Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và những điều đặc biệt

PVCT Thứ ba, ngày 06/09/2022 06:36 AM (GMT+7)
Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, với 40 năm tuổi đời, 20 năm hoạt động cách mạng liên tục, kiên cường và đầy nhiệt huyết, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Bình luận 0


Tổng Bí thư Lê Hồng Phong- chiến sĩ cách mạng tiền bối

Hôm nay tròn 120 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6/9/1902 -6/9/2022) và một điều đặc biệt nữa cũng tròn 80 năm ngày ông qua đời (6/9/1942).

Nhà cách mạng Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, với nhiều sĩ phu nổi tiếng, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, ông đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và những điều đặc biệt - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong- người chiến sĩ Cộng sản kiên trung. Ảnh tư liệu

Trao đổi với Dân Việt, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: Nói tới nhà cách mạng Lê Hồng Phong, thứ nhất cần khẳng định ông là lớp người thời kỳ thành lập Đảng, chiến sĩ cách mạng tiền bối. Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Thứ hai, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là một nhà hoạt động thực tiễn rất sôi nổi, không những hoạt động ở trong Đảng ta mà còn hoạt động quốc tế, với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản năm 1935.

Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà cách mạng Lê Hồng Phong đã có những hoạt động sôi nổi. Sau khi Đảng thành lập ông đang hoạt động ở nước ngoài nhưng khi trở về nước đã có những hoạt động rất tích cực vào phong trào cách mạng trong nước. Ông đã cùng với Trung ương và các đồng chí chỉ đạo phong trào cách mạng, nhất là thời kỳ 1936-1939, chuẩn bị cho cao trào giải phóng dân tộc", PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết.

Vẫn theo PGS Phúc, điểm thứ ba là Tổng Bí thư Lê Hồng Phong có đóng góp rất lớn vào công tác lý luận của Đảng. Tập trung vào những vấn đề như đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Ông đã có những nhận thức rất sâu sắc trên các lĩnh vực, đặc biệt trong đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc.

"Điểm nữa cần phải nhắc tới khi nói Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, đó là ý chí chiến đấu của một người Cộng sản kiên cường. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào ông cũng đặt lợi ích của dân tộc, của Đảng, của đất nước lên trên hết, cả những lúc hiểm nghèo nhất. Dù đứng trước cái chết nhưng ông vẫn vững tin ở con đường đấu tranh cách mạng của Đảng và của dân tộc. Trước lúc đi xa, nhà cách mạng Lê Hồng Phong còn căn dặn: "Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng", PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và những điều đặc biệt - Ảnh 2.

Ngày 5/9, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và đoàn đại biểu thực hiện Lễ dâng hoa, dâng hương tại Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Báo Nghệ An

Bầu vắng mặt nhà cách mạng Lê Hồng Phong vào cương vị Tổng Bí thư

Nhà cách mạng Lê Hồng Phong giữ chức Tổng Bí thư của Đảng hơn 1 năm rưỡi, từ tháng 3/1935 đến tháng 10/1936 và là Tổng Bí thư thứ hai trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935, Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) được diễn ra. Đại hội đã thảo luận, thông qua Nghị quyết chính trị về tình hình quốc tế, trong nước, về Đảng, các tổ chức quần chúng; thảo luận và thông qua 12 nghị quyết về công tác vận động các đoàn thể, tổ chức quần chúng, Điều lệ của Đảng Cộng sản và các điều lệ về đoàn thể, hội quần chúng;...

Một điểm rất đặc biệt ở Đại hội lần thứ I của Đảng là dù không trực tiếp dự Đại hội nhưng vai trò và tư tưởng chỉ đạo của nhà cách mạng Lê Hồng Phong đã được thể hiện trong tiến trình và kết quả của Đại hội; Đại hội bầu vắng mặt nhà cách mạng Lê Hồng Phong vào cương vị Tổng Thư ký (Tổng Bí thư) đã khẳng định công lao và uy tín của ông đối với việc xây dựng đường lối chính trị, khôi phục cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trong thời gian diễn ra Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương, nhà cách mạng Lê Hồng Phong cùng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đến Mátxcơva tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản từ ngày 25/7 đến ngày 21/8/1935.

Trong tham luận báo cáo tại Đại hội, bằng cả lý luận và thực tiễn, Đồng chí đã khái quát lịch sử phát triển của phong trào cách mạng Đông Dương từ năm 1930 đến năm 1935; nêu bật những thành tích to lớn, những khuyết điểm, kinh nghiệm mà Đảng đã thu hoạch được trong những năm chiến đấu gian khổ nhưng vô cùng anh dũng, khả năng, triển vọng của phong trào đấu tranh với điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có những thay đổi mới. Những đóng góp của ông thể hiện trong các luận điểm của tham luận đã được Đại hội đánh giá cao, qua đó ghi nhận sự trưởng thành của Đảng Cộng sản Đông Dương và chính thức công nhận Đảng ta là một bộ phận thuộc Quốc tế Cộng sản, nhà cách mạng Lê Hồng Phong được bầu là Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem