Bức thư đặc biệt từ "Một công dân của Hà Nội"

Nguyễn Đức Chủ nhật, ngày 21/07/2024 08:00 AM (GMT+7)
Sau buổi tiếp xúc cử tri ở quận Hoàn Kiếm, ông Vũ Thành Vĩnh nhận được bức thư đặc biệt từ "Một công dân của Hà Nội" ký tên Nguyễn Phú Trọng.
Bình luận 0

Sau khi thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần được công bố, cán bộ, đảng viên, nhân dân trên khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ sự kính trọng và niềm tiếc thương vô hạn một nhà lãnh đạo vĩ đại, một nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người lãnh đạo giản dị, luôn đau đáu vì dân

Tối 19/7, trong căn nhà nhỏ trên phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ông Vũ Thành Vĩnh (73 tuổi) lặng người nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. 

Ông Vĩnh nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hoàn Kiếm, Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 4 phường Cửa Nam, nên đã nhiều lần có cơ hội gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những lần các đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri.

"Tôi bàng hoàng khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, đây là một mất mát to lớn đối với dân tộc ta", ông Vĩnh nghẹn giọng nói.

Bức thư đặc biệt từ "Một công dân của Hà Nội"- Ảnh 1.

Ông Vũ Thành Vĩnh (nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận Hoàn Kiếm) nhớ rõ những kỷ niệm sâu sắc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đặc biệt là bức thư Tổng Bí thư gửi tặng ông, đề tên Một công dân của Hà Nội Nguyễn Phú Trọng. Ảnh Nguyễn Đức.

Những ký ức về vị Tổng Bí thư cởi mở, gần gũi, là tấm gương sáng và luôn gần dân, sát dân, nghe dân… dần ùa về với ông Vĩnh. 

Ông Vũ Thành Vĩnh từng làm Bí thư phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Còn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó đang giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội. 

Một sáng năm 2000, Bí thư Thành Ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng đi cùng Tổng Bí thư Đỗ Mười và một số lãnh đạo xuống phường Cửa Nam tham dự cuộc họp chỉ đạo về nội dung xây dựng quy chế dân chủ tại cơ sở.

Khi tới nơi, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng gửi lời chào mọi người với tinh thần cởi mở, gần gũi. Trong quá trình dự buổi họp, vị Bí thư Thành uỷ Hà Nội chăm chú lắng nghe ý kiến của cán bộ, người dân.

"Đặc biệt, tôi còn nhớ như in, khi Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng xuống, mọi người đã dành riêng vị trí ghế ngồi cho ông cạnh Tổng Bí thư Đỗ Mười. Nhưng sau đó, ông lại chọn ngồi ở hàng cuối, ngồi gần với các cán bộ, cử tri của phường. Mọi người lúc này đều cảm nhận được sự gần gũi của vị Bí thư Thành uỷ dành cho cán bộ, cử tri, người dân", ông Vĩnh nói với khuôn mặt ngưỡng mộ, trân trọng những kỷ niệm đẹp về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bức thư đặc biệt từ "Một công dân của Hà Nội"- Ảnh 2.

Bức ảnh ghi lại hình ảnh Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng (ảnh bên phải ngoài cùng) xuống phường Cửa Nam họp và chỉ đạo về nội dung xây dựng quy chế dân chủ tại cơ sở năm 2000. Ảnh PV chụp lại tư liệu của nhân vật.

6 năm sau, ông Vĩnh lại ấn tượng với một hành động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc gần dân, sát dân, luôn đau đáu vì nhân dân. 

Đó là vào năm 2006, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc này là Chủ tịch Quốc hội thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm.

Sau buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng mong muốn được xuống thăm lại phường Cửa Nam. Bởi đây là phường năm 2000, ông đã cùng với Tổng Bí thư Đỗ Mười xuống dự cuộc họp xây dựng quy chế dân chủ tại cơ sở. Ông muốn xem hiện giờ việc thực hiện quy chế này ra sao, như thế nào?

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó là Chủ tịch Quốc hội vẫn nhớ rõ buổi làm việc 6 năm trước", ông Vĩnh kể lại. 

Tại địa bàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nghe được rằng, sau khi phường Cửa Nam thực hiện thí điểm xây dựng quy chế này tốt, thành công, Trung ương đã nhân rộng, thực hiện quy chế này trên khắp cả nước nên ông rất vui, phấn khởi. Nhân dân, cử tri cũng rất hoan nghênh và nhờ quy chế nêu trên mà nhân dân mới có quyền tham gia, kiểm tra, giám sát, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân.

"Thời điểm ấy tôi vẫn là Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND phường Cửa Nam. Việc xuống thăm lại phường Cửa Nam cho thấy ông là con người tâm huyết, luôn theo đuổi những việc làm cụ thể, luôn đau đáu vì dân, sát dân trên mọi cương vị công tác. Và không chỉ riêng tôi, cử tri, người dân ở địa bàn phường đều ấn tượng, dành tình cảm đặc biệt đối với ông", ông Vĩnh bộc bạch.

Bức thư đặc biệt từ "Một công dân của Hà Nội"- Ảnh 4.

Bức thư đặc biệt gửi tặng cho ông Vũ Thành Vĩnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hoàn Kiếm. ký tên Một công dân của Hà Nội Nguyễn Phú Trọng. Ảnh chụp tư liệu của nhân vật. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vị Đại biểu Quốc hội gần dân, hiểu dân

Trong cương vị là Đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng để lại những tình cảm sâu sắc với cử tri, người dân trong những lần tiếp xúc cử tri. 

Ông Vĩnh nhớ lại ngày 1/10/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ.

"Hôm đó ông xuống sớm nhưng không ngồi ngay vào ghế mà đi luôn xuống khu vực các cử tri lớn tuổi chào hỏi, bắt tay, lắng nghe những ý kiến từ cử tri. Ông tạo sự gần gũi với cử tri nên sau đó ai cũng phấn khởi, ấn tượng về phong cách giản dị, gần dân".

Còn với bà Đỗ Thị Duy Nhiên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Ba Đình, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại những hình ảnh ấn tượng, sâu sắc. 

"Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, bao giờ ông cũng rất chăm chú lắng nghe, ghi chép đầy đủ các ý kiến của nhân dân phát biểu. Sau đó, ông trao đổi cặn kẽ với từng người, với tinh thần thẳng thắn", bà Nhiên cho hay.

Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần bản thân bà thấy vô cùng thương tiếc, một con người trí tuệ, gần gũi, chân tình với nhân dân.

Bà Nhiên vẫn nhớ như in lần đầu tiên được tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phường Điện Biên (quận Ba Đình) năm 2023. Lúc đó bà Đỗ Thị Duy Nhiên đang là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Điện Biên.

"Trong buổi tiếp xúc này, Tổng Bí thư rất vui, trao đổi chân tình, gần gũi với nhân dân trong phường và cử tri cũng thoải mái chia sẻ những tâm tư, tình cảm của mình. Đặc biệt, trong giờ nghỉ giải lao, thời gian nghỉ rất ít để các đại biểu uống nước nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, ông không nghỉ ngơi mà đi bắt tay, thăm hỏi từng người một. Tổng Bí thư vui vẻ, thoải mái, lắng nghe tâm tư của cử tri rồi động viên cán bộ, anh em Văn phòng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Ba Đình. Điều này khiến mọi người cảm động, luôn thấy gần gũi, trân trọng", bà Nhiên tâm sự.

Bức thư đặc biệt từ "một công dân của Hà Nội" 

Trong phòng khách của ông Vĩnh luôn treo trang trọng bức ảnh ông chụp chung cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bên góc trái là một kỷ vật quý khác: lá thư Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết dành tặng cho ông trước khi về hưu. Cạnh đó là một tấm thiệp chúc Tết của Tổng Bí thư gửi tới ông.

Bức thư Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi ông Vĩnh có đoạn viết: "Giữ mãi hình ảnh tốt đẹp về một đồng chí Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc quận Hoàn Kiếm: tâm huyết, đầy trách nhiệm vì Đảng, vì Dân; chủ tọa điều hành các phiên họp và tiếp xúc cử tri rất linh hoạt và đạt hiệu quả cao".

Điều đặc biệt, trong bức thư này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký tên với "chức danh": Một công dân của Hà Nội.

"Tôi rất cảm động khi nhận được những lời chúc Tết, bức thư động viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi coi đó như một món quà quý giá, luôn khích lệ tinh thần của cán bộ, Đảng viên làm việc hăng say, phấn đấu, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao", ông Vĩnh chia sẻ với niềm tự hào khi nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bức thư đặc biệt từ "Một công dân của Hà Nội"- Ảnh 6.

Bức ảnh ông Vĩnh chụp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng treo trang trọng trong nhà. Nguyễn Đức.

Phong cách giản dị, gần dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng in đậm trong tâm trí ông Vĩnh qua cuộc thăm, gặp gỡ cán bộ, nhân viên đang làm nhiệm vụ an ninh, trật tự trên địa bàn quận Hoàn Kiếm vào dịp đêm 30 Tết.

"Thời điểm này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội. Sau khi nghe báo cáo xong, ông không về luôn mà quyết định đi bộ một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm để gặp gỡ, chào hỏi, động viên, dặn dò, chúc các chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những hành động rất nhỏ của ông nhưng khiến chúng tôi luôn cảm thấy ấm áp, gần gũi", ông Vĩnh chia sẻ.

Chiều 20/7, Thông cáo đặc biệt về Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được phát đi.

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang.

Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 07 giờ 00 phút đến 22 giờ 00 phút ngày 25 tháng 7 năm 2024 và từ 07 giờ 00 phút đến 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024.

Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.

Lễ an táng lúc 15 giờ 00 phút cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.

Biết thông tin này, ông Vĩnh nói trước khi chia tay chúng tôi: "Tôi và các cử tri khác ở quận Hoàn Kiếm sẽ tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với các bậc tiền nhân".

Theo thông tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Tổng Bí thư đã từ trần vào hồi 13 giờ 38 phút, ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 80 tuổi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem