Tình yêu cái đẹp phải được tiếp nối

Thứ ba, ngày 10/09/2013 06:55 AM (GMT+7)
Tối 9.9, Liên hoan sân khấu các tác phẩm của tác giả Lưu Quang Vũ đã khai mạc tại Hà Nội. Nhà hát Tuổi Trẻ lập kỷ lục với 3 vở diễn tham gia liên hoan lần này. Phóng viên NTNN phỏng vấn NSƯT Chí Trung - Phó Giám đốc nhà hát về vở “Mùa hạ cuối cùng” do anh đạo diễn.
Bình luận 0
Anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi đảm nhận vai trò là đạo diễn của vở kịch “Mùa hạ cuối cùng”?

- Cách đây 32 năm, tôi may mắn thuộc thế hệ diễn viên đã làm nên thành công của vở diễn này. Lúc đó Nhà hát Tuổi Trẻ mới thành lập, và đây là một trong các vở kịch đầu tay của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

Tôi vẫn còn nhớ, đó là năm 1980, khi Nhà hát Tuổi Trẻ mới chỉ là phòng tập, anh Lưu Quang Vũ đến khi chúng tôi đang tập một vở diễn. Anh ngồi lặng lẽ ở cuối phòng và đợi đạo diễn Phạm Thị Thành, sau đó rất rón rén, anh Vũ đã đưa ra một quyển vở trong đó chép chi chít những chữ, đó chính là bản thảo của vở “Mùa hạ cuối cùng”.

Cảnh trong vở diễn “Mùa hạ cuối cùng” của Nhà hát Tuổi Trẻ.
Cảnh trong vở diễn “Mùa hạ cuối cùng” của Nhà hát Tuổi Trẻ.

Chúng tôi hồi đó chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa thể cảm nhận hết được cái hay của vở kịch nhưng đã tập và diễn với tất cả tấm lòng. Đó là một vở kịch trong sáng, ngay cả đến khán giả đi xem cũng hoàn toàn trong sáng, và vở kịch nổi tiếng nhanh chóng.

Vậy sau hơn 30 năm, vở diễn được anh dựng lại theo phong cách nào để vẫn giữ được tinh thần của nó?

- Chúng ta đều biết, ở mỗi thời điểm, khán giả sẽ có cách nhìn nhận, có phông văn hóa khác nhau. 32 năm đã trôi qua, lớp diễn viên như chúng tôi đã không còn trẻ nên việc thể hiện lại vở kịch sẽ là những diễn viên trẻ, mới hoàn toàn. Chúng tôi sẽ phải xây dựng gần mấy chục nhân vật thật trau chuốt, kỹ lưỡng từ lời thoại, từng ý thơ trong mỗi câu chữ, từng cách nhả chữ, những ẩn ý để chuyển tải thông điệp nhân văn mà tôi có được từ kinh nghiệm của mình. Chúng tôi đã làm điều đó bằng tình yêu đối với nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ.

Vậy cái tên NSND Phạm Thị Thành - đạo diễn trước đây của vở này có khiến cho anh cảm thấy bị áp lực?

- Tôi không bị áp lực, nếu có chăng chỉ là làm sao để những gì đem đến khán giả xứng đáng là một vở diễn sạch sẽ được dàn dựng từ một kịch bản rất hay của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Đặc biệt, đây là vở diễn về giáo dục- đề tài hiện nay đang vắng bóng trên sân khấu, thậm chí ngay cả đến điện ảnh cũng rất hiếm.

Đây có thể nói là một vấn đề nóng hổi, một vấn đề xảy ra trong bữa cơm hàng ngày của bất cứ gia đình nào ở đất nước này, thế mà tiếc thay, nó bị bỏ quên. “Mùa hạ cuối cùng” nói về vấn đề trung thực của thi cử, những bài học về lẽ phải, nhân cách, lòng trung thực… - những giá trị của con người. Vậy làm thế nào để truyền tải những thông điệp đó, đó là trách nhiệm của chúng tôi, những người làm nghệ thuật, nên tôi không nghĩ đó là áp lực.

Với “Mùa hạ cuối cùng” do anh làm đạo diễn có gì mới so với tác phẩm của đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành?

- Trong lần dàn dựng lại này, tôi đã có sự thay đổi, làm mới để tác phẩm trở nên gần gũi hơn với nhịp sống hiện nay, như phần âm nhạc được đặt hàng riêng do nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc sáng tác. Vở diễn có những hiệu ứng điện ảnh độc đáo với sự trợ giúp của NSƯT Phạm Việt Thanh và phần mỹ thuật của họa sĩ Doãn Bằng, mang tới nhiều hình ảnh đẹp và tạo cảm xúc cho khán giả.

“Mùa hạ cuối cùng” do đạo diễn NSƯT Chí Trung sẽ tham gia Liên hoan Sân khấu kịch Lưu Quang Vũ” diễn ra từ ngày 9-16.9.2013, do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1988- 2013). Vở diễn sẽ dự thi vào sáng 11.9 tại rạp Tuổi Trẻ.

Thế hệ tôi cũng như những thế hệ lớp trước, chúng tôi rất yêu, yêu đến cháy bỏng kịch của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, bởi từ cái đẹp, sự nhân văn, chân lý trong kịch của anh. Và tôi mong ước biến tình yêu này chuyển tiếp sang các thế hệ trẻ, các thế hệ tiếp nối chúng tôi.

Thế nên tôi sẽ không dừng lại ở đây, tôi không định dàn dựng vở diễn này chỉ để tham dự liên hoan và kiếm huy chương, mà tôi có dự định dài hơi hơn. Đó là sau liên hoan, tôi sẽ mang vở diễn này của anh Lưu Quang Vũ đến với 46 trường đại học và 110 trường trung học. Tôi muốn tình yêu cái đẹp được các thế hệ tiếp nối.

Như anh vừa chia sẻ, thành công của vở kịch cũng là nhờ các diễn viên thuộc thế hệ vàng của nhà hát như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Chí Trung, Ngọc Huyền... Với dàn diễn viên trẻ hiện nay, anh có gặp khó khăn?

- Vâng đây đúng là một trở ngại mà Nhà hát Tuổi Trẻ đang gặp phải, là một bài toán khó cho diễn viên và cho cả đạo diễn. Bởi không riêng gì ở vở kịch “Mùa hạ cuối cùng” của anh Lưu Quang Vũ, mà rất nhiều vở diễn khác hiện nay trông vào lực lượng trẻ của Nhà hát Tuổi Trẻ. Tiếng là “diễn viên trẻ” nhưng ít nhất họ đều cũng đã 24, 25 tuổi nên chúng tôi cũng gặp ít nhiều khó khăn.

Hiện tại ở vở “Mùa hạ cuối cùng”, diễn viên 30 tuổi vẫn phải vào vai nhân vật học sinh 17 tuổi vì diễn viên trẻ thật sự của nhà hát không có nhiều, thứ nữa là các bạn trẻ ấy lại... không thể diễn được. Với kịch thì người diễn viên phải có kinh nghiệm, phải sống trọn vẹn với nhân vật thì mới cảm nhận và diễn xuất tốt được, thành ra đó là một điều mà tôi còn đôi chút băn khoăn.

Xin cảm ơn anh!

Thanh Hà (thực hiện) (Thanh Hà (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem