Tổng kết 10 năm thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục, ngành giáo dục TP.HCM đề xuất một loạt vấn đề "cũ"
Tổng kết 10 năm thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục, ngành giáo dục TP.HCM đề xuất một loạt vấn đề "cũ"
Mỹ Quỳnh
Thứ ba, ngày 09/01/2024 18:05 PM (GMT+7)
Sở GDĐT TP.HCM đề xuất xem xét ban hành chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các địa phương; đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách về biên chế, chế độ tiền lương, đãi ngộ riêng để đảm bảo đủ số lượng giáo viên, phân cấp thí điểm các mô hình giáo dục theo đặc thù TP.HCM...
Ngành giáo dục TP.HCM kiến nghị một loạt vấn đề nóng về trường lớp, lương thưởng giáo viên
Chiều 9/1, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tại hội nghị này, đại diện Sở GDĐT TP.HCM đã có một loạt đề xuất, kiến nghị, trong đó khá nhiều kiến nghị bức thiết đã bàn nhiều về cơ sở vật chật, đãi ngộ, chế độ tiền lương cho giáo viên.
Ngành giáo dục TP kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các địa phương, nhằm giúp thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ GDĐT xây dựng cơ chế, chính sách về biên chế, chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ dành riêng cho ngành GDĐT, để đảm bảo đủ số lượng giáo viên, đúng cơ cấu chuyên môn tại các cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng nhu cầu giáo dục của nhân dân, đảm bảo thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sở cũng kiến nghị Bộ GDĐT có những quy định cụ thể về thi đua khen thưởng kịp thời đối với cán bộ quản lý và giáo viên có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng: Xây dựng các tiêu chuẩn và đề ra tiêu chí về năng lực của cán bộ quản lý;
Xây dựng cơ cấu khen thưởng hợp lý, không chỉ công nhận và khen thưởng việc thực hiện tốt mà còn tạo các cơ hội học tập và phát triển. Chất lượng thực hiện công việc và trả lương sẽ được xem xét trong mối quan hệ với nhau.
Các tổ chức và đoàn thể trong nhà trường phải khuyến khích và tạo các cơ hội học tập và phát triển cho giáo viên thông qua các hội thảo, các khóa học bồi dưỡng chuyên môn do các chuyên gia của các học viên trong nước và nước ngoài thực hiện.
Ngoài ra là một loạt chính sách đào tạo bồi dưỡng, để phát triển năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; có chính sách ưu đãi, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập tham gia đào tạo bồi dưỡng phù hợp với vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp, để đáp ứng với nhiệm vụ được phân công.
Hay có chính sách hỗ trợ cho giáo viên tiếng Anh được đi tu nghiệp ở nước ngoài để nâng cao kiến thức chuyên ngành; ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí xây dựng trường học số - lớp học số, trường học thông minh – lớp học thông minh;
Điều chỉnh, bổ sung Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT ban hành các quy định cụ thể liên quan đến kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến. Ban hành hướng dẫn chế độ quy đổi hoạt động của giáo viên trong tổ chức dạy học trên internet.
Kiến nghị phân cấp thí điểm các mô hình giáo dục theo đặc thù TP.HCM
Riêng với TP.HCM, Sở GDĐT TP.HCM cho rằng mặc dù tiến độ xây dựng trường lớp theo quy hoạch đã được quan tâm, nhưng chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu hàng năm; sĩ số học sinh/lớp còn cao so với quy định, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày chưa đạt chỉ tiêu.
Sở đề xuất thành phố ưu tiên đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch được duyệt, phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận, huyện; trong đó tập trung các khu vực có tốc độ tăng dân số cao hoặc địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thành phố có cơ chế đặc thù, những chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính… để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa. Các khu đô thị mới phải có quỹ đất để giao cho quận, huyện làm nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng trường học...
Cùng với đó, Sở đề xuất UBND Thành phố kiến nghị Bộ GDĐT phân cấp thí điểm các mô hình giáo dục theo đặc thù TP.HCM chưa được quy định trong Luật Giáo dục; Phân bổ chỉ tiêu đào tạo hoặc giao tự chủ cho trường ĐH Sài Gòn và các trường có đào tạo ngành sư phạm thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kịp thời nguồn giáo viên, đặc biệt đối với các ngành hiện đang thiếu hụt giáo viên.
Đặc biệt, có cơ chế đặc thù trong thu hút và tuyển dụng giáo viên giảng dạy các bộ môn khó tuyển dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.