Tỉnh Bình Định đã làm gì mà sau 10 năm xây dựng NTM đạt được những thành quả khiến "thiên hạ" trầm trồ?

Thăng Bình Thứ hai, ngày 26/04/2021 07:20 AM (GMT+7)
Bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Bình Định xuất phát là tỉnh nghèo nên điều kiện kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với 3 huyện thuộc diện 30a. Tuy nhiên, sau 10 năm tỉnh này đã có những thành quả khá bất ngờ.
Bình luận 0

Xây dựng NTM: Đồng lòng vào cuộc

Xác định cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tạo sự đồng thuận trong toàn dân xây dựng NTM, Tỉnh ủy Bình Định đã nhanh chóng ban hành Chương trình hành động về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến 2020.

Nhiệm vụ xây dựng NTM được xác định rõ trong Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Thành viên Ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp tỉnh được Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo phải bám sát địa bàn, trực tiếp chỉ đạo các xã điểm và các xã phải hoàn thành xây dựng chương trình giai đoạn 2011-2020. Các Sở, ban, ngành, hội đoàn thể trong tỉnh được chỉ đạo phụ trách, hỗ trợ các xã xây dựng NTM.

Bình Định “đột phá” xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Nhiều mô hình chăn nuôi ở vùng nông thôn mang lại kinh tế hiệu quả.

Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, tỉnh Bình Định đã tổ chức 121 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở tại 121 xã xây dựng NTM trong tỉnh với 6.100 người tham gia.

Tổ chức 243 lớp đào tạo, bồi dưỡng theo các chuyên đề NTM với 16.577 cán bộ huyện, xã, thôn, HTX tham gia. Tổ chức 6 đợt tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng NTM tại các tỉnh trên cả nước.

Theo ông Trần Văn Phúc – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn Bình Định được thực hiện thành công trong suốt 10 năm qua là nhờ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm công tác nâng cao năng lực cho cán bộ làm NTM các cấp.

Công tác này được thực hiện theo khung Chương trình tập huấn xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020 do Bộ NNPTNT ban hành. Hàng năm, Văn phòng điều phối cấp tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp, nhất là cán bộ cấp xã, thôn.

Bên cạnh đó, còn có sự đóng góp, đồng lòng của toàn dân trên địa bàn tỉnh với quyết tâm thay đổi bộ mặt nông thôn, cuộc sống người dân.

Bình Định “đột phá” xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Bê tông hóa giao thông nông thôn được lan tỏa rộng tại Bình Định.

Đổi thay vùng nông thôn

Ngay sau khi Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Bình Định tổ chức lễ phát động phong trào thi đua "Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng NTM", hành động này lập tức sôi nổi, lan tỏa trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Trong giai đoạn 2010-2020, Hội Phụ nữ tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện tiêu chí xây dựng gia đình 5 không 3 sạch; thành lập tổ tự quản vệ sinh môi trường tại các thôn; mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản, gia đình thân thiện với môi trường. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng có những đóng góp thiết thực, tham gia xây dựng NTM tại nhiều xã trong tỉnh.

Tỉnh đoàn Bình Định cũng tham gia, huy động từ các nguồn xã hội hóa, triển khai xây dựng cầu nông thôn; huy động nguồn lực thực hiện nhiều công trình như: Trường đẹp cho em; tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định triển khai cuộc vận động vì người nghèo; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất và kêu gọi các doanh nghiệp, công đồng dân cư chung tay xây dựng NTM…

Bình Định “đột phá” xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Cuộc sống người dân tỉnh Bình Định vùng nông thôn được cải thiện.

Đến nay, trên địa bàn Bình Định đã có 4 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ NTM. Trong đó, TX.Hoài Nhơn, TX.An Nhơn, TP.Quy Nhơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; riêng huyện Tuy Phước đã đượC UBND tỉnh trình Bộ NNPTNT xem xét thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 91 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP. Trong đó, 71 tổ chức kinh tế với 81 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm có tiềm năng đạt hạng 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao và 65 sản phẩm 3 sao.

"Thông qua chương trình OCOP, các sản phẩm đã có nhiều chuyển biến về hình thức lẫn chất lượng, bộ nhận diện thương hiệu, quy mô sản xuất. Thị trường bán sản phẩm trước đây chủ yếu là trong huyện, xã và bán cho các thương lái, nhưng nay thị trường tiêu thụ đã được mở rộng, nhiều sản phẩm đã vươn xa đến nhiều tỉnh, thành khắp cả nước", ông Phúc cho biết.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021-2025, tỉnh này sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện hết sức cụ thể, sát với tình hình thực tế.

Nhất là giải pháp hỗ trợ các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa xây dựng NTM và một số nội dung của chương trình còn đạt tỷ lệ thấp, để từng bước hoàn thành tiêu chí xã NTM và giảm nghèo bền vững.

Bình Định “đột phá” xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Tỉnh Bình Định đạt nhiều thành quả bất ngờ trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, Bình Định sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng HTX tiên tiến, kiểu mẫu, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại gắn với xây dựng NTM.

Tổ chức phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, tiếp tục phát triển liên kết 4 nhà, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phù hợp điều kiện sản xuất an toàn, có thị trường tiêu thụ ổn định nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, kết hợp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem