Theo các nhà khoa học, chuyên gia, bức tranh kinh tế nông thôn hiện nay của nước ta vẫn dựa chủ yếu vào nông nghiệp, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhiều nguồn lực ngày càng suy giảm; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp có xu hướng chậm lại; thu nhập và đời sống của bộ phận lớn dân cư nông thôn còn thấp, ngày càng tụt hậu so với thành phố, lao động nông thôn ít được đào tạo, thiếu việc làm, nhưng lại xuất hiện tình trạng bỏ ruộng; cơ cấu kinh tế nông thôn ở nhiều nơi chậm chuyển biến, còn nhiều khó khăn, nhất là các vùng miền núi, nhiều vấn đề bức xúc chậm được giải quyết, khó đạt được các mục tiêu xây dựng nông thôn mới tới năm 2015, 2020 nếu không có sự hỗ trợ mạnh về nguồn lực và đổi mới cơ chế, chính sách. Tình trạng ô nhiễm môi trường tăng cao, quy hoạch tự phát. Những thách thức do biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, đang tác động tiêu cực nhanh hơn so với dự báo đối với nước ta, nhất là nông nghiệp, nông thôn.
Tái cơ cấu nông nghiệp là cách thức để đưa ngành này phát triển nhanh (ảnh nông dân Hải Lăng, Quảng Trị thu nhập từ trồng lúa không xứng với công sức).
Hiến kế cho lĩnh vực này, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh, chúng ta cần định vị rõ vị trí của nông nghiệp, xác định lĩnh vực nào là động lực phát triển kinh tế, động lực giúp tăng trưởng cho lĩnh vực nông thôn của chúng ta sắp tới là cái gì? Nguyên Phó Thủ tướng cũng gợi ý: Chúng ta có thể chọn phát triển công nghiệp dựa vào nông nghiệp hay không, bởi một số nước như Australia, Hà Lan, Thái Lan… đang đi theo hướng này và rất thành công, thực tế đổi mới ở nước ta thời kỳ đầu dựa vào nông nghiệp đã thành công, phát triển tốt.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh, cần phải có tư duy tỷ đô, tư duy chuỗi giá trị để phát triển nông nghiệp. Xây dựng chính sách cho nông nghiệp không chỉ hỗ trợ đầu ra mà hỗ trợ ngay từ đầu vào, phải phát triển mô hình kiểu mới, hợp tác xã kiểu mới, trong đó hỗ trợ từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì sản phẩm nông nghiệp mới phát triển được.
|
Nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Huy Ngọ nêu ý kiến: Lần này chúng ta cần thay đổi tư duy, phương pháp, hiệu quả tăng trưởng trong nông nghiệp chứ không phải chỉ thay đổi phương pháp sản xuất như hiện nay thì mới có đột phá trong nông nghiệp được. Ông Ngọ đề xuất: Thứ nhất, cần xây dựng được mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, cơ sở hạ tầng phải phát triển, sản xuất theo cơ cấu mới; tiến tới xây dựng rõ tiêu chí xác định hiện đại hóa nông nghiệp. Thứ hai, phải thay đổi một cách căn bản cách tổ chức mô hình nhỏ thành hàng hóa tập trung theo phương thức mới, đưa cơ giới hóa, tăng năng suất lao động.
Còn TS Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện Chính sách và phát triển nông nghiệp đề xuất giải pháp: "Cần tập trung đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành, trong đó tập trung đầu tư kết hợp cải tiến tổ chức, phát triển toàn diện chuỗi ngành hàng (từ sản xuất, chế biến đến buôn bán) đối với những ngành có lợi thế như lúa gạo, cá da trơn ở đồng bằng sông Cửu Long, cây công nghiệp ở Tây Nguyên… Ngoài ra, cần tăng cường vai trò của hội nông dân, các hiệp hội ngành hàng và các hợp tác xã nông nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ công. Tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Đặng Việt Dũng (Đặng Việt Dũng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.