TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Tiến "trắng" "từ" bố mẹ nuôi Đường "Nhuệ"; nhà báo Đức Hiển yêu cầu khởi tố bà Phương Hằng

A.Đ (t/h) Thứ tư, ngày 17/11/2021 19:00 PM (GMT+7)
Tiến "trắng" tuyên bố "từ" bố mẹ nuôi Đường "Nhuệ" tại tòa; nhà báo Nguyễn Đức Hiển gửi đơn yêu cầu khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Tiến "trắng" tuyên bố "từ" bố mẹ nuôi Đường "Nhuệ" tại tòa

Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 17/11, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã đưa Nguyễn Xuân Đường (SN 1971, Đường "Nhuệ", TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và đồng phạm ra xét xử trong vụ bảo kê hỏa táng.

Đường "Nhuệ" bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình truy tố tội "Cưỡng đoạt tài sản", quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 170 Bộ luật Hình sự.

Bị truy tố với cùng tội danh, cùng điều khoản như Đường trong vụ án còn các bị cáo khác là Ninh Đức Lợi (SN 1974, TP.Thái Bình, lao động tự do), Phạm Văn Úy (SN 1989, Vũ Thư, Thái Bình, lao động tự do), Nguyễn Khắc Nin (SN 1979, Nam Cao, Kiến Xương, Thái Bình, lao động tự do), Bùi Mạnh Tiến (SN 1995, con nuôi Đường, Nguyên Xá, Vũ Thư, lao động tự do).

Bị cáo Quách Việt Cường (SN 1974, TP.Thái Bình, lao động tự do) cũng bị truy tố tội "Cưỡng đoạt tài sản" nhưng theo điểm a, Khoản 3. Nguyễn Thị Dương (vợ Đường, SN 1980) bị truy tố theo điểm d, Khoản 2, Điều 170 Bộ luật Hình sự về tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, lực lượng chức năng xuất hiện khá sớm tại phiên tòa. Các biện pháp đảm bảo phòng, chống Covid-19 được thực hiện nghiêm ngặt.

Đáng chú ý, với Bùi Mạnh Tiến, bị cáo này ngay tại phần kiểm tra căn cước đã thể hiện thái độ bất cần tại tòa.

Tiến "trắng" tiếp tục từ chối luật sư bào chữa của mình là luật sư Hà Trọng Đại. Ở phiên xét xử Tiến trong một vụ án khác trước đó, Tiến cũng từng từ chối luật sư Đại bào chữa cho mình.

Khi Hội đồng xét xử (HĐXX) chưa kiểm tra căn cước xong với Tiến thì bị cáo này nhiều lần nói chen ngang, bày tỏ muốn trình bày ý kiến khiến HĐXX đề nghị Tiến có thái độ tôn trọng HĐXX.

"Phải cho tôi nói thì tôi mới chấp hành, không thì tôi nhận án 20 năm" - Tiến "trắng" nói.

Theo ghi nhận, Tiến "trắng" đã chuẩn bị một bản viết tay dài rồi đọc ngay tại tòa, nhiều lần lan man khiến HĐXX đề nghị Tiến nói đúng trọng tâm.

Tiến "trắng" nói không nợ nần gì vợ chồng Đường "Nhuệ" mà chính vợ chồng Đường mới là người nợ Tiến, con nuôi chỉ là cái "mác".

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Tiến "trắng" "từ" bố mẹ nuôi Đường "Nhuệ"; nhà báo Đức Hiển yêu cầu khởi tố bà Phương Hằng - Ảnh 1.

Đường "Nhuệ" (trái) và con nuôi Tiến "trắng" (phải) cùng hầu tòa trong vụ bảo kê hỏa táng người chết ở Thái Bình. Ảnh: FBNV

"Tôi không có bố mẹ nuôi gì ở đây cả, tôi im lặng từ giờ đến cuối phiên tòa. Xin tòa xử án 20 năm" - Tiến đề nghị bỏ thông tin là con nuôi Đường "Nhuệ" trong cáo trạng.

Tài liệu truy tố thể hiện, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến tháng 4/2020, Đường đã dùng nhiều thủ đoạn để đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp để cưỡng đoạt tiền của 25 chủ cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Đường đã lợi dụng danh nghĩa và núp bóng Công ty TNHH Đường Dương do vợ là giám đốc để ép buộc các cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn Thái Bình phải hoạt động, nộp tiền theo yêu cầu của Đường, mặc dù công ty không có chức năng hoạt động trong lĩnh vực hỏa táng, không đầu tư cơ sở vật chất, không được 1 công ty kinh doanh dịch vụ tang lễ ở Nam Định ủy quyền.

Đường tự xưng là chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình, tự ban hành quy chế hoạt động của hiệp hội, hợp đồng nguyên tắc giữa công ty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ.

Đường còn cùng một số đối tượng khác đe dọa, đánh người quản lý đại lý ủy quyền của công ty dịch vụ tang lễ ở Nam Định tại Thái Bình phải dừng hoạt động.

Đối tượng này còn cấm các cơ sở dịch vụ tang lễ không được đi hỏa táng tại Nam Định mà phải sang Hải Phòng hỏa táng để gây sức ép với công ty làm dịch vụ tang lễ ở Nam Định.

Sau khi đại lý độc quyền của công ty dịch vụ tang lễ ở Nam Định tại Thái Bình phải dừng hoạt động, Đường đã tổ chức các cuộc họp tại khách sạn Dầu khí Thái Bình, tại quán cà phê, chửi và đe dọa để ép các chủ cơ sở dịch vụ tang lễ phải ký vào hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ.

Đường "Nhuệ" còn ép buộc các chủ dịch vụ tang lễ phải báo ca hỏa táng cho người của Đường, phải nộp số tiền 500.000 đồng/ca hỏa táng.

Trong thời gian trên, Đường tiếp tục có hành vi chặn xe tang lễ của cơ sở dịch vụ tang lễ tỉnh Hải Dương, không cho sang địa bàn tỉnh Thái Bình thực hiện hợp đồng tang lễ; phân chia địa bàn cho các cơ sở dịch vụ trong tỉnh.

Đường "Nhuệ" bị cáo buộc đã chiếm đoạt của 25 người bị hại là hơn 2,4 tỷ đồng. Số tiền này Đường sử dụng để chi tiêu cá nhân.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển gửi đơn yêu cầu khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng

Sáng 17/11, trao đổi với phóng viên Dân Việt, nhà báo Nguyễn Đức Hiển (SN 1973, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, cơ quan ngôn luận thuộc Sở Tư pháp, nay thuộc UBND TP.HCM) cho biết đã gửi đơn yêu cầu khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) lên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương.

Trong nội dung yêu cầu khởi tố, nhà báo Nguyễn Đức Hiển cho biết, ông và bà Nguyễn Phương Hằng hoàn toàn không có mối liên hệ, quan hệ nào; bất kể là trực tiếp gặp mặt hay qua điện thoại, hoặc bất kỳ mối quan hệ xã hội nào khác.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Tiến "trắng" "từ" bố mẹ nuôi Đường "Nhuệ"; nhà báo Đức Hiển yêu cầu khởi tố bà Phương Hằng - Ảnh 2.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển. Ảnh: NVCC

Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu, kể từ khi ông Hiển trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), về các phát ngôn thiếu chuẩn mực của bà Nguyễn Phương Hằng trên các nền tảng mạng xã hội. Và, buổi phỏng vấn phát sóng chương trình thời sự chiều (18h ngày 11/6/2021) trên kênh sóng phát thanh của VOV (được đăng tải lại trên báo điện tử VOV ngày 12/6/2021) với tiêu đề: "Không thể cho mình quyền xúc phạm bất kỳ ai trên mạng".

Nhà báo Đức Hiển khẳng định: Nội dung chính của bài phỏng vấn là quan điểm, nhận định pháp lý của cá nhân ông Hiển, đối với các phát ngôn trong các buổi phát sóng trực tiếp của bà Hằng, mà ông Hiển đã trực tiếp theo dõi trước đó. Một số nhận định của ông, thực chất chỉ là những đánh giá đơn thuần về pháp lý của một người có chuyên môn về pháp luật, thể hiện quan điểm khoa học của ông Hiển đối với hành vi diễn ra trong cuộc sống có dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Được biết, cho đến thời điểm hiện tại, nội dung bài phỏng vấn này vẫn đang tồn tại trên VOV và nhà báo Nguyễn Đức Hiển giữ nguyên quan điểm đã thể hiện qua các luận điểm trong bài phỏng vấn.

Xét xử vụ cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài: Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp bị đề nghị mức án tù chung thân

Sáng 17/11, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cùng 8 đồng phạm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong buổi sáng 17/11, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM vẫn tiếp tục giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, bị cáo Nguyễn Thành Tài và 8 bị cáo trong vụ án sai phạm hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng lấy nhà đất 185 Hai Bà Trưng (quận 3), gây thiệt hại 186 tỷ đồng.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Tiến "trắng" "từ" bố mẹ nuôi Đường "Nhuệ"; nhà báo Đức Hiển yêu cầu khởi tố bà Phương Hằng - Ảnh 3.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tại phiên tòa sáng 17/11. Ảnh: Chinh Hoàng

Đại diện VKSND cho biết: Đối với bị cáo Diệp, suốt quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Diệp cho rằng hồ sơ tài liệu liên quan đến việc thế chấp, hợp đồng công chứng thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng là giả mạo, kết luận giám định không đáng tin cậy.

Luật sư bảo vệ cho bị cáo cũng quan ngại tính chính xác của tài liệu cơ quan điều tra thu thập. Tuy nhiên, Viện KSND cho rằng toàn bộ tài liệu trong vụ án này được thu thập tại Sở TNMT, Ngân hàng Agribank TP.HCM, Trung tâm ca nhạc nhẹ và Sở VHTT TP.HCM, Phòng Công chứng số 1 đã bổ sung văn bản.

Tất cả đều được kiểm chứng và giám định của cơ quan chức năng, hoàn toàn khách quan, đúng pháp luật. Viện KSND nhận thấy tất cả quyền lợi của bị cáo Diệp đã được thực hiện đầy đủ đúng quy định pháp luật.

Do đó, Viện KSND giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị án chung thân đối với với bị cáo Dương Thị Bạch Diệp.

Đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài và 8 bị cáo còn lại phạm tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", đại diện Viện KSND cho rằng: Trong quá trình khai tại cơ quan chức năng và tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi và trách nhiệm của mình. Nguyên nhân là do thiếu sót, chủ quan trong quá trình xác minh tính pháp lý đối với tài sản 57 Cao Thắng khi tiến hành thực hiện hoán đổi.

Vì vậy, VKS tiếp tục giữ nguyên quan điểm luận tội đối với nhóm bị cáo này, chỉ đề nghị HĐXX bổ sung một số tình tiết giảm nhẹ của một số bị cáo như các luật sư có trình bày trong phần bào chữa.

Các bị cáo Nguyễn Thành Tài, Vy Nhật Tảo, Nguyễn Thanh Nhàn bị đề nghị từ 5-6 năm tù; các bị cáo Nguyễn Thành Rum, Đào Anh Kiệt từ 4-5 năm; các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 3 năm tù treo tới 3-4 năm tù.

Chủ tịch Chu Ngọc Anh hỏa tốc yêu cầu kiểm soát người về Hà Nội, thí điểm điều trị F0 tại cơ sở

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Công điện số 23 vào tối 16/11 nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.Hà Nội.

Theo đó, từ ngày 17/11, Hà Nội điều chỉnh công tác thu dung điều trị các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và tăng cường cách ly, xét nghiệm đối với người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội.

TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Tiến "trắng" "từ" bố mẹ nuôi Đường "Nhuệ"; nhà báo Đức Hiển yêu cầu khởi tố bà Phương Hằng - Ảnh 4.

Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh trong một lần đi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Ảnh: Phú Khánh

Hà Nội bắt đầu thí điểm điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm "4 tại chỗ", do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế. Sau thời gian thí điểm, TP sẽ mở rộng cơ sở điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV2 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại cấp quận, huyện, thị xã.

Trước mắt, việc thí điểm điều trị F0 nhẹ thực hiện tại Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn (Long Biên) với quy mô 150 giường; Trường THCS Tiền Yên (Hoài Đức) 300 giường (trường mới xây dựng, chưa bàn giao đón học sinh); Phòng khám đa khoa Minh Phú (Sóc Sơn) 200 giường; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (Thanh Trì) 300 giường; Trường Mầm non Lê Thanh A, xã Lê Thanh (Mỹ Đức) 200 giường.

Hà Nội cũng thí điểm cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế. Trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ bắt buộc cách ly tập trung hoặc tự nguyện cách ly tại khách sạn (cam kết chi trả kinh phí); thời gian thí điểm đến khi có thông báo của thành phố. Thời gian cách ly tập trung các F1 là 14 ngày.

TP cũng tiếp tục duy trì khu cách ly tập trung F1 tại các quận, huyện, thị xã đã được thành lập hoặc chưa kích hoạt; rà soát và mở rộng các khu cách ly, đảm bảo trang thiết bị, hậu cần để sẵn sàng tiếp nhận người dân.

Theo công điện, Hà Nội triển khai các biện pháp cao để kiểm soát chặt đối với người về từ các tỉnh, thành. Những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh, đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3, tương ứng với màu đỏ và màu da cam) và các tỉnh, thành có số ca mắc cao như: TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai... sẽ cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 7 ngày; xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7 từ khi tới Hà Nội.

Những người tiêm chưa đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine về từ khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3, tương ứng màu da cam) phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong vòng 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện biện pháp 5K; xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7.

Những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2) tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày, xét nghiệm một lần vào ngày đầu tiên.

Người chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều vaccine đi về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2) tự theo dõi sức khỏe 14 ngày; xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7.

Tất cả các trường hợp trên ngay khi về đến Hà Nội phải khai báo y tế và thông báo, cam kết với chính quyền địa phương. Trong thời gian cách ly, nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như: ho, sốt, đau rát họng, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác... cần báo ngay cho cơ quan y tế địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem