Toàn cầu lo thiếu hụt phải mua vào, giá một loại hạt của Việt Nam lên đỉnh, dự báo năm 2024 giá vẫn cao

P.V Thứ tư, ngày 08/11/2023 09:45 AM (GMT+7)
Nhiều dự báo về tình hình xuất khẩu gạo năm 2024 cho thấy, giá gạo vẫn ở mức cao và không thể giảm xuống dưới 640 - 650 USD/tấn. Nguyên nhân của là do lượng lúa gạo trên thế giới đang khan hiếm dần.
Bình luận 0

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2024 được dự báo sẽ còn nhiều dư địa bởi nhu cầu của các quốc gia vẫn đang rất lớn, trong khi Ấn Độ vẫn chưa thấy có tín hiệu nới lỏng chính sách hạn chế xuất khẩu gạo.

Theo bản tin của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, lần đầu tiên sau 8 năm, sản lượng gạo của Ấn Độ niên vụ 2023/24 dự kiến sẽ giảm, làm tăng khả năng Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi phải kéo dài chính sách hạn chế xuất khẩu gạo để ngăn lạm phát giá lương thực trước cuộc bầu cử. 

Thống kê cho thấy, niên vụ 2022/23 (tháng 7/2022 đến tháng 6/2023), sản lượng gạo của Ấn Độ đạt mức kỷ lục 135,76 triệu tấn. Tuy nhiên, theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo (REA), sản lượng niên vụ 2023/24 sẽ giảm khoảng 2 - 3%. 

Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự kiến sản lượng gạo của Ấn Độ giảm 3%, tương đương giảm khoảng 4 triệu tấn, đạt tổng sản lượng 132 triệu tấn.

Toàn cầu lo thiếu hụt phải mua vào, giá một loại hạt của Việt Nam lên đỉnh, dự báo năm 2024 giá vẫn cao - Ảnh 1.

Dự báo năm 2024, giá gạo vẫn ở mức cao và không thể giảm xuống dưới 640 - 650 USD/tấn. Ảnh: T.L

Bộ Thương mại Thái Lan chuẩn bị đề xuất với Ủy Ban Chính sách gạo quốc gia (NRPC) về các biện pháp trị giá 69 tỷ Bath (1,9 tỷ USD) nhằm bình ổn giá gạo trong vụ thu hoạch 2023/24. Các biện pháp bao gồm việc cung cấp tín dụng để trì hoãn việc bán gạo, bồi thường cho việc duy trì tồn kho gạo và cung cấp 1000 Bath (28,2 USD) cho mỗi rai (0,16 ha), mang lại lợi ích cho 4,68 triệu hộ gia đình.

Trong khi đó, do giá gạo tại thị trường nội địa tăng chóng mặt, Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) đã ký hợp đồng nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong tổng hạn ngạch bổ sung được giao là 1,5 triệu tấn từ 4 quốc gia là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar. 

Theo Bulog, đợt nhập khẩu bổ sung này được tiến hành nhằm tăng cường kho dự trữ gạo của Chính phủ Indonesia đến năm 2024. Bulog sẽ thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu gạo từ bất kỳ quốc gia nào đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn. 

Bên cạnh đó, Bulog cũng lưu ý, mặc dù Chính phủ Indonesia đã cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo với 1,5 triệu tấn, nhưng việc thực hiện sẽ được điều chỉnh tùy theo nhu cầu phân phối trong nước. Kho gạo do Bulog kiểm soát hiện còn 1,45 triệu tấn. 

Với việc thực hiện chỉ đạo nhập khẩu bổ sung, số lượng gạo dự trữ của cơ quan này sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu phân phối đến năm sau nhằm duy trì ổn định giá gạo trong nước.

Philippines cũng đang đối mặt với tình trạng giảm sản lượng lúa gạo. Theo Cơ quan Thống kê Philippines, sản lượng lúa của quốc gia này trong quý III/2023 ước đạt 3,79 triệu tấn, giảm 10,58% so với mức 4,24 triệu tấn trong quý trước, nhưng tăng 0,21% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Philippines đã sản xuất 12,82 triệu tấn lúa, cao hơn 2,31% so với mức 12,53 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

Tại Nigeria, giá gạo trung bình đã tăng 60,59% trong một năm qua, từ mức 14.733 đồng/kg vào tháng 9/2022 lên 23.660 đồng/kg vào tháng 9/2023, do giá vận tải đã tăng 117,29% trong cùng giai đoạn.

Những biến động tại thị trường lúa gạo thế giới và các nước nhập khẩu cho thấy nhu cầu gạo của các nước vẫn rất lớn, tạo động lực cho Việt Nam tăng tốc xuất khẩu gạo. Theo ước tính của Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, trị giá đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. 

Dự báo năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD, đây là con số cao nhất từ trước đến nay và là năm thắng lợi xuất khẩu gạo của Việt Nam. 

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, dự báo về tình hình xuất khẩu gạo năm 2024, giá gạo vẫn ở mức cao và không thể giảm xuống dưới 640 - 650 USD/tấn. Nguyên nhân của là do lượng lúa gạo trên thế giới đang khan hiếm dần. Theo tính toán nhu cầu của các nước trên thế giới rất nhiều, trong đó có các thị trường truyền thống Philippines, Indonesia hay Trung Quốc. 

Năm 2024 được dự báo vẫn còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu gạo của Việt Nam khi nguồn cung thiếu hụt và các nước tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trước những biến động khó lường trên thế giới. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem