Dồn dập thiên tai, thảm họa
Năm 2010 là năm thế giới chứng kiến nhiều sự kiện gây chấn động với những chuyển động trong các mối quan hệ ngoại giao, với sự phục hồi chưa bền vững của kinh tế thế giới và những trận thiên tai gây hậu quả thảm khốc tạo nên dấu ấn không thể quên.
Suốt 12 tháng trong năm qua, có thể nói thiên tai, thảm họa chiếm gam màu chủ đạo. Ngay trong tháng 1-2010, thiên nhiên đã nổi giận và giáng xuống Haiti thảm họa khủng khiếp: Một trận động đất dữ dội đã làm hàng nghìn người thiệt mạng và bị thương, khiến hơn 1 triệu người mất nhà cửa.
Sau thảm họa, hàng triệu người Haiti cố gắng bắt đầu gây dựng lại cuộc sống tại những khu trại tạm ở Thủ đô Port-au-Prince. Hậu quả của trận động đất còn kinh khủng hơn khi mang tới đại dịch tả cho người dân Haiti. Hình ảnh về người phụ nữ mắc tả trần truồng nằm bên vệ đường gần Bệnh viện Đa khoa ở Thủ đô Port-au-Prince đã gây sốc cả thế giới.
Còn tại châu Âu vào tháng Tư, núi lửa Eyjafjallajokull ở Iceland đột nhiên thức giấc, phun trào những cột nham thạch nóng bỏng và che khuất bầu trời với những đám mây khói bụi khổng lồ, làm gián đoạn hàng không khắp châu Âu, ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Chỉ một tháng sau đó, thế giới lại bàng hoàng sau khi xảy ra thảm họa giàn khoan dầu Deepwater Horizon của Tập đoàn BP (Anh) ở vịnh Mexico, khiến 11 công nhân thiệt mạng và làm loang một lượng dầu kỷ lục ra vịnh. Dầu từ giàn khoan bị chìm đã không ngừng chảy ra biển suốt 3 tháng, gây ra thảm họa dầu loang lớn nhất thế giới.
Vào tháng Bảy, thiên nhiên nổi giận thêm một lần nữa: Mưa lớn bất thường ở Pakistan đã nhấn chìm 1/5 đất nước (lúc đỉnh điểm), cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, phá hủy tài sản, hoa màu và đẩy 20 triệu người khác vào cảnh màn trời chiếu đất.
Cả thế giới đã không kìm được nước mắt khi xem bức ảnh chụp ba em bé Pakistan đang cố sức bú những bình sữa rỗng không trong lúc ruồi nhặng bu đầy trên cơ thể các em.
Những cú sốc ngoại giao
Năm 2010, thế giới được chứng kiến những biến chuyển to lớn trên lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế và trước sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Bầu không khí chính trị - ngoại giao trên thế giới luôn nóng bỏng bởi những mối quan hệ đan xen.
Vấn đề Trung Đông, chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, cuộc xung đột gay gắt về vấn đề hạt nhân của Iran; mâu thuẫn giữa hai miền Triều Tiên, việc NATO đông tiến... luôn làm sôi sục bầu không khí chính trị thế giới.
Năm qua, một mảng sáng đã xuất hiện khi thế giới được chứng kiến cái bắt tay lịch sử giữa Nga và Mỹ trong việc ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới, theo đó cắt giảm hàng nghìn đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của hai nước, làm gia tăng xu thế đối thoại thay đối đầu trên toàn cầu.
Các nhà phân tích bình luận: Đây là thông điệp chứng tỏ cho thế giới thấy rằng, hai cường quốc - vốn sở hữu tới 90% lượng vũ khí hạt nhân trên toàn cầu - nghiêm túc trong nỗ lực giải trừ vũ khí. Thế nhưng sự nồng ấm trong quan hệ Nga-Mỹ lại bị che phủ bởi vụ phanh phui đường dây 10 gián điệp Nga hoạt động trên đất Mỹ. Vụ việc tuy kết thúc trong sự kiềm chế của cả hai phía, song Nga và Mỹ lại phải đánh giá nhau thận trọng và e dè hơn.
Tháng Ba, dư luận thế giới chấn động trước cú sốc trong quan hệ liên Triều, sau khi Hàn Quốc cáo buộc CHDCND Triều Tiên đánh đắm chiến hạm Cheonan, làm 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong năm qua được đẩy lên đỉnh điểm cao nhất kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, với vụ đấu pháo quyết liệt ngày 23-11 ở vùng biển tranh chấp.
Giữa lúc đó, một diễn biến ngoại giao khác gây chú ý trên toàn thế giới đã xảy ra, sau khi nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks chuyên cung cấp thông tin mật, ông Julian Assange, công bố hàng trăm nghìn tài liệu mật của Chính phủ Mỹ, trong đó phơi bày những sự thật khủng khiếp bị giấu giếm trong cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan và ở nhiều quốc gia khác.
Trong số này có một loạt các bí mật gây sốc cũng như một loạt những "nhận xét nhạy cảm" của Mỹ về các nhà lãnh đạo thế giới. Vụ tiết lộ tài liệu mật này được ví là "cuộc tấn công 11-9" vào nền ngoại giao Mỹ.
Cuộc khủng hoảng ở "lục địa già"
2010 là một năm khá "bộn bề" của kinh tế toàn cầu, cho dù cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong vòng 80 năm đã qua đi. Khủng hoảng nợ ở "lục địa già" châu Âu bắt đầu từ Hy Lạp hồi cuối năm 2009 và có xu hướng lan rộng.
Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra gói cứu trợ 110 tỷ euro cho Hy Lạp trong 3 năm, đồng thời kích hoạt Quỹ bình ổn Eurozone, trị giá 750 tỷ euro. Đến tháng 10, khủng hoảng nợ Ireland nổ ra, gây hiệu ứng domino trong khu vực sử dụng đồng euro.
Mặc dù Ireland đã được cung cấp gói cứu trợ khoảng 85 tỷ euro, nhưng nguy cơ lây lan khủng hoảng nợ vẫn đe dọa châu Âu, đặc biệt là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Các quốc gia còn lại trong EU đều phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng. gây ra làn sóng bất bình trong dân chúng.
Trong năm qua, thế giới cũng lên cơn "đau tim" với đà tăng phi mã của giá vàng. Sau 9 năm vàng không ngừng tăng giá, năm 2010 tiếp tục chứng kiến thị trường vàng tăng chóng mặt với hàng loạt lần lập và phá kỷ lục liên tiếp.
Trong số những nguyên nhân "thổi" giá vàng phải kể đến việc Mỹ duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế. Khi kinh tế Mỹ chưa có dấu hiệu phục hồi, các nhà đầu tư tìm đến vàng như một nơi trú ẩn an toàn để bảo đảm tài sản. Tuy nhiên, sau khi kinh tế Mỹ có dấu hiệu khả quan hơn, vàng lại leo thang do cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lan tràn.
Trong những tháng cuối năm, vàng tiếp tục chịu sức ép từ việc Trung Quốc siết chặt chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiềm chế tăng trưởng quá nóng.
Qua cơn mây...
Mặc dù năm 2010 đã trôi qua với đầy ắp những chấn động trong đời sống quốc tế, tuy nhiên nhiều người vẫn lạc quan về một tương lai yên bình trong năm 2011. "Mẹ thiên nhiên" luôn có những cơn nóng giận bất thường, khiến nhân loại thêm một năm mới phải hồi hộp chờ đón. Tuy nhiên, những kinh nghiệm mà chính phủ nhiều nước rút ra được từ hàng loạt thảm họa, thiên tai trong năm qua sẽ giúp giảm thiểu những mất mát mà lẽ ra con người đã có thể tránh khỏi.
Cơn bão tài chính toàn cầu vẫn đang tiếp tục để lại di chứng cho nền kinh tế thế giới, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia uy tín, đà phục hồi của kinh tế toàn cầu đang ngày càng rõ nét và chứng tỏ sức đề kháng trước những biến động bất ngờ.
Linh An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.