Tinh giản biên chế công chức, viên chức năm 2023:“Tôi sợ mình không còn là người Nhà nước nữa”

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 31/03/2023 18:05 PM (GMT+7)
"Sợ khi không còn là người nhà nước" là nỗi sợ của rất nhiều công chức, viên chức. Vậy nỗi sợ của họ đến từ đâu?
Bình luận 0

Lương thấp nhưng không muốn trong diện "tinh giản biên chế"

Chị N.T.T (42 tuổi) đang là viên chức trong đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị, xã hội cấp trung ương. Tuy mức lương của chị T chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng nhưng chị chưa từng nghĩ tới việc sẽ thôi việc.

"Nói thật, công việc tuy có hơi nhàm chán, lương hơi thấp nhưng đó là công việc tôi gắn bó rất lâu rồi. Về quê nói mình là công chức, viên chức làm ở cơ quan nhà nước nghe cũng oách hơn. Giờ nghĩ mình không còn là người Nhà nước nữa thì hơi sợ", chị T nói.

Nói là nói vậy, nhưng thực tế chị T đâu có sống bằng lương của một công chức, viên chức. Chị có nghề tay trái là làm bánh, vì thế chị tự mở cửa hàng làm bánh mỗi tháng tiền công thu được cũng gấp đôi gấp 3 số tiền lương chị kiếm được.

tinh giản biên chế công chức viên chức

Rất nhiều công chức nghe tới "tinh giản biên chế" là rất sợ. Ảnh: MH

Cũng theo chị T, cơ quan chị đang sắp xếp lại bộ máy, khả năng tới đây sẽ tự chủ không còn được nhà nước "bao" nữa nên lo ngại "không còn là người Nhà nước" sẽ bị tinh giản biên chế lại hiện hữu trong chị.

"Nếu không còn được Nhà nước bao cấp thì đơn vị tôi phải tự chủ, mà nếu tự chủ thì sẽ có rất nhiều thay đổi. Từ cơ chế hoạt động, bộ máy, cách làm việc... mình đang quen làm việc trong môi trường ổn định rồi, giờ làm việc theo kiểu hàng hóa, thật sự không khỏi lo lắng", chị T nói.

Không riêng gì chị T, dù nhận một mức lương thấp lè tè, không đủ sống nhưng nếu nói với một số công chức, viên chức nghỉ việc, chưa chắc họ đã đồng ý.

Giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

"Mình tự nhận thấy năng lực của mình chỉ tới thế, với tài chính đã có chồng lo, mình đi làm cho có, còn thời gian về lo cho con cái gia đình vì thế nên không đòi hỏi lương cao, công việc tốt. Chỉ cần có một công việc sáng đi chiều về là được", đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị H, 34 tuổi là công chức cấp xã ở một tỉnh thành giáp Hà Nội.

Chị H cho hay, cũng có đôi khi gặp áp lực công việc do cuối năm công việc bị dồn toa, nhưng nhìn chung là công việc của một chuyên viên, công chức cấp xã không quá nhiều. Ít nhất chị không phải ôm việc về nhà, ngày làm 8 tiếng, không có deadline. Thế nhưng nghe nói tới đây huyện chị sẽ tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính và xã chị làm là một trong những đơn vị sẽ bị sáp nhập.

Chị H lo lắng: "Nếu bị sáp nhập thì có thể tôi sẽ bị tinh giản biên chế vì so với các công chức khác tôi chưa chuẩn hóa bằng cấp, mới chỉ có bằng cao đẳng. Giờ mà bị tinh giản biên chế thật sự là không biết làm gì, chẳng lẽ lại xin đi làm công nhân".

Cần có tiêu chí cụ thể để đánh giá công chức, viên chức từ đó xét tinh giản biên chế 

TS. Tạ Ngọc Hải - Viện khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) cho rằng có nhiều tiêu chí để đánh giá chất lượng của cán bộ, công chức viên chức. Từ đánh giá chất lượng mỗi cá nhân, cho tới đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, rồi trình độ nghiệp vụ...

TS Tạ Ngọc Hải nói, hiện nay chúng ta vẫn chưa có những tiêu chí cụ thể, minh bạch để đánh giá chất lượng công chức, viên chức. Chính bởi vậy, đây có thể là hạn chế khiến cho việc đánh giá chất lượng cán bộ, công chức phục vụ nhiệm vụ tinh giản biên chế chưa được chuẩn.

tinh giản biên chế công chức viên chức

Nhiều cán bộ, công chức, viên chức cấp xã bị tinh giản biên chế do dôi dư khi sát nhập lại đơn vị hành chính. Ảnh: NN

Riêng câu chuyện tinh giản biên chế ở các đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn khi sáp nhập đơn vị cần được thực hiện công khai, minh bạch. Khó khăn lớn nhất trong việc sáp nhập ở các đơn vị này là giải quyết dôi dư cán bộ, công chức, viên chức. Vì thế, việc này phải được thực hiện theo đúng quy định và đề cao tính nhân văn. Về mặt bản chất, việc cán bộ, công chức dôi dư là do thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước (ngoài ý muốn chủ quan của cán bộ, công chức).

Do vậy, theo các chuyên gia, công tác giải quyết công chức, viên chức dôi dư nên được thực hiện trên tinh thần vận động, tự nguyện. Để làm tốt điều này cần có một cơ chế riêng, đảm bảo thỏa đáng với hai mục tiêu cơ bản: hỗ trợ tinh giản biên chế (bằng kinh phí) để cán bộ, công chức tự sắp xếp công việc, cuộc sống và chuyển đổi nghề cho cán bộ, công chức sau sáp nhập. Ngoài ra cũng cần truyền thông để công chức, viên chức thấy được dù làm ở vị trí nào thì cũng là tạo ra của cải sản phẩm làm giàu cho đất nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem