Tố bị công an gài bẫy trong "vụ cướp"

Thứ hai, ngày 04/04/2016 07:10 AM (GMT+7)
Người bị hại khai công an đưa tiền cho mình rồi kêu bị cáo ra nhận, sau đó bắt bị cáo khép vào tội cướp. Trưởng công an nói đây là biện pháp nghiệp vụ.
Bình luận 0

Ngày 3.4, Thượng tá Nguyễn Thành Linh, Phó Trưởng Công an huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), cho biết cơ quan này vừa tiếp nhận hồ sơ từ VKS cùng cấp để điều tra lại vụ án cướp tài sản đối với bị can Phạm Minh Tiến (23 tuổi, ngụ thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh). Việc điều tra lại được thực hiện theo yêu cầu của TAND tỉnh Khánh Hòa khi tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Diên Khánh.

Một vụ cướp như đùa

Theo án sơ thẩm, Phạm Minh Tiến và Nguyễn Thị Bích Vân (sinh năm 2000, ngụ xã Diên An, huyện Diên Khánh) có quen biết từ trước. Khoảng 8h ngày 5.2.2015, khi gặp Vân đi gội đầu về, Tiến yêu cầu Vân lên cửa Hậu (thành Diên Khánh) để nói chuyện. Khi đến nơi, Tiến yêu cầu Vân đưa 800.000 đồng để đi TP.HCM. Vân nói không có tiền, Tiến đánh Vân rồi lục túi lấy một điện thoại di động. Tiến yêu cầu Vân đưa 800.000 đồng mới trả lại điện thoại. Sau đó, Vân đến cơ quan công an trình báo sự việc.

Đến 13h cùng ngày, khi Tiến nhận 800.000 đồng từ Vân thì bị công an bắt giữ. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26.11.2015, TAND huyện Diên Khánh tuyên phạt Tiến bảy năm tù về tội cướp tài sản. Tiến kháng cáo kêu oan.

Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, Tiến cho rằng mình không cướp điện thoại, tiền của Vân. Tiến khai sáng 5.2.2015, bị cáo đánh Vân là do ghen tuông vì khi đang nói chuyện thì có điện thoại của một thanh niên khác gọi đến. Tiến cho rằng mình không tự ý lấy điện thoại mà do Vân đưa. Bị cáo cũng cho rằng bảo Vân đưa 800.000 đồng là để sửa xe máy. Tiến nói do không biết chữ nên không biết nội dung trong tất cả biên bản lấy lời khai, cán bộ điều tra bảo ký thì phải ký.

Trình bày tại tòa, người thân của bị cáo và người bị hại đều cho biết Tiến và Vân có tình cảm từ năm 2013. Do Vân chưa đủ tuổi kết hôn nên hai gia đình chờ Vân đủ 18 tuổi sẽ tổ chức đám cưới. Hằng ngày Tiến và Vân vẫn sử dụng chung tiền, xe máy.

Bà Nguyễn Thị Thừa (mẹ Vân) cho biết gia đình bà và gia đình Tiến có quan hệ thân thiết với nhau, đôi bên thống nhất chờ Vân đủ tuổi sẽ tổ chức đám cưới. Hằng ngày bà nấu cơm cho Tiến ăn đi làm. Chuyện này ở địa phương ai cũng biết. Bà Thừa cho rằng Vân hạn chế về mặt nhận thức, nhiều lúc không bình thường. Bà khẳng định không có chuyện Tiến cướp tài sản của con bà.

img

Bị cáo Phạm Minh Tiến tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Thiều Hoa

Một sự gài bẫy?

“Con tôi nói là có hai cán bộ Công an huyện Diên Khánh đưa 800.000 đồng, bảo nó đưa cho Tiến rồi bắt Tiến. Ba ngày sau khi tòa xử sơ thẩm, biết con tôi thay đổi lời khai, có hai cán bộ công an huyện đến nhà đe dọa cháu Vân, nói nếu còn khai báo lung tung sẽ bị bắt đi tù rồi xúi cháu trốn đi. Cháu sợ quá nên đã bỏ trốn, hiện nay gia đình không biết cháu ở đâu” - bà Thừa trình bày.

Trước khi bỏ trốn, Vân nói chuyện với người thân của Tiến, trong đó có lý giải vì sao có sự xuất hiện của công an khi hai đứa giận nhau. Qua băng ghi âm, chúng tôi nghe Vân kể: Lúc đó có hai công an huyện đưa cho Vân 800.000 đồng bảo đưa cho Tiến. Sau khi bắt Tiến thì công an đã lấy lại số tiền này. Vân lý giải: “Cháu đi báo công an là do tức anh Tiến đánh cháu. Do quá yêu thương cháu nên anh Tiến hay ghen và đánh cháu. Cháu tức lắm, định trả thù anh Tiến cho ảnh chừa. Khi công an bảo đưa tiền cho anh Tiến, cháu cũng đưa vì đây là dịp cháu hại anh Tiến cho bõ ghét”.

Vân cũng kể chính mình gọi điện thoại vào máy của mẹ Tiến nhờ nhắn Tiến ra đầu đường lấy tiền đi sửa xe rồi sau đó bị công an bắt. Trong các đơn bãi nại, minh oan cho Tiến, Vân cũng trình bày như vậy.

Do Vân bỏ trốn nên cả hai phiên tòa phúc thẩm (một phiên hoãn) đều vắng mặt người bị hại.

Thượng tá Nguyễn Thành Linh, Phó Trưởng Công an huyện Diên Khánh, thừa nhận khi tiến hành điều tra lại thì người bị hại Nguyễn Thị Bích Vân không có mặt tại địa phương. “Công an đến nhà nhưng không thấy người bị hại. Mẹ bị hại nói công an xúi trốn đi rồi. Chúng tôi đang nhờ địa phương đi tìm nhưng hiện vẫn chưa thấy” - ông Linh nói.

Thượng tá Linh cho biết khi điều tra lại, công an huyện vẫn chưa thay điều tra viên do VKS không yêu cầu.

“Biện pháp nghiệp vụ”

Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM “Có hay không việc công an đưa 800.000 đồng cho người bị hại Nguyễn Thị Bích Vân để gài bẫy bắt Tiến?”, Đại tá Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng Công an huyện Diên Khánh, Khánh Hòa, nói:

“Có thể đây là biện pháp nghiệp vụ. Trong tố tụng, pháp luật quy định được phép thực hiện một số biện pháp để tiến hành điều tra. Trước đó, bị can có một số hành vi nhưng có thể chưa cấu thành tội phạm. Để có căn cứ đấu tranh, kiểm định lại các hành vi trước đó, chúng tôi tiến hành vài bước như thế. Đây cũng là tạo điều kiện cho vụ việc được nhanh chóng kết luận nhằm xác định có phạm tội hay không. Đây là một phần của hoạt động điều tra chứ không phải chúng tôi cố tình giăng bẫy. Khi thực hiện, tất nhiên điều tra viên sẽ báo cho thủ trưởng cơ quan CSĐT”.

PV hỏi quy định nào cho phép công an được thực hiện các bước như thế, ông Hồng nói: “Điều này chúng tôi không thể nói được. Có thể có những văn bản giữa các ngành tư pháp phối hợp với nhau trong hoạt động tố tụng. Những vấn đề này nằm trong hồ sơ nghiệp vụ, chúng tôi không thể công khai”.

Ông Hồng thừa nhận việc cơ quan điều tra không mời người giám hộ trong vụ án này là sai sót của điều tra viên.

Giải thích vì sao CQĐT không điều tra bổ sung khi tòa sơ thẩm trả hồ sơ trước đây cũng như những vi phạm về tố tụng trong giai đoạn điều tra, ông Hồng nói: “Khi tiến hành điều tra thì có VKS kiểm sát việc điều tra. Kể từ thời điểm đó VKS phải chịu trách nhiệm, kể cả vấn đề oan sai. Vì sao khi có những vi phạm nhưng họ không yêu cầu xử lý? Tôi cũng nói luôn, khi CQĐT chuyển hồ sơ để truy tố, sao họ không trả lại mà vẫn truy tố, chuyển cho tòa án rồi tòa vẫn xét xử. Trong vấn đề này có trách nhiệm của VKS”.

Trả lời câu hỏi có hay không việc công an hăm dọa, xúi người bị hại bỏ trốn, Đại tá Hồng nói: “Cái này tôi không thể trả lời. Nếu như có xảy ra thì chỉ có giữa hai người, không ai làm chứng, không thể xác định lời khai đó là thật hay giả. Chúng tôi đang kiểm tra lại”.

Hiện Tiến vẫn đang bị tạm giam.

Hủy án để điều tra, xét xử lại

Theo bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa, thời điểm xảy ra vụ việc Vân chỉ mới 14 tuổi một tháng 12 ngày nhưng trong giai đoạn điều tra, CQĐT không triệu tập bà Thừa (mẹ Vân) để giám hộ khi lấy lời khai, nhất là khi Vân không biết chữ.

Tòa phúc thẩm nhận định tại các phiên tòa sơ thẩm, Vân khai bị Tiến đánh là do ghen tuông khi thấy Vân nghe điện thoại của một thanh niên khác chứ không phải để chiếm đoạt tài sản. Tiến lấy điện thoại để xem ai gọi rồi trả lại cho Vân, trên đường về thì Vân tự nguyện đưa điện thoại cho Tiến để mở lấy SIM ra chứ không phải bị cáo cướp. Vân cũng khai 800.000 đồng là của Công an huyện Diên Khánh đưa cho Vân để “dụ” bắt Tiến.

Theo tòa, lời khai tại các phiên tòa của bị cáo, người bị hại đều thống nhất với nhau và mâu thuẫn với lời khai tại cơ quan điều tra. Trước đây, TAND huyện Diên Khánh đã hai lần trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung nhưng CQĐT không làm rõ… Từ đó, tòa hủy án để điều tra, xét xử lại.

________________________________

Chúng tôi không thể trả lời là có vi phạm tố tụng hay không. Phúc thẩm hủy là quyền của cấp phúc thẩm. Có vi phạm tố tụng hay không thì CQĐT sẽ trả lời và chúng tôi đang phối hợp với CQĐT.

Ông Trần Đình Hồng, Viện trưởng VKSND huyện Diên Khánh, Khánh Hòa

Tấn Lộc (Pháp luật TP.HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem