Muôn mặt xe ôm
Xe xuống bến sau 6 giờ tối, cánh xe ôm được ào hết vào bắt khách. Những bước chạy với tiếng dép, tiếng giày lạch cạch theo xe để bắt khách giống như đàn ong vỡ tổ. Mùi mồ hôi trộn với mùi khói thải xe nồng nặc ám vào trong người đám xe ôm lên đến vài chục người, trong khi đó bên trong xe chỉ có vài hành khách. Dường như người làm nghề này ai cũng quen với mùi này nên thấy bình thường. Nhưng cũng có hành khách khi vừa đặt chân xuống bến họ đã bịt mũi, xua tay ra khỏi vòng vây đám người xe ôm. Có những lúc, xe ôm lẽo đẽo theo sau hỏi mãi một câu “Chị ơi, anh ơi… đi xe ôm không ạ?” nhưng hành khách không trả lời, không biết có phải vì cái mùi hôi đó nên… hay chắc tại họ không nghe thấy nên không trả lời.
Ảnh minh họa. I.T
Chứng kiến cảnh tượng đó, cánh xe ôm cũng rất tức vì chỉ là câu nói “có hay không” vậy mà… Tôi thì thấy thương cho cái nghề xe ôm.
Trong đầu đang nghĩ ngợi vẩn vơ vậy, tôi nghe thấy tiếng cười nói hả hê của hai cậu thanh niên vì được cuốc khách sang Bệnh viện Huyết học có một 1km với giá 50.000 đồng.
“Cái gì cơ, năm mươi ngàn sang bệnh viện huyết học. Tôi có mơ không”? Khi mà tôi và những người xe ôm khác thường chở họ sang đấy chỉ với giá 10.000 đến 20.000 đồng. Tôi hỏi chuyện cậu xe ôm vừa chở người khách đi cuốc đó vì sao lại bắt được cuốc khách hời như vậy thì cậu ta trả lời: “Người khách đó là người vùng cao, trông giống lần đầu mới xuống đây, lại đi gần quá nên khi hỏi giá taxi, tài xế đã chém tám chục ngàn. Người đó thấy đắt quá không đi, nên taxi đã bồi thêm câu để cho em cuốc khách đó: “Nếu đắt thì đi xe ôm cậu này này, chỉ năm chục thôi”. Vậy là người khách đó đi xe của em. Đúng là hôm nay em đỏ quá”.
Khi thấy tiếng cười vui sướng của những ông xe ôm chặt chém được khách hàng với giá trên trời, tôi lại thấy rất buồn. Thậm chí, tôi thấy ghét khi nhìn thấy họ vui sướng khi chặt chém được khách của mình.
Tôi nhớ có lần, có vị khách nói muốn xuống bệnh viện Ung bướu K3 Hà Đông. Tôi làm giá 60.000 đồng, rẻ hơn xe ôm dù khác mười đến 20.000 đồng vì tôi biết hành khách xuống đó thường là họ đi thăm hoặc khám bệnh nên mình lấy giá vừa phải. Khi làm giá xong, chị ấy nói rằng: “Chị không có tiền đâu chú ạ, chị chỉ đi bốn chục thôi. Chú có đi giúp chị thì đi”. Tôi phân vân một lúc, và quyết định chở chị ấy đi vì dù sao đi xuống đó đi tắt lối đường Thanh Bình cũng dễ đi. Khi đi, trò chuyện với chị tôi biết được rằng chị quê ở Phú Thọ, chị ở nhà làm ruộng, hôm nay lên đây để khám bệnh ung thư vú. Trông chị mới hơn ba mươi, vậy mà trông bề ngoài chị già đến gần chục tuổi vậy. Đúng là bệnh tật phá hủy con người ta ghê gớm quá. Khi chở chị đến cổng bệnh viện, chị gửi tôi bốn chục ngàn và lời cảm ơn.
Thú thực lúc đó, cầm những đồng tiền lẻ của chị trên tay mà trong lòng tôi không vui chút nào. Nhưng vì khi đó tôi lại nghĩ đến tiền ăn, tiền xăng xe, tiền nhà… mỗi ngày tổng cộng trên dưới một trăm ngàn nên tôi phải nhận.
Nghề nguy hiểm
“Những cuốc khách đi xa, đi tối mà lại còn đi rẻ như chú thì cho anh anh cũng chẳng đi đâu. Anh đã bảo chú nhiều lần rồi, tiền nhiều lúc quan trọng thật nhưng tính mạng và sức khỏe thì quan trọng hơn nhiều”, đây là lời tâm sự của ông anh xe ôm chơi thân với tôi tên M, khiến tôi phải suy ngẫm khi chở cuốc khách về Đồng Quang-Ba Vì vào tối hôm trước.
Ảnh minh họa. I.T
Đó là cuốc khách lần đầu tôi chở khách đi xa vào buổi tối, tôi cũng không thích phải vất vả nguy hiểm như vậy, khi mà ngày hôm nay tôi đã chạy được bốn trăm ngàn. Nhưng vì vào cái thời điểm này, tôi mới mở quán bán bánh xèo, bánh gối… tiền dành dụm trước đây của tôi đã đóng tiền đặt cọc thuê mặt bằng hết. Và mới bán hàng nên khách cũng chưa đông, nên tôi phải cày kéo thêm xe ôm để trả tiền nhân viên và tiền ăn uống, xăng xe mỗi ngày. Tôi muốn thoát kiếp làm nghề xe ôm, và nếu thành công thì sẽ bỏ cả cái sự nghiệp học hành vất vả, mù mịt tương lai.
Trên đường chở vị khách đến cầu Đồng Quang, tôi vừa đi vừa sợ vì đây là lần đầu tiên chở khách đi xa vào buổi tối, lại không biết đường. Càng đi đến gần cầu Đồng Quang, đường càng ngày càng tối vì không có đèn, tôi vít ga phóng như điên vì sợ, nghĩ đến những vụ cướp, giết, bùng tiền xe ôm… Cơ thể bắt đầu nổi những đám da gà, không biết vì trời lạnh hay vì sợ nữa. Tôi ước là lúc trước đừng chở cuốc khách này, nhưng lúc đó tôi lại đang cần tiền để… Vì tập trung đi đường, tôi cũng ít nói chuyện với hành khách, chỉ biết anh ta làm nghề lái xe và đang đi đến chỗ làm việc.
Đến cầu Đồng Quang, theo lời vị khách tôi quẹo trái vào một cung đường nhựa tối om, hai bên là cánh đồng. Tôi cảm thấy rùng mình hơn, chỉ dám hỏi vị khách: Anh ơi sắp đến chỗ làm của anh chưa ạ? Anh ta nói chỉ còn mấy trăm mét nữa thôi, vậy mà tôi nóng hết cả ruột gan.
Cuối cùng cũng chở khách đến nơi, anh ta gọi người bạn ra trả hộ tiền xe. Cầm ba trăm ngàn trên tay mà tôi cảm thấy sắp phát khóc đến nơi, vì vừa đói vừa lạnh vừa sợ…
Bỏ nghề có dễ?
Nhiều người cứ nói nghề xe ôm là cái nghề dành cho những người không có học thức, nhưng tôi thấy vẫn có nhiều người sống rất tình cảm và tri thức như bác Minh, chú Lễ, anh Quang… họ thân thiện, không chặt chém khách và rất tôn trọng người khác. Nhưng bên cạnh đó tôi cũng gặp những kẻ sống chỉ vì đồng tiền, làm tôi thấy sợ vì…
Ảnh minh họa. M.Đ
Đốp đốp, huỵch, hai cú đấm vào mồm cộng một cú đạp vào người tôi. Quệt tay lên mồm tôi thấy máu đã chảy sau câu nói phản bác của tôi: “Em bắt khách chỗ này thì sao ạ”, với một người xe ôm tên Thành khi hắn nói chỗ này không phải là chỗ bắt khách của mày. Lúc đau đó, tôi thoáng nghĩ về cuộc đời, thấy cuộc đời mình đắng quá. Nghĩ về những nỗi vất vả của nghề, rồi nghĩ đến chuyện trước đây cũng bị một thằng xe ôm tên Tuân cầm dao bầu đuổi khi khách đi xe của tôi mà không đi xe của hắn chỉ vì tôi đi đúng giá tiền.
Cánh xe ôm vào can hắn ra sau khi đánh tôi. Sau một hồi nghĩ ngợi về cuộc đời, tôi nắm chặt hai nắm đấm rồi chạy xông phi đạp vào người hắn một phát rồi đấm hắn, đấm liên tục. Ở khóe mắt tôi cay cay như sắp phát khóc vì cái nghề tôi đang làm sao nhiều đắng cay đến thế, và cùng là xe ôm với nhau sao nhiều người sống bạc thế?
Sau đó, tôi đã quyết tâm bỏ cái nghề làm xe ôm, tuy cái nghề nó đắng với tôi nhưng khi làm nghề tôi đã hiểu biết thêm nhiều về xã hội, dạy tôi cách làm người. Đã hơn mười giờ đêm, chắc giờ này mẹ tôi mới đạp xe về đến nhà vì mẹ tôi đi làm công nhân cách nhà ba cây số. Còn bố tôi chắc đã ngủ rồi, vì sáng mai bố dậy sớm nhóm bếp nấu rượu.
Khói bụi của bếp than khi bố nhóm bếp, mái tóc của mẹ bạc thêm nhiều vì vất vả đi sớm về khuya, ví tiền của tôi chỉ còn vài trăm ngàn, nghĩ đến vậy nước mắt tôi bỗng trào ra. Tôi bỗng tự đặt ra câu hỏi và tự trả lời: “Hay là mình lại đi làm xe ôm nhỉ”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.