Cướp trắng trợn tôm cá của dân hàng đêm

Thứ bảy, ngày 18/08/2012 14:01 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng trăm hộ dân xã Quảng Phước (Quảng Điền) thiệt hại nặng nề khi ao hồ nuôi thủy sản trên phá Tam Giang bị thủy tặc trộm, cướp trắng trợn hàng đêm bằng xung điện.
Bình luận 0

Miếng ăn bị tước đoạt

Ông Hà Văn Dân - Trưởng thôn Phước Lập (xã Quảng Phước) - dẫn chúng tôi ra khu vực nuôi trồng thủy sản của thôn với tâm trạng hết sức lo lắng, bức xúc. “Đêm mô cũng có từ 15 - 20 ghe thuyền của thủy tặc kéo đến ngang nhiên đánh bắt cá, tôm, cua trong ao hồ của dân bằng xung điện công suất lớn. Nhiều chủ ao bị chúng phá luôn chòi canh và dọa dẫm nên phải bỏ ao mà chạy”- ông Dân kể.

img
Ao hồ nuôi trồng thủy sản của người dân thôn Phước Lập thường xuyên bị thủy tặc cướp phá.

Theo ông Dân, toàn thôn Phước Lập có 162 hộ sống dựa vào 27ha mặt nước nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang. Trước đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản đưa lại thu nhập khá nên đời sống người dân rất ổn định. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, người dân rơi vào cảnh lao đao vì ao hồ nuôi thủy sản liên tục bị thủy tặc trộm, cướp. Tình trạng này khiến kinh tế của nhiều hộ kiệt quệ, khoảng 200 người trong thôn phải bỏ quê vào miền Nam làm thuê kiếm sống.

Ông Nguyễn Văn Xuân - người thôn Phước Lập, cho biết, khi thấy thủy tặc đến trộm, cướp, nhiều người dân chạy thuyền ra xua đuổi thì bị những đối tượng này tấn công bằng xung điện và cả vũ khí nên phải tháo chạy. “Mấy năm trước, bà con đặt 120 trộ chuôm trên đầm phá, mỗi trộ thu được 10-15 triệu đồng/năm. Nhưng 2 năm trở lại đây, do bị thủy tặc cướp phá thường xuyên, các trộ chuôm không còn cá nên nhà mô cũng bỏ hoang”- ông Xuân kể.

Không chỉ thôn Phước Lập, người dân các thôn khác của Quảng Phước như Hà Đồ, Phước Lâm, Phước Lý và Mai Dương cũng sạt nghiệp vì thủy tặc lộng hành. Theo người dân nơi đây, thủy tặc kéo đến trộm, cướp tôm, cá, cua trong ao hồ của họ mạnh nhất vào mùa mưa, từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Những đêm cao điểm có đến 30- 40 thuyền thủy tặc tràn về khu vực đầm phá của các thôn để trộm, cướp.

Chính quyền bó tay?

Theo UBND xã Quảng Phước, nạn thủy tặc hoành hành đã khiến người nuôi trồng thủy sản ở xã bị thiệt hại nặng nề và môi trường sinh thái đầm phá bị hủy hoại nghiêm trọng. Do thủy tặc đến từ các địa phương khác như Hương Phong, Hương Vinh (thị xã Hương Trà), Điền Hòa, Điền Hải (huyện Quảng Điền) và Hương Sơ (TP.Huế), nên việc truy bắt, xử lý những đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn.

Trước sự lộng hành của thủy tặc ở vùng đầm phá xã Quảng Phước, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu Sở NNPTNT chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chỉ đạo Công an tỉnh thành lập chuyên án để điều tra, truy tố các đối tượng thủy tặc.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Phan Hùng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phước cho biết, sở dĩ thủy tặc hoành hành dai dẳng tại khu vực đầm phá của xã là do địa phương thiếu cả lực lượng lẫn phương tiện. Lực lượng công an, dân quân của xã mỏng, lại không có đò máy công suất lớn và công cụ bảo vệ để truy bắt. Trong khi đó, những đối tượng thủy tặc hết sức manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng truy bắt bằng xung điện và vũ khí.

Theo ông Sơn, cách đây mấy năm, lực lượng của xã từng có một người suýt thiệt mạng vì bị thủy tặc tấn công. Đó là ông Phan Gia Tý - Phó Chủ tịch HĐND xã. Trong một lần truy đuổi thủy tặc, ông Tý bị hàng chục đối tượng bao vây rồi bắt cóc đưa ra giữa phá ném xuống nước. Ông Tý may mắn được người dân cứu sống sau một lúc chìm nghỉm giữa đầm phá.

“Huyện và xã đã nhiều lần phối hợp truy quét, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng hay đi kiểm tra, nhưng do lực lượng quá mỏng, lại thiếu công cụ hỗ trợ nên không làm gì được chúng”- ông Sơn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem