Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Năm qua chúng ta đã cơ bản đạt được điều mong ước, thể hiện ở 5 điểm

Ngọc Lương Thứ ba, ngày 24/01/2023 10:12 AM (GMT+7)
Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương (tổ chức đầu năm 2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, năm 2022 chúng ta đã cơ bản đạt được điều mong ước, thể hiện ở 5 điểm.
Bình luận 0

5 điểm nổi bật của bức tranh kinh tế - xã hội

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong năm 2022, chúng ta vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra (chỉ còn 1 chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là không đạt được). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, Việt Nam là điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm và gặp nhiều rủi ro như nêu trên, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt 8%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5%, và là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

tat/Vững tin vượt khó, đón vận hội mới - Ảnh 1.

Tháo gỡ điểm nghẽn để khai thông lại thị trường bất động sản là một nhiệm vụ quan trọng trong năm 2023 (ảnh minh họa). Ảnh: T.N

Theo Tổng Bí thư, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ nét; các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị ngày càng nhận thức đúng đắn hơn và hành động tích cực hơn đối với vấn đề phát triển văn hoá, xã hội. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, nâng cao hiệu quả; chủ quyền quốc gia, môi trường hoà bình, ổn định tiếp tục được giữ vững, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Xử lý linh hoạt, hiệu quả và phù hợp các tình huống phức tạp trên biển và tuyến biên giới.

Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường, kế thừa, phát huy tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã đạt được trong thời gian qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ đến nay; kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn hơn giữa "xây" và "chống". Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn…

tat/Vững tin vượt khó, đón vận hội mới - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương (ngày 3/1/2023). Ảnh: Nhật Bắc

Nghị quyết của Chính phủ xác định 15 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội và mục tiêu phấn đấu của Chính phủ; kịch bản tăng trưởng năm 2023 chia theo từng quý và cả năm; 85 chỉ tiêu cụ thể Chính phủ đặt ra cho các ngành, lĩnh vực.

Nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế

Mặc dù vậy, Tổng Bí thư cũng lưu ý, chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, bởi vì đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là những khó khăn thách thức gay gắt, mới xuất hiện từ giữa tháng 10/2022 đến nay.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/ Dân Việt, TS Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng: Năm 2023, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5 -7% như kế hoạch đề ra có thể nói là một thách thức lớn.

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu với 142 nhiệm vụ cụ thể.

Ông phân tích, mặc dù năm 2022, chúng ta đạt được thành tựu quan trọng, phòng, chống dịch Covid-19 thành công; phục hồi kinh tế và đạt được tốc độ tăng trưởng tới hơn 8%, nhưng đến quý IV/2022, tăng trưởng kinh tế của chúng ta đã có dấu hiệu giảm sút. "Điều đáng nói là tình hình này có thể còn kéo dài trong 1-2 quý đầu của năm 2023. Do đó để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kế hoạch đề ra cần phải có những chính sách, giải pháp để có thể thích ứng với tình hình bất lợi của kinh tế thế giới. Theo các dự báo thì năm 2023, kinh tế thế giới tăng trưởng thấp hơn 1% so với năm 2022" - TS Trần Du Lịch nói.

Theo TS - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, bước sang năm mới 2023, được dự báo là một năm không dễ dàng, bởi thế giới còn nhiều biến động và rất khó đoán. Không ai có thể biết cuộc chiến Nga - Ukraine diễn biến thế nào, khi nào sẽ kết thúc; tình hình dịch Covid-19 bên Trung Quốc sẽ diễn biến ra sao, nếu dịch ở quốc gia này diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng lớn đến xuất - nhập khẩu của chúng ta.

"Mặc dù năm 2022, kinh tế -xã hội của nước ta đã có chuyển biến tốt, nhưng không phải cứ trên đà đó sẽ tiếp tục phát triển khi mà thế giới và khu vực còn nhiều thách thức, nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Với nền kinh tế có độ mở như nước ta, những diễn biễn của tình hình thế giới sẽ tác động sâu rộng tới trong nước" - TS Lê Đăng Doanh cho biết.

Để đạt được mục tiêu về kinh tế -xã hội như đã đề ra, trước những diễn biến phức tạp thì bên ngoài, theo TS Trần Du Lịch, cần phải tạo được động lực mới trong nước. Thứ nhất, phải tháo gỡ được những điểm nghẽn thì mới "hấp thụ" được vốn. Năm 2022, vấn đề "hấp thụ" vốn cả trong đầu tư công và tư nhân đều gặp khó khăn. Điểm nghẽn này chủ yếu nằm ở khâu về thủ tục, các quy định thuộc hành chính, thể chế.

"Thứ hai, phải tiếp tục triển khai những nội dung còn lại của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15, hiện còn đang dang dở. Trong đó có phần hỗ trợ lãi suất, ưu đãi cho vay 5 năm… làm sao tận dụng được các nguồn lực đã bố trí. Cần có chính sách và động thái mạnh mẽ hơn nữa để phục hồi niềm tin của thị trường tài chính, tháo gỡ điểm nghẽn để khai thông lại thị trường bất động sản hiện đang giảm sút nghiêm trọng" - TS Trần Du Lịch nói.

Thứ ba, theo TS Trần Du Lịch, năm 2023 có thể xuất khẩu sẽ gặp khó khăn hơn năm 2022 (năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt mức kỷ lục hơn 732 tỷ USD). Để chia sẻ việc xuất khẩu có thể gặp khó khăn, chúng ta cần tập trung hơn nữa đối với thị trường nội địa. Có thể nói thị trường nội địa của chúng ta hiện nay là rất tiềm năng (gần 100 triệu dân).

Nếu khai thác tốt được thị trường nội địa có thể bù đắp được những khó khăn trong xuất khẩu.

"Qua đánh giá, tôi thấy để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% chúng ta vẫn có dư địa để thực hiện mặc dù có nhiều khó khăn được dự báo có thể xảy ra. Điều quan trọng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Đối với tác động của thế giới thì phải tập trung nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, bên cạnh đó phải khai thác tốt thị trường trong nước" - TS Trần Du Lịch cho hay.

Còn theo TS Lê Đăng Doanh, trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành. Cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của doanh nghiệp, vai trò của hiệp hội, đặc biệt là vai trò của khoa học công nghệ, chuyển đổi số; cải cách thể chế, giảm các điều kiện kinh doanh; tiếp tục tăng cường hội nhập quốc tế, kết nối các chuỗi giá trị với thị trường thế giới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem