Toạ đàm khoa học về thực hiện NQ T.Ư 7 khoá X và NQ T.Ư 5 khoá IX: Thảo luận những "điểm nóng" tam nông
Toạ đàm khoa học về thực hiện NQ T.Ư 7 khoá X và NQ T.Ư 5 khoá IX: Thảo luận những "điểm nóng" tam nông
Thu Hà - Minh Ngọc
Thứ năm, ngày 28/10/2021 20:02 PM (GMT+7)
Chiều ngày 28/10, tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) phối hợp Hội đồng lý luận T.Ư tổ chức tọa đàm khoa học về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa IX.
Đồng chí Lương Quốc Đoàn - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư đồng chủ trì điều hành tọa đàm.
Đạt được nhiều kết quả tích cực
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư đồng đã đưa ra những gợi ý để các đại biểu thảo luận, trao đổi. Đó là vai trò chủ thể của người nông dân, những vấn đề về chính sách pháp luật đất đai trong lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo nâng cao năng lực người nông dân, thị trường tiêu thụ nông sản…
Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) và Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX), Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm cho biết: Trên cơ sở thể chế hóa nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư, các cấp Hội đã chủ trì và phối hợp triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết T.Ư 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp
Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X, về cơ bản bước đầu đời sống vật chất, tinh thần của nông dân đã được cải thiện, nâng cao; vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội nói chung và Hội Nông dân nói riêng được khẳng định và đã góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu của nghị quyết.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì nông dân, nông thôn còn nhiều vấn đề cần quan tâm trong đó cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị nông sản. Song song đó, cần quan tâm đến vấn đề dồn điền đổi thửa, phát triển sản phẩm nông sản chủ lực ở địa phương. Cần coi trọng phát triển hạ tầng nông nghiệp, tăng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Sơn -
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Hội NDVN
Giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong dịch
Đối với Hội Nông dân chúng tôi đã tham gia rất nhiều về xây dựng nông thôn văn minh. Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn tiến phức tạp trên cả nước, hội viên nông dân cũng như các doanh nghiệp đối tác của nhà nông nhiều nơi bị ảnh hưởng nặng nề. Hội viên nông dân cần được hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tháo gỡ khó khăn và được tiêm chủng vaccine sớm để phòng chống dịch bệnh, yên tâm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Cần có cơ chế, chính sách linh hoạt hỗ trợ nông dân tiêu thụ, vận chuyển nông sản trong dịch.
Ông Lê Anh Dũng - Trưởng ban Xã hội,
Dân số, Gia đình T.Ư Hội NDVN
Đức Thịnh (ghi)
Một trong những kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khoá X đó là cùng với tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị; Hội NDVN chăm lo xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.
Trong việc tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, các cấp Hội đã đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.
Hội đã tập trung xây dựng, củng cố tổ chức Hội; đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ, hội viên. Trong đó, nổi bật là đổi mới nội dung, phương thức tập hợp hội viên. Tổng kết 3 năm thực hiện Đề án 24, Ban Chấp hành đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04 về xây dựng chi tổ hội nghề nghiệp. Đến nay, các cấp Hội đã thành lập được 2.101 chi hội nông dân nghề nghiệp và 24.343 tổ hội nông dân nghề nghiệp.
Về kết quả tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách tích tụ, tập trung đất đai, hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tính đến hết năm 2020, các cấp Hội đã phối hợp vận động nông dân dồn điền đổi thửa với tổng diện tích là 790.000ha (chiếm 6% tổng diện tích đất nông nghiệp); vận động nông dân xây dựng 1.160 cánh đồng lớn…
Thảo luận những "điểm nóng" về tam nông
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, lãnh đạo T.Ư Hội NDVN cũng đã thẳng thắn nêu ra những vấn đề nổi lên, những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Cụ thể: Cùng với xu hướng giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, sự phân tầng trong nội bộ giai cấp nông dân với những nhu cầu khác nhau, các chỉ số thu nhập và mức độ thụ hưởng khác nhau diễn ra ngày càng rõ rệt nhưng chưa có một nghiên cứu định lượng tổng thể ở quy mô quốc gia.
Vai trò "chủ thể" của nông dân trong xây dựng nông thôn mới nói riêng và trong các hoạt động kinh tế, xã hội ở nông thôn đã được Đảng và Nhà nước khẳng định trong nhiều nghị quyết, kết luận, nhưng nhìn chung thực tế chưa được đề cao.
Liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu, liên kết "4 nhà" dù đạt nhiều kết quả, nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng; quyền lợi, nghĩa vụ các bên chưa được quy định chặt chẽ.
Số hóa nông nghiệp đang trở thành xu hướng mạnh mẽ trên thế giới, mang lại nhiều giá trị thực tiễn, nhưng đa số hội viên nông dân Việt Nam chưa tiếp cận lĩnh vực này.
Khởi nghiệp nông nghiệp đang bắt đầu hình thành "dòng chảy" rõ nét, dù chưa thành phong trào lớn nhưng ngày càng thu hút nhiều nông dân trẻ, doanh nhân trẻ. Quy mô của những "hạt mầm" còn nhỏ, nhưng báo hiệu xu hướng phát triển mới về chất của người nông dân tương lai.
Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khoá IX, trong 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Hội NDVN đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chuyên đề, cùng nhiều đề án, chương trình, kế hoạch hướng dẫn các cấp Hội thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Cùng với tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, Hội còn tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, vẫn còn 7 điểm nghẽn chính trong phát triển kinh tế tập thể. Trong đó, cán bộ quản lý HTX, đặc biệt là chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc HTX chưa được đào tạo bài bản, thiếu kiến thức, kỹ năng… Đây là điểm nghẽn lớn nhất.
Bên cạnh đó, vai trò của Hội NDVN với tư cách tổ chức chính trị xã hội đại diện cho hơn 62% dân cư nông thôn và hơn 10,2 triệu hội viên chưa được khẳng định rõ nét trong các nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ nên Hội ND các cấp chưa được bố trí nguồn lực tương ứng để chủ động tham gia phát triển kinh tế tập thể.
Dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Lương Quốc Đoàn và lãnh đạo Hội đồng lý luận T.Ư, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) và Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) cũng như đưa ra những đề xuất, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Hội đồng lý luận T.Ư đánh giá cao những trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến chất lượng của các đại biểu trong tọa đàm. Đây là cuộc khảo sát đầu tiên của đoàn công tác Hội đồng lý luận T.Ư.
Thời gian tới, Hội đồng lý luận T.Ư mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của Hội NDVN để làm cơ sở tham mưu Bộ Chính trị sớm xây dựng, ban hành nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với giai đoạn mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.