Tình trạng mất điện của miền Bắc và giải pháp "có được giá điện phù hợp nhất"

Vũ Khoa Thứ sáu, ngày 23/06/2023 07:48 AM (GMT+7)
Với tình trạng mất điện của miền Bắc mỗi khi đến hè đã được chuyên gia đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo tối ưu hóa nguồn lực đầu tư vào ngành điện của cả nhà nước và tư nhân, qua đó có được giá điện phù hợp nhất với nền kinh tế của Việt Nam.
Bình luận 0

LTS: Sau khi Dân Việt đăng tải 2 bài viết của ông Đào Văn Hưng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), báo đã nhận được một số ý kiến chuyên gia. Dân Việt xin biên tập và đăng tải trên báo. Ban Biên tập Dân Việt mong tiếp tục nhận được ý kiến từ nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hơn nữa về vấn đề của ngành điện.

Kiến nghị đặt 2.000MW lưu trữ điện tại miền Bắc

Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) cho biết, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cam kết các mục tiêu bền vững về khí hậu và hướng tới chuyển dịch năng lượng hiệu quả như tuyên bố tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và COP27.

Ngày 15/5/2023, Chính phủ ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), tạo tiền đề quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã được công bố tại COP26 và thực thi thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) năm 2022. Những cam kết này càng cho thấy việc đẩy nhanh lộ trình phát triển điện từ năng lượng tái tạo đã và đang trở nên cấp thiết.

Để triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vận hành linh hoạt hệ thống điện là bài toán cần được giải quyết. Đặc biệt là hướng đến nâng cao tỷ trọng sản lượng điện năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện lên đến từ 30% - 39% trong tổng lượng điện thương mại.

Sản lượng điện gió, điện mặt trời còn "đuối" so với Quy hoạch điện VIII - Ảnh 1.

Hệ thống năng lượng mặt trời tại trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt

Bối cảnh này đòi hỏi áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới và cũng sẽ hình thành các dịch vụ mới nhằm hỗ trợ công tác vận hành hệ thống điện. Trong đó đánh giá nhu cầu lưu trữ năng lượng và dự báo giá điện sản xuất kinh doanh sẽ là những tín hiệu quan trọng đối với thị trường đầu tư.

Nghiên cứu của VIETSE về hệ thống lưu trữ năng lượng chỉ ra rằng, trong bối cảnh có nhiều nguồn năng lượng tái tạo biến đổi tham gia vào hệ thống điện, các nhà vận hành hệ thống thực hiện công tác điều độ phải dựa vào một số dịch vụ phụ trợ, thì hệ thống lưu trữ năng lượng là giải pháp đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật này.

Do đó, đối với mục tiêu tham vọng JETP, theo VIETSE, cần có ít nhất 6 GW thủy điện tích năng và các hệ thống lưu trữ điện khác nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Bên cạnh việc cân bằng năng lượng, các bộ lưu trữ điện EES có thể đóng góp vào các dịch vụ phụ trợ, đặc biệt là giảm nghẽn lưới truyền tải.

Đồng thời, VIETSE nêu kiến nghị cần đặt bổ sung 2.000 MW các bộ lưu trữ điện tại miền Bắc để giảm ảnh hưởng việc thiếu nguồn tại khu vực này. Song song, tiến hành lắp đặt các bộ lưu trữ điện còn lại tại các khu vực tập trung cao các nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể là đặt 1.000 MW tại khu vực Bắc Trung Bộ; 1.500 MW tại khu vực Tây Nguyên.

Mặt khác, VIESE cho rằng nhà nước cần có những chính sách thúc đẩy đầu tư hệ thống lưu trữ theo một lộ trình hợp lý, nhằm đảm bảo tối ưu hóa nguồn lực đầu tư vào ngành điện của cả nhà nước và tư nhân, qua đó có được giá điện phù hợp nhất với nền kinh tế của Việt Nam.

Đến 2030, cần tăng 4 lần sản lượng điện gió, điện mặt trời mới theo kịp Quy hoạch điện VIII

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) là cơ sở pháp lý căn bản để xây dựng các dự án nguồn và lưới điện, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Thạc sỹ Vật Lý Dimitri Pescia, tổ chức Chuyển dịch Năng lượng Agora – Cộng hòa Liên ban Đức cho biết, để đạt được các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII, sản lượng điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam phải tăng gấp 4 lần hiện tại trong 7 năm tới. Với sự phát triển như vậy, sản lượng điện của Việt Nam vào năm 2030 sẽ tương đương với Đức hiện nay.

Theo thống kê của Agora, tổng sản lượng điện năm 2022 của Việt Nam là 263 TWh, trong đó tỉ trọng năng lượng tái tạo chỉ đạt 13% sản lượng. Điện than vẫn chiếm tới 38%. Với dân số 98,7 triệu người, mức tiêu thụ điện trong nước là 2.050 kWh/người.

Trong khi đó, mức tiêu thụ điện tại Cộng hòa Liên bang Đức (Đức) là 6.014 kWh/người, cao gấp 3 lần so với Việt Nam dù dân số thấp hơn (83,2 triệu người). Nguyên nhân người Đức có thể sử dụng điện dư dả được chỉ ra là bởi sản lượng điện của Đức được phân tán đều ở các nguồn sản xuất.

Cụ thể, tổng 582 TWh năm 2022 của Đức có đóng góp của 31% điện than, 32% điện tái tạo, 6% sản lượng từ điện hạt nhân. Mục tiêu đến năm 2030, Đức sẽ nâng tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến xấp xỉ 70%. Việc đẩy mạnh nguồn điện từ năng lượng tái tạo không những giúp quốc gia này có sản lượng ổn định, bên cạnh đó còn tiết chế được sự phụ thuộc vào điện than để đẩy nhanh tiến trình mục tiêu Net-Zero.

Sản lượng điện gió, điện mặt trời còn "đuối" so với Quy hoạch điện VIII - Ảnh 2.

Thực chất, việc tích hợp năng lượng gió và mặt trời còn gặp nhiều thách thức và được Thạc sỹ Dimitri Pescia chia thành các giải đoạn riêng.

Cụ thể, giai đoạn 1 với tỉ lệ xấp xỉ 3% tổng sản lượng, điện gió và mặt trời dù không tác động đến hệ thống, nhưng có thể là một thách thức ở địa phương do có những thay đổi nhỏ trong vận hành hệ thống điện hiện hữu. Giai đoạn 2, tỉ lệ 15% năng lượng tái tạo sẽ gây tác động đến hoạt động của hệ thống. Giai đoạn này đòi hỏi đáp ứng sự biến thiên lớn của tải và thay đổi dòng điện trên lưới.

Từ giai đoạn 3 là khi đạt dưới 25% tổng sản lượng, năng lượng tái tạo sẽ định hình sự hoạt động của hệ thống và có thể được phát toàn bộ công suất ở giai đoạn 4 (dưới 50% tổng sản lượng). Ở các giai đoạn lý tưởng hơn (trên 60% tổng sản lượng), nhu cầu năng lượng tái tạo sẽ vượt các nguồn truyền thống và dân trở thành nguồn cung năng lượng chính.

Để giải quyết những thách thức này, Thạc sỹ Dimitri Pescia cho rằng, cần đẩy mạnh chính sách. Trong đó, việc ưu tiên cũng theo từng giai đoạn như cải thiện dự báo, điều độ tối ưu kinh tế và sự chắc chắn khi đầu tư năng lượng tái tạo. Các nhà máy cũng phải linh hoạt, nâng cấp kỹ thuật, cải thiện lưới điện, vận hành theo thời gian thực. Đồng thời, triển khai các công nghệ pin, DSR, số hóa..

Một tín hiệu khác cho thấy khả năng đẩy nhanh chuyển dịch nguồn điện từ năng lượng tái tạo là giá pin Lithium-ion giai đoạn 2010-2022 đã giảm khoảng 88%. Pin EV cũng được dự báo sẽ giảm giá về mốc 100 USD/kWh vào năm 2026. Hiện nay, các loại pin đã có thể cung cấp khả năng điều khiển sơ cấp với chi phí cạnh tranh, và có thể vượt qua nguồn điện khí để phủ đỉnh vào những năm 2030, hoặc sớm hơn ở một số thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem