Tôn vinh cũng biến tướng

Mai Hương Thứ sáu, ngày 15/08/2014 05:14 AM (GMT+7)
Cả nước hiện có từ 500.000-700.000  doanh nghiệp (DN) với hàng triệu doanh nhân. Những tưởng việc tôn vinh một DN nào đó sẽ là niềm tự hào lớn lao cho DN. Nhưng không ít giải thưởng hiện nay lại bị biến tướng theo kiểu tôn vinh thì ít mà moi tiền thì nhiều.
Bình luận 0

Điều này khiến DN làm ăn chân chính khiếp sợ mà người tiêu dùng thì hoa mắt với những ánh hòa quang chói lòa của các loại giải thưởng, không biết đâu thật, đâu giả. Ông Cao Sĩ Kiêm-Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng, phải thừa nhận một sự thật là việc tôn vinh, trao giải cho DN hiện nay có nhiều biến tướng quá. Trong khi các giải thưởng DN được Nhà nước công nhận, tôn vinh thực sự phải có một hội đồng được công nhận bao gồm các nhà quản lý, kinh tế…; mà ngay giải thưởng thực sự này cũng phải ít nhất 2-3 năm mới được tổ chức một lần thì nay có khi một năm DN được chào mời tham dự đến vài cuộc tôn vinh, chục cái giải thưởng. Ý nghĩa tốt đẹp của sự tôn vinh vì thế cũng phai đi nhiều.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng trước hết phải kể đến ý thức không nghiêm của chính những người đứng ra tổ chức các loại giải thưởng, các cúp tôn vinh này nọ cho DN. Nực cười hơn là có ban tổ chức giải thưởng này “copy” thể lệ của ban tổ chức giải thưởng kia để đỡ mất công soạn thảo, nghiên cứu. Vậy nên mới xảy ra cảnh có DN được trao giải “chết đứng” vì tài liệu tôn vinh DN mình “lạc hậu” và “lạc đề”. Thứ nữa là bản thân DN được tôn vinh cũng muốn quảng bá cho mình nên cũng không ngần ngại đăng ký vô tội vạ các giải thưởng với mục đích tôn vinh, lợi dụng hình thức này để tuyên truyền, PR hình ảnh. Với người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, không ít người cũng nuôi mộng nổi tiếng nhờ được tôn vinh nhiều. Thế nhưng, tới giờ những DN nông thôn, “ông chủ chân đất” cũng đã bắt đầu “vỡ” ra một sự thật rằng: Những DN đứng đắn, phát triển thương hiệu một cách bền vững sẽ chỉ tham gia các giải thưởng có uy tín và được chọn lọc kỹ. Còn lại DN, cá nhân nào chỉ muốn đánh bóng tên tuổi lấy tiếng thì mới tham gia “thượng vàng hạ cám” các loại giải thưởng mà thôi. Tiền thì mất mà tiếng cũng chẳng thấy đâu. Mà nếu có thì chưa chắc đã là tiếng tốt…

Để hạn chế các loại giải thưởng vô thưởng vô phạt, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, trước hết, những người làm phải tôn trọng thương hiệu giải của mình. Giải thưởng, bình chọn phải được công khai, minh bạch và được thực hiện bởi những người có uy tín. Tiếp đó, cơ quan quản lý nhà nước, kể cả bộ ngành cũng phải làm thật chặt. Hiện Nhà nước chỉ công nhận các chủ thể có thể đứng ra tổ chức các chương trình bình chọn trao giải cho DN là UBND các địa phương, các bộ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam. Còn lại những tổ chức trá hình làm đều là vi phạm pháp luật.

Ngẫm lại mới thấy, “chiếc cúp” thật sự của mỗi DN được làm nên bởi chính chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà DN đem đến cho khách hàng, bởi những cam kết trở thành hiện thực chứ không phải bằng những giải thưởng hào nhoáng được mua bằng tiền, hoặc rất nhiều tiền.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem