Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nói một cách đơn giản, Tông Nhân Phủ là cơ quan chuyên chế quản lý người trong hoàng thất, nơi này cũng thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim cung đấu thời Thanh. Khi tình tiết phim phát triển lên cao trào, thường sẽ có một câu thoại “lôi thứ tiện nhân này tới Tông Nhân Phủ”, người bị đưa tới đó vừa nghe tới 3 chữ “Tông Nhân Phủ” đã lập tức khóc lóc kêu gào, thà chết cũng không chịu tới đó. Vậy rốt cuộc nơi này làm gì? Tại sao lại trở thành “địa ngục kinh dị” trong những bộ phim cung đấu thời Thanh?
Đặc biệt là trong lịch sử, Tông Nhân Phủ không hề đáng sợ như trong phim. Tông Nhân Phủ ban đầu được bắt nguồn từ đầu thời Minh – thời kỳ vua Chu Nguyên Chương. Chu Nguyên Chương trong năm Hồng Vũ thứ 3, tức năm 1371 thành lập Tông Nhân Phủ của Đại Minh. Ban đầu tên là Đại Tông Chính Viện, là một cơ quan chuyên phụ trách quản lý các sự vụ trong nội bộ hoàng thất, chủ yếu là vì sau khi Chu Nguyên Chương xưng đế, quy mô nhà họ Chu của ông ngày càng mở rộng, tới năm Hồng Vũ thứ 3, tuy thời kỳ ấy triều Minh vẫn chưa hoàn toàn thống nhất nhưng gia đình nhà họ Chu cũng đã tăng lên không ít. Rất nhiều phi tần của Chu Nguyên Chương đã hạ sinh cho ông vô số con cái, số lượng người quá lớn, cần có một cơ quan chuyên môn để quản lý, vì thế Đại Tông Chính Viện đã được thành lập.
Tới năm Hồng Vũ thứ 22, cũng tức năm 1390, quy mô nhà họ Chu đã mở rộng gấp mấy lần so với những năm Hồng Vũ đầu tiên, cháu trai cháu gái của Chu Nguyên Chương cũng vô cùng đông đảo. Lúc này, Chu Nguyên Chương đã đổi tên Đại Tông Chính Viện thành Tông Nhân Phủ, đồng thời mở rộng chức năng và cơ cấu của Tông Nhân Phủ.
Vào thời Chu Nguyên Chương, Trưởng quan cấp cao nhất là Tông Nhân Lệnh, cấp dưới bao gồm Tả Tông Chính, Hựu Tông Chính, Tả Tông Nhân, Hữu Tông Nhân… Phẩm cấp quan chức đều là Chính nhất phẩm, thuộc loại cấp cao. Còn trưởng quan cao nhất là Tông Nhân Lệnh, thường đều do Vương gia nhà họ Chu đảm nhiệm. Lúc này chức trách chính của Tông Nhân Phủ là tiến hành đăng ký, làm sổ, ghi chép các thông tin họ tên, ngày sinh, phong hiệu, tước vị, ích hiệu,… của các thành viên trong hoàng tộc, là một cơ quan quản lý nhân sự, hộ tịch của hoàng gia.
Ngoài ra, Tông Nhân Phủ còn cần phục vụ và xử lý rất nhiều sự vụ thường ngày trong nội bộ hoàng thất. Ví dụ như sắp xếp và lên chi phí cho các việc hiếu hỷ, sinh nở, giáo dục, thưởng phạt, phát bổng lộc,… của các thành viên trong hoàng tộc. Đồng thời, Tông Nhân Phủ còn phụ trách viết gia phả hoàng tộc và sự tích của hoàng đế, ghi chép công lao, tội trạng, thị phi của các thành viên trong hoàng gia, cùng với đó là tiến hành xử phạt các thành viên phạm lỗi, thu thập tình hình của các thành viên hoàng thất, báo cáo định kỳ cho hoàng đế.
Sau này khi tới năm Vĩnh Lạc thứ 18, cũng tức năm 1421, Minh Thành Tổ Chu Đệ dời đô tới Bắc Kinh, vì thế các cơ quan tại Nam Kinh cũng trở thành đồ trang trí. Lúc này, ở Nam Kinh cũng có Tông Nhân Phủ, nhưng về cơ bản đều do Tông Nhân Phủ ở Bắc Kinh quản lý, Tông Nhân Phủ ở Nam Kinh trở thành nơi không cần thiết phải tồn tại, thông thường sẽ để những người không quan trọng hoặc những người già yếu bệnh tật ở lại phụ trách cai quản Tông Nhân Phủ ở Nam Kinh.
Từ đó trở đi, cả hai Tông Nhân Phủ ở cả hai kinh đều không còn do người của hoàng thất quản lý nữa, mà chủ yếu do các đại thần ngoại tộc phụ trách, không thiết lập chức quan chuyên môn, đồng thời Tông Nhân Phủ được quy về bộ Lễ, tất cả mọi công việc đều thông qua bộ Lễ mới có thể chấp hành. Trong cả triều Minh mà nói, Tông Nhân Phủ tuy là một cơ quan quản lý công việc của hoàng gia nhưng từ tính chất mà nói là đó là một cơ quan trực thuộc quốc gia, có chế độ quy tắc tương ứng.
Sau này, khi người Mãn nhập quan (tấn công vào Trung Nguyên) đã kế thừa cả bộ chế độ của triều Minh, trong đó bao gồm cả Tông Nhân Phủ. Tuy nhiên, Tông Nhân Phủ của thời Thanh đã kết hợp chế độ ban đầu của triều Minh, thêm vào đó là những đặc điểm chế độ Bát Kỳ của người Mãn, không ngừng mở rộng, bổ sung chức năng của Tông Nhân Phủ.
Chức năng và định vị của Tông Nhân Phủ triều Thanh không khác nhiều so với triều Minh, vẫn chủ yếu phụ trách các sự vụ sinh hoạt hàng ngày của hoàng tộc và các công việc ghi chép nhân khẩu, hộ tịch,… của hoàng thất. Nhưng Tông Nhân Phủ của triều Thanh lại thoát ly khỏi bộ Lễ, trở thành cơ quan đặc biệt do chính gia tộc Ái Tân Giác La trực tiếp quản lý.
Cuốn sổ ghi chép gia phả của hoàng thất triều Thanh được gọi là Ngọc Điệp, chủ yếu ghi chép các thông tin như gia phả, thân vương, công chúa và xuất thân gia đình của những người thân có quan hệ họ hàng với hoàng thất, sinh thần bát tự,… còn phải ghi chép rõ ràng người đó thuộc Kỳ nào, tước vị gì, tình trạng hôn nhân và sinh tử.
Thứ hai, Tông Nhân Phủ của triều Thanh chủ yếu phụ trách đề ra và chấp hành quy chế của gia tộc, lễ nghi, pháp luật, chế độ thưởng phạt. Cuối cùng là tông miếu tế bái, ích hiệu, miếu hiệu,… của hoàng gia tông tộc. Sau này, do các phi tần, cung nữ trong hậu cung triều Thanh đều được tuyển chọn từ trong Bát Kỳ, vì thế so với triều Minh, Tông Nhân Phủ triều Thanh đã có thêm một công việc quản lý người Bát Kỳ.
Phụ trách cai quản Tông Nhân Phủ của triều Thanh chủ yếu là Bối Lặc có huyết thống hoàng tộc đảm nhiệm, đồng thời lập thêm một người Hán đảm nhiệm chức Phủ Thừa Chính Tam Phẩm. Vì những văn kiện trong Tông Nhân Phủ cần làm một vài công tác phiên dịch, bất kỳ văn thư nào nếu như có bản chữ Mãn thì cũng cần có bản chữ Hán.
Triều Thanh sau khi kế thừa giang sơn của triều Minh cũng đã tiếp thu bài học do số người trong hoàng thất tông tộc quá đông nên cuối cùng đã làm sụp đổ cả vương triều. Triều Thanh khi ấy cũng đã lập ra quy định, ngoài 8 Thiết Mạo Tử Vương ra, những quý tộc triều Thanh khác nếu không lập được công huân, qua mỗi đời sẽ bị giáng một cấp tước vị. Ví dụ đời thứ nhất là Thân Vương, nếu không có công huân thì đời thứ hai sẽ giáng thành Bối Lặc, đời thứ ba sẽ giáng thành Bối Tử, các đời tiếp đó sẽ không có phẩm cấp nữa.
Những tông thất thời kỳ đầu này đến các thế hệ sau sẽ không ngừng bị giáng cấp, họ sẽ ngày càng xa tông thất, khiến việc các gia tộc này hưởng ngày càng ít trợ cấp, bổng lộc quốc gia. Tuy cũng có số ít hậu thế của Kỳ chủ thông qua sự cố gắng của bản thân, làm rạng danh gia tộc, nhưng đa số mọi người trong Bát kỳ đều dần dần mai một, không có thăng tiến, thậm chí là tới mức nghèo khó, cơ nhỡ. Và rất nhiều hoàng thất tông thân và kỳ nhân cũng dần bị đá ra khỏi ghi chép hàng ngày, phạm trù chiếu cố trong Tông Nhân Phủ đời sau ngày càng mai một. Chỉ có khi tuyển tú, Tông Nhân Phủ mới nhắc nhở tham gia đúng giờ.
Cho dù người thống trị triều Thanh luôn chú ý kiểm soát việc gia tăng nhân khẩu tông thất, nhưng tới thời vua Khang Hy vẫn xuất hiện tình trạng không đủ tiền chi tiêu cho hoàng tộc. Vì thế, đến năm Khang Hy thứ 41, Khang Hy đã lấy 6 vạn lượng bạc từ bộ Hộ giao cho Tông Nhân Phủ để mang đi gửi tiền trang (giống như gửi ngân hàng ngày nay), số tiền lợi nhuận có được sẽ cho tông thất sử dụng, dùng để chi tiêu những chi phí hiếu hỷ của họ. Từ sau khi nhận được hỗ trợ tài chính từ thời Khang Hy, Tông Nhân Phủ dựa vào kinh doanh của bản thân cũng dần có được nguồn thu nhập phụ. Sau này, ngoài hôn lễ, tang lễ của các thành viên quan trọng trong hoàng thất, Tông Nhân Phủ cơ bản là có thể tự chi trả cho những thành viên tông thất bình thường.
Cuối cùng, liên quan tới những cảnh trong phim cung đấu, Tông Nhân Phủ cũng có những xử phạt tương ứng đối với các thành viên hoàng tộc phạm quy, phạm pháp, chỉ cần không phạm phải những tội lớn như phản quốc, đầu quân cho địch thì thông thường đều do Tông Nhân Phủ xử lý chứ không giao cho bộ Hình. Đây giống như là hoàng gia tự đóng cửa bảo nhau, tự xử lý việc nội bộ gia đình. Thực ra đây cũng là một hành vi thiên vị điển hình, trong cuốn “Đại Thanh luật” cũng đã có điều khoản giảm tội cho người trong tông thất. Và nếu các hoàng tử phải vào trong nhà lao của Tông Nhân Phủ thì cũng chỉ bị giới hạn tự do mà thôi, thực ra thì đãi ngộ cũng vẫn rất tốt, vẫn ăn uống đầy đủ, còn có người phục vụ riêng như đại phu, người hầu… Còn hình cụ mà Dung Ma Ma sử dụng trong “Hoàn Châu cách cách” thực ra là thứ rất hiếm được sử dụng.
Ngoài ra, những hoàng tử bị nhốt trong Tông Nhân Phủ, triều đình không chỉ đảm bảo cuộc sống ưu việt cho họ mà còn tuyển phi đình kỳ cho họ, cũng không bắt họ tự sinh tự diệt. Còn trong việc quản lý hằng ngày, những người trong Tông Nhân Phủ cũng không dám làm gì những hoàng tử này, vì rất nhiều việc cũng không thể chắc chắn được, nói không chừng hôm nay vị hoàng tử này bị hoàng đế phạt, ngày mai lại được xuất đầu lộ diện thì sao? Nếu như trong khoảng thời gian họ bị phạt mà hành hạ họ, sau này khi được phục vị thì không biết sẽ có hậu quả như thế nào.
Đối với hoàng đế mà nói, cho dù hoàng tử có bị phạt thành người thường, nhưng dù gì đó cũng là con trai của mình, ít nhiều cũng sẽ có chút tình cảm, sẽ không để họ phải lưu lạc dân gian, sẽ do người ở Tông Nhân Phủ tới chăm sóc cho cuộc sống thường ngày của họ. Ví dụ như Thái tử Dận Nhưng của Khang Hy, từng 2 lần bị phế truất và cấm túc, cho dù trong khoảng thời gian bị phế truất, ông vẫn sinh được rất nhiều con cái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.