Top 10 “ông lớn” nắm gần 70% thị phần môi giới chứng khoán gây bất ngờ với lợi nhuận quý II
Top 10 “ông lớn” nắm gần 70% thị phần môi giới chứng khoán gây bất ngờ với lợi nhuận quý II
Quốc Hải
Thứ bảy, ngày 22/07/2023 07:55 AM (GMT+7)
Trong 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất sàn HoSE trong quý II, chỉ có 6 doanh nghiệp nằm trong danh sách top 10 lợi nhuận. Đáng lưu ý, quán quân về lợi nhuận quý II lại không phải VPS, dù công ty chứng khoán này liên tục giữ vị trí top 1 về thị phần môi giới.
Quán quân thị phần môi giới nhưng lợi nhuận suy giảm mạnh
Trong đợt công bố về thị phần môi giới chứng khoán mới đây của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Công ty chứng khoán VPS (VPS) vẫn tiếp tục dẫn đầu về thị phần môi giới cả quý II lẫn 6 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, trong quý II, VPS nắm thị phần tới 19,01%. 6 tháng đầu năm, VPS tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về thị phần môi giới với 17,65%. Tuy nhiên, "quán quân" này chỉ đạt 83 tỷ đồng lợi nhuận trong quý II, giảm mạnh 63% so với cùng kỳ năm trước (225 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, chứng khoán VPS đạt lợi nhuận 200 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước (466 tỷ đồng). Đặc biệt, nếu so về thứ hạng lợi nhuận trong quý II, VPS hiện chỉ xếp vị trí thứ 20.
Ngoài VPS, trong top 10 DN nắm giữ 68,09% thị phần môi giới chứng khoán sàn HoSE, hiện chỉ có 6 DN nằm trong top 10 DN đạt lợi nhuận tốt nhất trong quý II, gồm các đơn vị: SSI, TCBS, VND, HSC, FPTS, và MAS.
Cụ thể, Công ty chứng khoán SSI trong quý II đạt lợi nhuận 525 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ (416 tỷ đồng). Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, SSI lại ghi nhận lợi nhuận đạt 1.006 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ (1.100 tỷ đồng). Đáng lưu ý, SSI hiện chỉ đứng vị trí thứ 2 trong top 10 DN chứng khoán có lợi nhuận cao nhất quý II.
Chứng khoán Techcombank (TCBS) cũng ghi nhận lợi nhuận quý II đạt 442 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ (668 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng đầu năm, TCBS chỉ ghi nhận lợi nhuận đạt 776 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ (1.608 tỷ đồng).
Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) cũng ghi nhận lợi nhuận quý II đạt 421 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ (524 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng đầu năm, VND chỉ ghi nhận lợi nhuận đạt 561 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ (1.286 tỷ đồng).
Với Chứng khoán Tân Việt (TVSI), sau loạt lùm xùm liên quan đến phát hành trái phiếu của Tập đoàn Đầu tư An Đông - doanh nghiệp liên quan đến hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát - TVSI trong quý II chỉ đạt doanh thu gần 24 tỷ đồng, lao dốc 94% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi khấu trừ các loại chi phí, Chứng khoán Tân Việt thu về lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 11 tỷ đồng, bằng 1/10 cùng kỳ năm trước (115 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, TVSI đạt doanh thu hơn 55 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 24 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ (275 tỷ đồng).
Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng ghi nhận lợi nhuận quý II đạt 157 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ (279 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng đầu năm, HSC chỉ ghi nhận lợi nhuận đạt 281 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ (562 tỷ đồng).
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) thì ghi nhận lợi nhuận quý II đạt 140 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ (75 tỷ đồng). Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, FPTS báo lãi 219 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ (288 tỷ đồng).
Còn tại Chứng khoán Mirae Asset (MAS), lợi nhuận quý II đạt 136 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ (180 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng đầu năm, MAS báo lãi đạt 264 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ (464 tỷ đồng).
4 DN còn lại nằm trong top 10 về thị phần môi giới chứng khoán quý II, gồm: Chứng khoán VPS, Chứng khoán MB, Chứng khoán KIS và chứng khoán VietCap đều lọt khỏi danh sách 10 công ty có lợi nhuận cao nhất trong quý II.
Bất ngờ với quán quân lợi nhuận quý II
Hiện tại, theo BCTC đã công bố, Chứng khoán VIX (VIX) hiện đang giữ vị trí "quán quân" về lợi nhuận quý II.
Cụ thể, trong quý II, doanh thu của VIX đạt hơn 688 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi, lỗ ở mức 461 tỷ đồng, tăng 94,5% so với cùng kỳ, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 154,5 tỷ đồng, hoạt động cho vay và phải thu đạt gần 50 tỷ đồng.
Trong kỳ, các loại chi phí của VIX được tiết giảm đáng kể, nhờ đó VIX báo lãi sau thuế 566 tỷ đồng, tăng 871% so với cùng kỳ (58 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động ghi nhận gần 960 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp chính là doanh thu đến từ hoạt động tự doanh ghi nhận hơn 674 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu đến từ các nghiệp vụ như môi giới, các khoản phải thu và cho vay, bảo lãnh phát hành… đạt 285 tỷ đồng.
Kết quả, VIX lãi ròng 576 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái (326 tỷ đồng).
Ngoài VIX, Chứng khoán Vietcap (VCI) cũng được giới đầu tư chú ý. Doanh nghiệp này trong quý II xếp thứ 8 về thị phần môi giới chứng khoán sàn HoSE (4,62%), và xếp vị trí thứ 7 về thị phần trong 6 tháng đầu năm 2023 (4,82%). Tuy kết quả lợi nhuận quý II của Vietcap lọt khỏi top 10 nhưng vẫn đạt 117 tỷ đồng và xếp thứ 13 trong danh sách lợi nhuận top đầu.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý trong BCTC của Vietcap, tính đến thời điểm 30/6, dư nợ cho vay của Vietcap đã tăng nhẹ so với đầu năm lên gần 5.400 tỷ đồng, trong đó dư nợ margin gần 5.300 tỷ. Các khoản FVTPL của công ty có giá gốc gần 555 tỷ đồng; danh mục tài sản AFS (Tài sản tài chính sẵn sàng để bán) tăng hơn 1.000 tỷ so với đầu năm lên mức 3.500 tỷ.
Đáng chú ý, giá trị thị trường các khoản AFS của Vietcap lên đến gần 5.900 tỷ đồng - tương ứng chênh lệch tăng gần 2.500 tỷ.
Hiện, danh mục tự doanh của Vietcap có các mã nổi bật như KDH, IDP, MSN, trong đó khoản đầu tư vào Sữa Quốc tế (IDP) đang tạm lãi hơn 2.200 tỷ đồng, trong khi giá gốc đầu tư chỉ 441 tỷ. Một số mã khác cũng đang ghi nhận giá gốc đầu tư dưới 50 tỷ đồng mỗi mã như HPG, CTG, VNM, MWG, BCM... Hầu hết các mã này đều đang lãi nhẹ.
Ngoài ra, nhìn vào kết quả kinh doanh quý II của nhiều công ty chứng khoán liên quan đến các ngân hàng, đa phần đều có lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận tăng bằng lần.
Chẳng hạn: Chứng khoán VPBank có lợi nhuận quý II là 314 tỷ đồng, tăng tới 353% so với cùng kỳ (69 tỷ đồng); Chứng khoán Vietcombank (VCBS) có lợi nhuận quý II là 132 tỷ đồng, tăng 567% so với cùng kỳ (20 tỷ đồng); Chứng khoán Vietinbank có lợi nhuận quý II là 76 tỷ đồng, tăng 2085% so với cùng kỳ (4 tỷ đồng)…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.