Một trong những tỉnh đầu tiên hỗ trợ nhân lực y tế cho miền Bắc và chuyện cốt cách trọng ân tình

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 16/09/2024 14:55 PM (GMT+7)
Nằm ở "khúc ruột" miền Trung, là đòn gánh 2 đầu đất nước, Bình Định tuy còn khó khăn, thiên tai, bão lũ năm nào cũng có, khiến làng quê kiệt quệ, cuộc sống người dân lâm cảnh khốn khó. Nhưng, khi đồng bào cả nước cần, người Bình Định chưa bao giờ nề hà, luôn sẵn lòng tương trợ.
Bình luận 0

Mấy ngày nay, xem cảnh lũ quét ở Làng Nủ (Lào Cai) rồi nhìn con số thống kê về người chết, mất tích ở các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hòa Bình..., tôi thấy thật đau xót với nỗi niềm khó tả.

Điện thoại của tôi lúc 18h ngày 13/9 bất ngờ nhận được dòng tin nhắn ngắn gọn của bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định: "Chiều nay, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã chuyển 12 tỷ đồng đến tài khoản của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủng hộ đồng bào miền Bắc vượt giai đoạn khó khăn này rồi em nhé!".

Nhận tin nhắn của bà Phong Vũ, tôi thấy ấm lòng. Bởi, lâu nay, người Bình Định đã nói là làm, rất sốt sắng trước những việc mang tính cấp bách, việc cần làm ngay. Và tôi cũng hiểu, cốt cách đáng quý của người Bình Định, là luôn trọng ân tình, nặng nghĩa với đồng bào.

Khí hậu, thổ nhưỡng ở Bình Định vốn khắc nghiệt, mùa nắng "cháy da", mùa mưa thì như "tát nước vào mặt". Cứ định kỳ mùa thiên tai từ tháng 9 đến tháng 12, bão lũ, sạt lở…chẳng buông tha trận nào, cuộc sống người dân rất chật vật.

Tỉnh đầu tiên hỗ trợ nhân lực y tế cho miền Bắc và cốt cách trọng ân tình của người Bình Định- Ảnh 1.

Chiều 14/9, Đoàn cán bộ y tế tỉnh Bình Định đã đến hỗ trợ tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả bão lũ. Theo kế hoạch, đoàn sẽ hỗ trợ thành phố Yên Bái đến hết ngày 19/9, với các hoạt động xử lý môi trường, khử khuẩn nước, phòng chống dịch bệnh giúp người dân Yên Bái sớm ổn định cuộc sống. Ảnh: Trung tâm y tế thành phố Yên Bái.

Thiên tai khiến làng quê kiệt quệ, ám ảnh thường trực trong dân. Nhưng khi đồng bào cả nước cần, Bình Định luôn sẵn lòng. Phải nhìn nhận rằng, mỗi lúc tỉnh này gặp thiên tai trước đây, đồng bào cả nước luôn nghĩa hiệp cứu trợ, gần như không sót trận nào, và lần này là lúc người Bình Định, trả nợ ân tình.

Câu chuyện của em Trịnh Hồng Vinh, học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học số 1 Hoài Hương (phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) được gia đình chở đến UBND phường để ủng hộ toàn bộ số tiền 1,7 triệu đồng mà em bỏ heo đất suốt 4 năm khiến nhiều người phải cảm phục. Dù đang ở lứa tuổi còn nhỏ, nhưng đứa trẻ này đã có suy nghĩ chín chắn, với tấm lòng thương người.

Tỉnh đầu tiên hỗ trợ nhân lực y tế cho miền Bắc và cốt cách trọng ân tình của người Bình Định- Ảnh 2.

Trong ngày 14/9, Đoàn y tế tỉnh Bình Định và xe vận chuyển thuốc men của Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định đã đến tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên.

"Con thưa mọi người! Con tên là Trịnh Hồng Vinh, con đang học lớp 4B Trường Tiểu học số 1 Hoài Hương, bữa giờ con coi điện thoại thấy người Việt Nam bị lụt bão chết nhiều. Con có số tiền lẻ dì Hai với ba mẹ cho con, con để dành từ lớp 1 để mua siêu nhân biến hình. Giờ con nhờ ba gửi tặng các bạn con bị lũ lụt. Con để dành tiền mua siêu nhân sau", trích thư Vinh viết gửi các bạn bị ảnh hưởng bão lũ.

Ở góc độ tiếp sức nhân lực y tế cho các tỉnh miền Bắc khắc phục bão lũ, Bình Định là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước tiên phong cho hành động này.

Tỉnh đầu tiên hỗ trợ nhân lực y tế cho miền Bắc và cốt cách trọng ân tình của người Bình Định- Ảnh 3.

Em Trịnh Hồng Vinh học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học số 1 Hoài Hương ủng hộ toàn bộ số tiền 1,7 triệu đồng mà em bỏ heo đất suốt 4 năm. Ảnh: NDCC.

Hôm 13/9, buổi tiễn 67 y, bác sĩ lên đường đến tỉnh Yên Bái và Thái Nguyên, được tỉnh này tổ chức ngắn gọn, tiết kiệm, không rình rang.

Chỉ còn 1 năm nữa nghỉ hưu, nhưng tuổi tác, sức khỏe không ngăn được bước chân ông Phạm Văn Ánh - từng là cán bộ y tế cơ sở giỏi được vinh dự gặp mặt Tổng Bí thư và Chủ tịch nước - đang công tác tại Trạm y tế xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, đến với đồng bào miền Bắc.

"Trong đời tôi chưa bao giờ chứng kiến thiên tai kinh hoàng như cơn bão số 3 vừa rồi để lại. Tôi thương bà con quá. Tôi rất mong muốn trước khi nghỉ hưu, tôi phải cống hiến hết sức của mình cho quê hương, đất nước một lần. Ngồi ở nhà, nhìn đồng bào lam lũ, vất vả, lòng tôi không thể nào chịu được. Thật sự, tim tôi rất đau", ông Ánh nói lời từ tận đáy lòng.

Tỉnh đầu tiên hỗ trợ nhân lực y tế cho miền Bắc và cốt cách trọng ân tình của người Bình Định- Ảnh 4.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Ảnh: TT.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định Lê Quang Hùng, người trực tiếp được Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cử ra Bắc, nhắn nhủ: "Chúng ta xuất quân, mang theo không chỉ trang thiết bị và thuốc men, mà còn là tinh thần trách nhiệm và lòng quyết tâm cùng đồng bào vượt qua giai đoạn khó khăn này. Vì đồng bào miền Bắc thân yêu, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng".

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, sự đóng góp của tỉnh là minh chứng rõ ràng cho tinh thần đoàn kết và trách nhiệm cộng đồng. "Chúng ta không thể đứng ngoài khi đồng bào miền Bắc đang gặp khó khăn. Mỗi hành động nhỏ sẽ góp phần giúp bà con sớm vượt qua giai đoạn này và ổn định lại cuộc sống", ông nói.

Bão số 3, với tên gọi quốc tế là Yagi, đã gây ngập lụt thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ... Trước tình hình đó, Bình Định không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn cử nhiều đoàn công tác trực tiếp đến hỗ trợ tại các địa phương bị ảnh hưởng. Bình Định đã ủng hộ 12 tỷ đồng, cử hơn 100 người hỗ trợ các tỉnh miền Bắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem