Bệnh nhân N.T.A nhập viện trong tình trạng suy kiệt toàn thân, thiếu máu, nhiễm trùng, nhiễm độc do khối u vú phải vỡ loét hoại tử. Ảnh: BVCC
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, đơn vị này vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.A nhập viện trong tình trạng suy kiệt toàn thân, thiếu máu, nhiễm trùng, nhiễm độc do khối u vú phải vỡ loét hoại tử.
Qua tìm hiểu thông tin từ người bệnh và người nhà người bệnh được biết: Chị A phát hiện bị mắc ung thư vú phải giai đoạn III từ năm 2017. Khi đó bác sĩ khuyên chị nên mổ sau đó là hóa trị, xạ trị, nhưng một phần vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, còn một phần vì chưa có niềm tin vào y học hiện đại, nên chị quyết định không điều trị tại bệnh viện mà trở về nhà điều trị bằng thuốc nam.
Chị gái của người bệnh nghẹn ngào chia sẻ: “Em tôi mắc bệnh hiểm nghèo, không ai nghĩ rằng em lại bị ung thư đâu. Em tôi làm ở nhà máy may mặc 28 năm rồi, khỏe mạnh, không ốm đau gì, lần đó bị lên hạch ở nách nên đi khám bác sĩ thì phát hiện mắc ung thư vú giai đoạn III. Khổ quá, nhà thì không có tiền, lại nghe bảo là ung thư mổ đi rồi nó di căn chỗ khác lại mổ tiếp nên sợ không điều trị nữa, về nhà uống thuốc nam thôi, ai ngờ bây giờ nó lại tiến triển xấu thế này”.
Tin lời "thầy lang", bệnh nhân N.T.A đã phải trả giá đắt. Ảnh: BVCC
Theo ThS-BS Trần Xuân Vĩnh - Trưởng đơn vị Hóa trị & Chăm sóc giảm nhẹ, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ: "Ung thư vú là một bệnh hoàn toàn có thể điều trị khỏi khi được phát hiện sớm. Đối với trường hợp người bệnh A được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn III cách đây 2 năm, nếu người bệnh được tiếp cận với phương pháp điều trị khoa học, bài bản thì cơ hội chữa khỏi bệnh vẫn rất cao. Rất tiếc là người bệnh này đã bỏ qua cơ hội điều trị bệnh của mình, tìm đến phương pháp điều trị không chính thống làm cho bệnh tiến triển xấu đi.
Hiện tại người bệnh đến viện ở giai đoạn muộn, với thể trạng rất suy kiệt, thiếu máu nặng, nhiễm trùng từ khối u vú phải hoại tử, vỡ loét. Các xét nghiệm lúc mới vào thể hiện tình trạng bệnh rất nguy kịch: Huyết sắc tố chỉ còn 3g/dl (người bình thường 12-13g/dl), albumin huyết 22g/l (người bình thường >35g/l,), bạch cầu tăng rất cao >50.000G/l.
Sau 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng người bệnh cải thiện khá tốt, khối u bớt hoại tử, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát. Chúng tôi đang hội chẩn để tìm hướng điều trị tiếp theo cho người bệnh, tuy nhiên khả năng điều trị cũng rất hạn chế".
Không chỉ đối với trường hợp người bệnh A, Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng từng tiếp nhận nhiều ca tương tự, người bệnh chủ quan với sức khỏe của mình, buông bỏ sớm không dám đấu tranh với bệnh tật, hoặc tin lời của những thầy lang không có chuyên môn để rồi sức khỏe ngày càng kiệt quệ, không thể cứu vãn được mới lo chạy chữa y học hiện đại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.