Chìm ngập trong việc… không tên
Thường vẫn “va nhau chan chát” ở tòa án, nhưng mỗi khi phóng viên rủ rê đi cà phê tán gẫu hay “chém gió”, thư ký tòa Hình sự - TAND TP.Hà Nội Trần Công Hách cứ chối đây đẩy. Nhưng khi nhận ra mong muốn nghiêm túc, chân thành của một người “đeo bám” mảng pháp đình như tôi, anh chàng thư ký có khuôn hình “hoành tráng” nhất tòa án Hà Nội đã vui vẻ nhận lời.
Nói về nghề nghiệp của mình, Hách vắn tắt: “Bọn em giờ chẳng khác nào một cái máy đã lập trình. Tiếp nhận hồ sơ vụ án là cứ thế xử lý theo quy trình định sẵn. Chỉ đến khi tập hợp đủ kháng cáo, kháng nghị chuyển lên tòa cấp trên hoặc chuyển sang bộ phận lưu trữ để sau đó bàn giao cho thi hành án thì công việc mới được coi là hoàn tất”.
Thấy phóng viên vẫn ngơ ngác về quy trình “xử lý” một vụ án hình sự của thư ký tòa án, anh chàng đã ngót 10 năm làm nghề giúp việc cho thẩm phán buộc phải cắt nghĩa một cách rành mạch hơn.
Theo đó, khi nhận được quyết định phân công hội đồng xét xử (trong đó có cả thư ký) của lãnh đạo tòa thì việc đầu tiên người thư ký phải làm là dành thời gian để đọc lướt qua toàn bộ hồ sơ vụ án. Trong quá trình ấy, nếu phát hiện tình tiết nào có “vấn đề” thì lập tức phải báo cáo cho thẩm phán biết.
Thậm chí, trường hợp thấy cần thiết phải điều tra bổ sung, những người như Hách còn phải đề nghị thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Bằng không, quy trình “xử lý” vụ án của thư ký tòa chuyển sang công đoạn tiếp theo, đó là liên hệ với bộ phận văn phòng đăng ký phòng xử án và lên lịch mở tòa theo yêu cầu của chủ tọa.
|
Tòa án là nơi thể hiện sự uy nghiêm của pháp luật. |
Rồi đến khi phiên tòa mở ra, người giúp việc cho thẩm phán đâu chỉ có mỗi nhiệm vụ ghi biên bản phiên xử. Mà ngay cả việc ghi chép diễn biến, lời khai và quan điểm của các bên tại phiên tòa cũng là một kì công, đòi hỏi người viết phải không ngừng trau dồi cả kiến thức lẫn kinh nghiệm thực tiễn.
Trước đó, ngoài các việc điểm danh người đến dự tòa theo giấy triệu tập, sắp xếp chỗ ngồi cho các bên liên quan, phổ biến nội quy phòng xét xử, phối hợp với lực lượng cảnh sát để bảo đảm an ninh…, họ còn “kiêm” luôn cả việc vệ sinh, lau chùi bàn ghế trong hội trường.
Những việc tưởng chừng chỉ là rất nhỏ nhặt ấy, nhưng tất cả đều đã được “luật hóa” và buộc thư ký tòa án phải thực hiện. Đơn giản vì mọi thứ ở công đường đều ít nhiều thể hiện sự tôn nghiêm và tính thượng tôn của pháp luật.
Chuyện ít biết về nghề thư ký tòa
Cũng như những nghề khác trong xã hội, càng về cuối năm, công việc của những người thư ký tòa án càng trở nên bộn bề. Thậm chí đối với ngành tòa án, sự bận rộn còn hơn rất nhiều so với các cơ quan hành chính sự nghiệp khác. Bởi ai cũng biết, tâm lý của người Việt thường ngại “đụng chạm” đến những việc liên quan đến sự “xui xẻo” trong những ngày đầu năm mới.
Cứ vào dịp trước Tết Nguyên đán, tòa án lại phải dồn hết sức lực để giải quyết các vụ trọng án cần đưa ra xét xử. Cùng một thời điểm, thư ký tòa án có khi phải đảm đương 5, 7 vụ án là chuyện bình thường.
Trong cuộc “chuyện gẫu”, dù Hách chỉ thoảng qua về một việc làm của anh, nhưng chúng tôi thấy điều đó thật ý nghĩa. Cách đây tròn 2 năm, anh được phân công tham gia phiên tòa phúc thẩm xử một bị cáo phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Hôm ấy, phiên xử chỉ toàn những người thực hiện nhiệm vụ, công vụ, còn gia đình, người thân của bị cáo tuyệt nhiên không có ai.
Khi HĐXX tuyên bố chấp nhận giảm một phần hình phạt và trả tự do cho bị cáo ngay tại tòa, ai cũng thấy anh ta rất vui vì được về sum họp cùng với gia đình ngay trong dịp Tết. Vậy nhưng ngay sau đó, thư ký phiên tòa thấy anh ta cứ tần ngần với vẻ mặt đầy khổ sở. Hỏi ra mới biết, do bị cáo không có tiền đón xe về quê ở tận Nghệ An. Tức thì, Hách móc ví đưa cho bị cáo 300.000 đồng.
Trong những câu chuyện về “nhân tình thế thái” ở chốn pháp đình, chúng tôi cũng rất ấn tượng về cô thư ký xinh đẹp Nguyễn Hồng Phương. Có lần chính Phương đã tự biến mình thành một “bảo mẫu bất đắc dĩ”, khi tự nguyện bế một cháu bé đang giai đoạn “ẵm ngửa” suốt mấy giờ đồng hồ ở hành lang phòng xử án.
Lần ấy, mẹ bé gái này phải ra tòa vì liên quan đến tội lừa đảo. Không thể bỏ con ở nhà vì sợ cháu bé khát sữa nên bị cáo đành phải mang theo đứa con thơ tới tòa. Thời gian trò truyện, biết về Phương chưa thật nhiều, nhưng phóng viên vẫn cảm nhận tình người trong cô và cả những thư ký khác của Tòa án Hà Nội, trước những số phận bị đưa đẩy tới chốn pháp đình.
Với những người như Phương, công việc khiến họ luôn phải có “cái đầu lạnh”, nhưng ẩn sâu bên trong vẫn là những nhịp đập trái tim nồng nàn hương sắc cuộc sống.
Tìm hiểu về nghề thư ký tòa án, mới thấy lời bộc bạch của anh bạn điều tra viên trong một dịp “trà dư tửu hậu” gần đây: “Tội phạm ắt sẽ bị trừng trị, song thực tế có khá nhiều trường hợp vướng vào vòng lao lý là do “hoàn cảnh đưa đẩy” hoặc chỉ là nhất thời phạm tội. Nhưng pháp luật vốn có tính mực thước, nên dù muốn hay không thì những người thực thi pháp luật vẫn phải làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình. Vượt lên trên tất cả chính là tình người, sự bao dung và tính hướng thiện của cộng đồng dành cho can phạm”.
(Theo Trịnh Tuyến/An ninh Thủ đô)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.