Thấy tôi chăm chú quan sát những bộ bàn ghế được làm thủ công mà chắc chắn, đẹp mắt, ông Nguyễn Quang Đông - Trưởng xóm Bốn giải thích: “18 bộ bàn ghế trong hội trường này là của Đơn vị J106 tặng xóm. Cái nào cũng được làm bằng gỗ keo ngâm không sợ mối mọt”.
Tìm hiểu điều ông Đông nói chúng tôi ngạc nhiên vì toàn bộ số bàn ghế ấy đều do tổ thợ mộc của đơn vị sản xuất. Câu chuyện được bắt đầu từ khi Đơn vị J106 được Tổng cục Kỹ thuật chọn làm điểm về công tác dân vận. Chỉ huy đơn vị đã tổ chức sinh hoạt đơn vị bàn bạc cụ thể, lý do được đưa ra là: Nếu mua một bộ bàn ghế đặt trong hội trường để người dân đọc báo, hay sinh hoạt tập thể cũng cần tới 3 triệu đồng, trong khi đó gỗ keo của đơn vị nhiều, nhân lực dồi dào...
Buổi sinh hoạt vừa bắt đầu đã có 2 người xung phong đảm nhiệm công việc thợ mộc trong ngày nghỉ, giờ nghỉ. Đó là trung úy Nguyễn Cao Vinh và thiếu úy Nguyễn Văn Cường, phân đội kho xe. Và tổ thợ mộc do trung úy Nguyễn Cao Vinh làm tổ trưởng đã được thành lập.
Anh Vinh và anh Cường trước khi nhập ngũ đã có thời gian làm đồ gia dụng tại gia đình, nên việc lấy lại “phong độ nghề” rất nhanh. Đầu tiên là chuẩn bị dụng cụ, rồi lấy gỗ của đơn vị xẻ, ngâm, phơi khô. Họ làm việc với nhau như một ê kíp từ việc cắt, dọc, bào, đục đến làm khung xương.
Công việc mới đầu còn bỡ ngỡ nhưng từ bộ bàn ghế thứ 2 trở đi đã tạo cho tổ thợ sự ăn khớp nhịp nhàng và tốc độ làm ngày càng được đẩy nhanh. Bởi vậy trong vòng 30 ngày 18 bộ bàn ghế đã hoàn thành theo đúng tiến độ, tiết kiệm chi phí cho đơn vị hơn 50 triệu đồng.
Được biết, sau khi hoàn thành các bộ bàn ghế tặng nhà văn hóa xóm Bốn, tổ thợ mộc đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các cơ quan, phân đội trong đơn vị và một số hộ dân trên địa bàn.
Đánh giá về tổ thợ mộc, thượng tá Nguyễn Văn Bắc - Chính trị viên Kho J106 khẳng định: “Hai đồng chí đã góp phần rất lớn để đơn vị hoàn thành tốt việc xây dựng mô hình điểm về công tác dân vận”.
Mè Quang Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.