Tổng thống Putin nói Nga có thể áp dụng khái niệm tấn công phủ đầu của Mỹ

Lê Phương (Fox News; TASS, AP) Thứ bảy, ngày 10/12/2022 21:06 PM (GMT+7)
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa thu hút sự chú ý của quốc tế khi ông cảnh báo rằng chỉ cần một tên lửa đi vào lãnh thổ Nga, "hàng trăm" đầu đạn sẽ đáp trả. Ông nhấn mạnh rằng Nga có thể bắt chước chiến lược tấn công phủ đầu của Mỹ.
Bình luận 0
Tổng thống Putin đưa ra thông điệp mạnh mẽ về răn đe hạt nhân - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty

"Tôi đảm bảo với các bạn, sau khi hệ thống cảnh báo nhận được tín hiệu về một cuộc tấn công tên lửa, hàng trăm tên lửa của chúng tôi sẽ sẵn sàng trên không", ông Putin nói từ hội nghị thượng đỉnh ở Kyrgyzstan, hãng tin RIA của Nga đưa tin. "Những tên lửa này không thể ngăn cản".

"Đối phương không thể đánh chặn hàng trăm tên lửa. Tất nhiên, đây chỉ là biện pháp phòng ngừa, nhưng là một biện pháp phòng ngừa cực kỳ nghiêm túc", ông nói thêm.

Tổng thống Putin cũng gợi ý rằng Nga có thể thay đổi học thuyết răn đe hạt nhân bằng cách áp dụng chính sách tấn công phủ đầu, mà ông gọi là "tấn công giải giáp" - một chiến lược mà ông nhấn mạnh được thúc đẩy bởi chính sách răn đe hiện tại của Mỹ. 

Ông Putin cho rằng khi Mỹ đã không loại trừ chiến lược tấn công phủ đầu, nếu Nga không làm vậy thì đó sẽ là mối đe dọa với các nước đang ở thế phòng thủ.

Rebekah Koffler, một chuyên gia về Nga và cựu tình báo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, giải thích: "Mỹ có chính sách cho phép họ sử dụng vũ khí hạt nhân, không chỉ để trả đũa một cuộc tấn công hạt nhân mà còn để đáp trả các mối đe dọa phi hạt nhân, và Nga cũng vậy".

Bà nói thêm: "Từ quan điểm tình báo, đây là một 'thông điệp chiến lược'", đồng thời lưu ý những bình luận của Tổng thống Putin báo hiệu rằng "Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine nếu Mỹ/NATO tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine - đặc biệt là những vũ khí mà Ukraine có thể sử dụng để tấn công sâu vào Nga".

Bình luận của Tổng thống Putin được đưa ra chỉ vài ngày sau khi xảy ra 3 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở các căn cứ bên trong biên giới Nga. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ tấn công, tuy nhiên Kiev phủ nhận.

"Dựa trên học thuyết hiện tại của Nga, nước này có thể đáp trả bằng các cuộc tấn công hạt nhân, bởi vì căn cứ không quân Engels là nơi trú ngụ của các máy bay ném bom có khả năng hạt nhân được coi là tài sản chiến lược, đáng được bảo vệ bằng vũ khí hạt nhân", bà Koffler giải thích.

"Cuộc xung đột Ukraine có thể trở thành một cuộc chiến toàn diện lan rộng giữa NATO và Nga", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm 9/12 trong một cuộc phỏng vấn.

Ông nói thêm: "Không nghi ngờ gì về khả năng xảy ra một cuộc xung đột toàn diện", đồng thời lưu ý rằng NATO đang làm mọi thứ có thể để ngăn chặn điều này.

Bà Koffler cảnh báo rằng những lời tuyên bố từ các cường quốc hạt nhân hàng đầu có thể làm leo thang chiến sự Ukraine.

Bà nói với Fox News Digital: "Không còn nghi ngờ gì nữa, Nga và Mỹ đang leo thang căng thẳng ở Ukraine. Không bên nào muốn kết thúc bằng một cuộc xung đột trực tiếp, nhưng họ đang vô tình hiểu sai ý định của nhau". 

"Cả hai đều lo ngại đối phương sẽ hành động trước", bà nói thêm.

Trước đó vào hôm 8/12, Tổng thống Putin lên tiếng cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân đang gia tăng trên toàn cầu, song khẳng định nước Nga sẽ không đe dọa sử dụng loại vũ khí này một cách liều lĩnh, mà chỉ dùng vũ khí hạt nhân để đáp trả trong trường hợp bị tấn công trước, theo TASS.

Cùng ngày, Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho biết trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an rằng các quốc gia vận chuyển vũ khí tới Kiev và viện trợ cho các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ phải đối mặt với những hậu quả pháp lý cụ thể.

Ông Nebenzya nói: "Chúng tôi đã cẩn thận ghi lại tất cả các hành động của Mỹ cùng các đồng minh, chúng sẽ có hậu quả pháp lý cụ thể đối với những người liên quan".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem