2 bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng
Tối 7/1, Bộ Y tế công bố thêm 4 ca mắc COVID-19 mới, đều là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay. Việt Nam ghi nhận 1509 ca.
Cùng trong ngày 7/1, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị COVID-19, diễn ra buổi hội chẩn 2 ca bệnh COVID-19 nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội) và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
BN1465 là T.T.B., nữ, 61 tuổi, có địa chỉ ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bệnh nhân nhập cảnh từ Mỹ, được cách ly tại Hà Nội. Bệnh nhân có tiền sử cắt thùy giáp bên phải. Tại buổi hội chẩn, bệnh nhân được xem xét sử dụng huyết thanh của người khỏi bệnh, hội đồng chuyên môn đề nghị bệnh viện xem xét lọc máu, theo dõi các thông số dịch; tăng cường dinh dưỡng tĩnh mạch, các chỉ số về tim mạch; nội tiết.
Các chuyên gia trong buổi hội chẩn.
BN 1405, 74 tuổi, từ Mỹ về Việt Nam. Người này có tiền sử viêm gan B mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường type II, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Bệnh nhân được xác định viêm phổi do SARS-CoV-2 bội nhiễm kèm theo nhiều bệnh nền. Hiện sức khỏe bệnh nhân có những tiến triển tích cực hơn, nhưng tiên lượng còn nặng.
Ở một diễn biến khác, Giáo sư - nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới Nguyễn Quang Riệu đã qua đời lúc 23 giờ 15 ngày 5/1 theo giờ Pháp, tức rạng sáng 6/1 giờ Việt Nam vì COVID-19.
Cầu Thăng Long thông xe sau 5 tháng sửa chữa
Sau 5 tháng sửa chữa, cầu Thăng Long (cây cầu 2 tầng độc nhất bắc qua sông Hồng) đã thông xe vào sáng 7/1.
Việc hoàn thành việc sửa chữa, cầu Thăng Long sẽ kết nối đồng bộ với tuyến đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, tạo thành trục giao thông xuyên suốt kết nối trung tâm TP đến sân bay Nội Bài và các khu vực lân cận.
Cầu Thăng Long kết nối Hà Nội với sân bay Nội Bài và tuyến đường vành đai 3
Dự án sửa chữa cầu Thăng Long lần này có tổng kinh phí 270 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư sửa chữa được trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được khởi công xây dựng vào ngày 26/11/1974 và hoàn thành vào tháng 9/5/1985. Cầu vượt sông dài 1.680m, gồm 15 nhịp giàn thép, tạo thành năm liên dầm liên tục, mỗi liên có độ dài 112m/nhịp.
Cầu gồm hai tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Sau hơn 35 năm đưa vào khai thác, trải qua hai lần sửa chữa (2009 và 2013), mặt cầu Thăng Long đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông của người và phương tiện lưu thông qua cây cầu này.
1 đối tượng nổ súng vào xe chở “thánh chửi” Dương Minh Tuyền đã bị bắt
Ngày 7/1, Công an tỉnh Hải Dương đã bắt giữ Lã Văn Linh (SN 1999, trú Ba Vì, Hà Nội) có liên quan đến vụ xe chở “thánh chửi” Dương Minh Tuyền bị bắn.
Nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên là do Dương Minh Tuyền và đối tượng gây án có mâu thuẫn với nhau từ trước và đã nhiều lần chửi, thách thức nhau trên mạng xã hội.
Lã Văn Linh tại trụ sở công an.
Ngày 4/1, khi biết thông tin Dương Minh Tuyền về Thanh Miện, Hải Dương, Linh và Hồ Văn Khoa (SN 1992, trú tại thôn Thái Phụ, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã đi xe máy về Thanh Miện và nổ súng vào xe của Tuyền.
Tại cơ quan công an, Linh khai nhận tối 4/1, Linh điều khiển xe ô tô Wave màu đen, không BKS từ Hà Nội về thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đón Khoa.
Sau khi đón được Khoa ở thị trấn Thanh Miện, Linh đã chở Khoa đến khu vực xe ô tô BKS 99A-286.xx của Dương Minh Tuyền đang đỗ ở gần quán Karaoke Tuấn Anh. Khoa ngồi sau sử dụng súng bắn đạn hoa cải bắn 3 phát về phía đầu xe ô tô của Tuyền, sau đó cả 2 bỏ chạy về Hà Nội.
Hiện, Công an đang truy bắt nghi phạm Khoa.
Tạm giữ 3 người vụ đổ máy ép cọc làm 2 cháu bé tử vong ở Bắc Ninh
Công an huyện Lương Tài (Bắc Ninh) tạm giữ gồm: Lương Quốc Đáng (SN 1989), Lâm Ngọc Tiến (SN 1984) cùng trú tại xã Trung Dũng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên và Đỗ Khắc Hiền (SN 1987, trú xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) vì liên quan tới vụ đổ máy ép cóc, 2 trẻ tử vong ở Bắc Ninh.
Khu vực nơi xảy ra sự việc.
Theo kết quả điều tra bước đầu, sáng 5/1, anh Nguyễn Bá Mai (SN 1978, trú xã Lâm Thao) là người nhận thi công ép cọc cho công trình xây dựng nhà văn hóa thôn Văn Trong, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Hiền, Đáng và Tiến điều khiển xe tải cẩu chở các thiết bị của máy ép cọc xuống công trường.
Sau đó 3 người này tập kết các thiết bị của máy ép cọc tại khu cánh đồng thôn Văn Trong, gần địa điểm xây dựng công trình rồi ra về, không có ai trông coi thiết bị, không có biện pháp cảnh báo nguy hiểm. Chiều 5/1, 4 cháu nhỏ ra chơi ở khu vực để thiết bị của máy ép cọc để chơi, thì bị máy ép cọc đổ vào người. Vụ tai nạn làm cháu N.B.T (8 tuổi) và cháu N.V.N (8 tuổi) tử vong, còn cháu V.V.T (8 tuổi) và cháu N.V.H (6 tuổi) bị thương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.