượng Công an nhân dân.

Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ không truy cập trang thông tin của các tổ chức thù địch, cá nhân chống đối Đảng, Nhà nước. Báo cáo chế độ vi phạm chính sách cộng đồng hoặc báo cáo cơ quan, đơn vị chức năng xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật.

Khuyến khích cán bộ, chiến sĩ đề xuất sáng kiến, giải pháp kỹ thuật ngăn chặn việc tán phát các thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền chỉ đạo viết bài và tổ chức chiến dịch phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin phản ánh không đúng về đơn vị, địa phương mình để định hướng tư tưởng, dư luận xã hội.

Chỉ trích dẫn một số nội dung thật cần thiết; không đưa đường dẫn, toàn bộ nội dung bài viết có thông tin xấu độc. Phải gạch chéo hình ảnh nội dung được trích dẫn bài viết có thông tin xấu độc, đối tượng tuyên truyền thông tin xấu độc…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem