Tình trong câu hát

Quang Hưng Thứ ba, ngày 02/03/2021 05:20 AM (GMT+7)
Tìm ra những câu chữ kể chuyện láng giềng trong quan họ rất khó, có khi là không có. Bởi quan họ gửi niềm thương nhớ giữa những người nhớ thương nhau. Lúc nào cũng đằng đẵng, lúc nào cũng chia tay, lúc nào cũng vời xa, diệu vợi.
Bình luận 0

Thế thì có ai ở gần nhà nhau, liền kề hàng rào dậu đâu để mà tiếc nhớ xa xôi, mà những canh hát cứ nấn ná chưa chịu rời, mà sốt ruột mong chóng gặp lại nhau đến thế. Quan họ là lời ca đối đáp giữa liền anh liền chị từ hai làng khác nhau, có bọn quan họ kết chạ với nhau, không gian cách trở và thời gian cách mặt nó làm cho lòng cứ nao nức mong gần lại.

Mà đã mong về bên nhau, thì không phải là ước gần nhà liền ngõ cho năng gặp gỡ, hàn huyên, mà muốn đến ở hẳn với nhau cho bõ cái nỗi thao thiết đợi chờ, bõ cái nỗi sinh ra làm con người tài hoa tươi tắn mà "lỡ" vướng phải duyên nhau. Như hát lên "Người ơi tu ở chùa nào/Để em làm tiểu em vào tu chung", rồi "Tình rằng chỉ quyết sang sông/Người có sang, em dắt díu, bế bồng nhau sang", thì nghe đã thấy "chẳng còn tình làng nghĩa xóm" gì nữa cả rồi, mà chỉ có tình nhân ngãi, tình vợ chồng mà thôi!

Không có cái tình lân gia, cái nghĩa xóm giềng trong bài ca quan họ đâu. Nhưng mà gặp, mà thân thiết trong đời thực như là liền vườn chung ngõ giữa những người hát ca thì có đấy, có nhiều. Tất nhiên là không cứ những người liền sát nơi ở trong thôn làng, cùng sinh hoạt quan họ với nhau mà nên thân thiết thì mới có thể coi là "hàng xóm quan họ". Mà anh em, chị em trong một nhóm, bọn quan họ trong làng, hay các anh chị em câu lạc bộ quan họ như bây giờ, thì có thể ở cách nhau qua những thôn trên xóm dưới, đầu làng cuối phố, nhưng vẫn thường xuyên qua lại, gặp gỡ để mà rèn luyện câu hát lời ca. Rồi cùng là năng đi lại trong việc thăm hỏi, chăm nom lẫn nhau giữa những người quan họ, giữa các gia đình. Như những người sống gần kề nhau mà nên thân thiết vậy. Ấy thế nên trở thành một thứ tình cảm hàng xóm láng giềng đặc biệt!

(xuan) Tình trong câu hát - Ảnh 1.

Liền anh - Liền chị vùng Kinh Bắc. Ảnh: T.L

Nhớ và ngẫm thế, để mà thấy quý hóa lắm cái tình bạn hữu, hàng xóm của những người giữ gìn câu hát. Mùa xuân đã hẹn rồi, và những người "láng giềng" ở xa đó sắp tìm về!

Tình thân cận, ân nghĩa của những người chơi quan họ, níu buộc nhau từ câu hát rồi đến chan hòa, đồng điệu trong tính cách con người. Tôi nhớ ngày trước, đến nhà "bà trùm" Nguyễn Thị Kim Quýnh ở dưới chân dốc Đặng để viết về câu lạc bộ quan họ thôn Đặng Xá, gặp hai liền anh Ninh và Hiển cùng ngồi chơi, hát thí dụ cho tôi nghe đôi câu "Đường bạn Kim Lan", "Thiết tha"… mà nghe quá đỗi là tha thiết. Nhà anh Ninh liền gần đấy, nhà anh Hiển ở xóm phía trong, lên dốc theo con đê đi vào đằng bến sông. Nhưng hai anh cứ qua lại nhà bà chị luôn, để mà tập hát. Các chị khác cũng ở gần đấy, quanh đấy, ngày tuần thấp thoáng hát ca, nắn sửa cho nhau câu chữ, không cứ những hôm theo lịch sinh hoạt câu lạc bộ. Rồi việc nhà cửa có gì thì đỡ đần nhau sớm tối...

(xuan) Tình trong câu hát - Ảnh 3.

Hai nghệ sĩ hàng xóm thân thiết Minh Phức (phải) và Lệ Ngải đã hát với nhau hơn nửa thế kỷ. Ảnh: Q.H

Cái nếp ấy đã từ lâu, hồi cựu chiến binh Nguyễn Văn Cách - chồng của cựu quân y sĩ Nguyễn Thị Kim Quýnh vẫn còn, ông bà tiếc thương câu quan họ làng gốc Đặng Xá của mình mai một mà quyết tâm phục hồi, gây dựng lại. Nên ngôi nhà giản dị khuất vào trong ngõ và có cái sân rộng rãi của ông bà đã là "điểm đến" của những liền anh liền chị trẻ tuổi, cùng vun sức gieo dần vốn cổ. Thế mà nay đã gần mấy chục năm rồi đấy, các anh chị trẻ hồi nào đã không "thật trẻ" nữa, và đã có lứa măng non lớn lên hát tiếp câu ca. Còn tình xóm giềng giữa các thành viên câu lạc bộ thì cũng lại tiếp tục bền sang lớp con, cháu.

(xuan) Tình trong câu hát - Ảnh 4.

Bà con thôn Ngang Nội sang vui hát tại nhà vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Đức Nhuận và Nguyễn Thị Bướm ngày Xuân. Ảnh: Q.H

"Trụ sở" câu lạc bộ quan họ của vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Đức Nhuận - Nguyễn Thị Bướm ở giữa làng Ngang Nội (xã Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh) cũng là cái nơi các thành viên năng lại qua. Hát cùng nhau đôi lối đôi câu cho nhuyễn. Để khi nào có chương trình, tiết mục thì phục vụ người xem, bà con thôn xóm cho nó hay. Chưa phục vụ ai thì cũng là hát cho ưng cái lòng mình hơn, bởi là người mê quan họ, người làng quan họ thì cất giọng lên nó phải ra chất.

Lại nói về cầm ca thì khỏi phải bàn về niềm mê đắm của NSƯT Vũ Tự Lẫm. Vừa bởi mê thích, vừa do là cái nghề đắp đổi qua ngày một thời khó, nên ông bà Tự Lẫm - Minh Phức nằm lòng nhiều bài ca, bản đàn hát văn. Cho nên nhiều khi khách thân đến chơi thăm là gian phòng ngoài mở cửa bước vào đã rộn tiếng đàn hát, mõ, phách. Ông bà hát mừng gặp bạn, hát thỏa vui say của mình. Rồi thì NSƯT Lệ Ngải ở cách đấy hai nhà trên phố Bắc Ninh cũng nghe tiếng mà sang chơi, hát cùng bà Phức những bài ca thật khó, thật độc đáo. Nhiều năm nay ở gần nhà nhau, hát cặp với nhau, đi hát xa hát gần, sướng khổ bên nhau, thì hai nhà lại càng gần như là một.

Nhớ và ngẫm thế, để mà thấy quý hóa lắm cái tình bạn hữu, hàng xóm của những người giữ gìn câu hát. Lại còn cái tình giữa những người hát ở Bắc Ninh và nhiều người nơi xa làm nghiên cứu, làm người học hát, làm người ngưỡng mộ đến say mê những người hát, các nghệ nhân, nghệ sĩ nữa, thì cũng có thể so như một thứ tình nghĩa xóm giềng đặc biệt. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem