Tại Nhật Bản, Chủ tịch Lại Xuân Môn và đoàn công tác đã có những cuộc tiếp xúc, làm việc với đại diện nhiều cơ quan Chính phủ Nhật Bản như Bộ Tư pháp, Y tế, Lao động và Phúc lợi, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản, Liên minh Hợp tác xã Nhật Bản, chào xã giao Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) và một số lãnh đạo Đảng LDP, nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản; thăm, trao đổi kế hoạch hợp tác với một số doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp lớn của Nhật Bản; nói chuyện với các thực tập sinh Việt Nam đang học tập tại tỉnh Hokkaido…
Chủ tịch Lại Xuân Môn (trái) cùng các thành viên trong đoàn thăm mô hình sản xuất và ứng dụng phân bón và chất dinh dưỡng hữu cơ của Công ty Shimamoto tại tỉnh Shiga (Nhật Bản). Ảnh: Xuân Định
Lúa gạo dư thừa của Nhật Bản chủ yếu phục vụ chăn nuôi. Nhật Bản có chính sách khuyến khích nông dân chuyển từ sản xuất lúa gạo sang cây trồng khác, với mức hỗ trợ từ 100.000 – 13.000 yen/ha (20,2-26,2 triệu đồng/ha). Nông nghiệp Nhật Bản đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm chế biến từ gạo để xuất khẩu. Nhật Bản khuyến khích phát triển các trang trại quy mô lớn, liên kết sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao, với mức hỗ trợ 30% kinh phí, cho vay vốn lãi suất ưu đãi chỉ 1,3%/năm.
|
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn
Qua các buổi tiếp xúc và làm việc, phía Nhật Bản đánh giá cao sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Nếu đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) tiên tiến vào sản xuất, Việt Nam có thể trở thành cường quốc nông nghiệp hàng đầu thế giới.
Trong trao đổi với Đoàn, các cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản đều nhận định, Việt Nam có nguồn lao động nông thôn dồi dào, có sức khỏe, cần cù. Điều này khác với Nhật Bản-nơi lực lượng lao động nông nghiệp đang giảm dần và đang bị già hóa. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất quan tâm và đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam.
Tại các buổi tiếp xúc, làm việc, Chủ tịch Lại Xuân Môn thay mặt giai cấp nông dân và Hội NDVN cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã luôn ủng hộ nhân dân Việt Nam nói chung, nông dân Việt Nam nói riêng trong thời gian qua. “Việt Nam cần phải đẩy nhanh việc đào tạo, nâng cao trình độ và kỹ năng cho nông dân. Nhật Bản là nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, là nước có nền nông nghiệp phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến là địa điểm thích hợp cho nông dân Việt Nam nghiên cứu, học tập...” - Chủ tịch Lại Xuân Môn khẳng định.
Các cơ quan Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản đều đồng tình quan điểm với Đoàn công tác T.Ư Hội NDVN. Phía Nhật Bản khẳng định ủng hộ Hội NDVN cùng với Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản hợp tác đào tạo, đưa thực tập sinh là những nông dân trẻ Việt Nam sang Nhật Bản học tập.
Công nghệ là chìa khóa
Hội NDVN và Công ty Arrowfield nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận đi đến ký kết thỏa thuận hợp tác, sớm đưa sản phẩm của doanh nghiệp này giới thiệu với nông dân Việt Nam. Hai bên cũng nhanh chóng xúc tiến việc xây dựng các mô hình sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ nhằm chuyển giao công nghệ cho nông dân Việt Nam; đưa thực tập sinh là nông dân Việt Nam sang Nhật Bản làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh của Công ty và các đối tác khác.
|
Trong các buổi làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp Nhật Bản, Đoàn T.Ư Hội NDVN tập trung tìm hiểu chính sách của Chính phủ Nhật Bản đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là chính sách về đất đai, tín dụng, ứng dụng công nghệ, bảo hiểm nông nghiệp...
Tại Nhật Bản, Đoàn công tác do Chủ tịch Lại Xuân Môn dẫn đầu cũng đã có những buổi tiếp xúc, thăm quan, trao đổi với một số doanh nghiệp lớn lĩnh vực nông nghiệp của Nhật Bản. Đây sẽ là một trong số những doanh nghiệp, công ty Nhật Bản tiếp nhận, đào tạo thực tập sinh Việt Nam trong thời gian tới. Đoàn đã thăm và làm việc với doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế (Wagoen); gặp gỡ và trao đổi với chủ trang trại ứng dụng công nghệ cao và thăm khu sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch.
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản, nước này có địa hình sản xuất nông nghiệp tương đồng với Việt Nam, nhưng có trình độ sản xuất, trình độ công nghệ, quản lý tiên tiến hơn. Những điểm mạnh của nông nghiệp Nhật Bản lại là những hạn chế của nông nghiệp Việt Nam. Sự khác biệt này mở ra nhiều cơ hội tốt để 2 nước đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại buổi làm việc, Chủ tịch Lại Xuân Môn đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản Yuji Yamamoto quan tâm và thúc đẩy tạo điều kiện cho nông dân Việt Nam sang làm thực tập sinh tại Nhật Bản. Ông Yuji Yamamoto vui vẻ nhận lời và khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp với Việt Nam trong thời gian tới.
Những ngày cuối tại Nhật Bản, Chủ tịch Lại Xuân Môn và đoàn công tác T.Ư Hội NDVN đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ của xứ sở hoa anh đào như Công ty TNHH Arrowfield; trao đổi với nông dân tại thành phố Osaka, tỉnh Hyogo và Shiga.
Làm việc với Đoàn, đại diện lãnh đạo Công ty Arrowfield cho biết, doanh nghiệp này chuyên phát triển, cung ứng nguồn nhân lực toàn Nhật Bản; sản xuất phân bón hữu cơ dạng bột, lỏng; nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ; các chất dinh dưỡng cải tạo,chống nhiễm độc đất do phân bón vô cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là xâm ngập mặn. Công ty còn sản xuất các loại màng, túi bảo quản nông sản đảm bảo độ tươi ngon và kéo dài thời gian sử dụng. Sản phẩm phân bón hữu cơ của công ty giúp cây trồng tăng 50-200% về năng suất, sản lượng.
Trong các buổi tiếp xúc và làm việc với Đoàn T.Ư Hội NDVN, các cơ quan Chính phủ và đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có Công ty TNHH Arrowfield đều khẳng định, khoa học công nghệ tiên tiến sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa vào nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, giá trị cao…
Nông dân Việt sẽ làm giỏi như nông dân Nhật
Tại buổi làm việc với Công ty TNHH Arrowfield, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp này mong muốn hợp tác với Hội NDVN trong việc cung ứng các sản phẩm chất lượng cao, trong đó có phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Trong chương trình hợp tác này, phía Nhật Bản sẽ sử dụng nguồn vốn ODA của chính phủ để xây dựng các mô hình mẫu về sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ tại đồng ruộng Việt Nam nhằm chuyển giao công nghệ cho nông dân và nhân rộng mô hình.
Chủ tịch Lại Xuân Môn nhất trí, ủng hộ các đối tác Nhật Bản hợp tác với Hội NDVN để hỗ trợ nông dân Việt Nam tiếp cận, ứng dụng những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao vào sản xuất, nhưng cũng lưu ý các đối tác Nhật Bản rằng, sản phẩm phải dễ sử dụng, giá thành phù hợp với điều kiện của nông dân Việt Nam.
Công ty Arrowfield cũng bày tỏ mong muốn, thông qua “kênh” Hội NDVN được tiếp nhận thực tập sinh là nông dân trẻ Việt Nam sang làm việc và học tập tại các nhà máy của doanh nghiệp và các đối tác khác tại Nhật Bản. Đây là một trong những giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ cho nông dân Việt Nam nhanh chóng và hiệu quả hơn…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.