Doanh thu của "The wailing" đạt trên kỳ vọng với 63 triệu đô la Mỹ. Nguồn Yesyes
Bắt đầu từ những cái chết trùng hợp xảy ra tại làng Gkoksung (cũng là tên gốc tiếng Hàn của phim), cảnh sát tạm đưa ra kết luận nguyên nhân tử vong do trúng độc từ nấm dại.
Điều giống nhau trong các vụ án mạng xuất phát từ khi một người lạ mặt xuất hiện tại làng. Cô gái vô danh (Cheon Woo Hee) đã nói với cảnh sát về chuyện cô có mặt ở hiện trường. Từ lời khai này, cảnh sát Jong Goo (Kwak Do Won) chuyển hướng điều tra sang kẻ tình nghi là một ông lão người Nhật mới chuyển đến, sống trên ngọn núi gần làng. Nhưng mọi chuyện chỉ mới bắt đầu khi anh nhận ra cô con gái bé nhỏ có những biểu hiện khác thường.
Phần âm nhạc trong "The wailing" mang lại hiệu ứng tốt cho người xem, đánh trúng tâm lý hồi hộp tò mò khi xem một bộ phim kinh dị. Những tiếng than vọng lên từ khu rừng tạo cảm giác ma mị đến mức ám ảnh. Đó cũng là lý do phim có tựa đề dịch sang tiếng Việt là "Tiếng than khóc".
Đạo diễn: Na Hong-jin
Năm phát hành: 2016
Thời lượng: 156
Diễn viên: Kwak Do-won, Hwang Jung-min, Chun Woo-hee.
"The wailing", phim kinh dị từng gây ấn tượng mạnh tại Liên hoan phim Cannes hồi tháng 5 năm 2016, đã đoạt được hai giải thưởng quan trọng là Bộ phim của năm và Đạo diễn xuất sắc nhất năm dành cho đạo diễn Na Hong Jin.
Doanh thu của "The wailing" đạt trên kỳ vọng với 63 triệu đô la Mỹ. Đó là thành quả xứng đáng dành cho 3 năm tâm huyết chuẩn bị của đạo diễn Na Hong Jin. Phim xuất phát từ yếu tố trinh thám, hình sự nhưng sau đó chuyển hướng sang kinh dị.
9. Phim "The attorney"
Đạo diễn: Yang Woo-suk
Năm phát hành: 2013
Thời lượng: 127 phút
Diễn viên: Song Kang-ho, Kim Young-ae, Yim Si-wan, Oh Dal-su, Kwak Do-won.
"The attorney" lấy bối cảnh những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 thế kỷ trước, "The attorney" là câu chuyện về Song Woo-suk (Song Kang-ho), một luật sư về thuế vụ và nhà đất.
Bộ phim bắt đầu với những lát cắt về cuộc sống của Woo-suk từ khi anh còn là một luật sư bị giới luật gia coi thường cho đến khi gia nhập tầng lớp trung lưu nhờ chăm chỉ tìm kiếm các thương vụ làm ăn.
Là một người đặt mục tiêu nuôi sống gia đình lên trên hết, luật sư Song không mấy quan tâm đến những sự kiện chính trị nóng hổi của đất nước thời bấy giờ. Anh thờ ơ với các phong trào đòi dân chủ của sinh viên trước những chính sách độc tài của Chính phủ đương thời dưới quyền Tổng thống Chun Doo-hwan.
Mọi chuyện thay đổi khi cậu con trai của một người bạn mà Song kính trọng bất ngờ bị tống giam và bị khép tội phản quốc đầy oan uổng chỉ vì cậu đã tham gia vào một hội đọc sách. Park Jin-woo (Yim Si-wan) bị cáo buộc là tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản trong thời điểm mọi sự ủng hộ dành cho cộng sản đều bị coi là chống đối chính quyền và mưu phản tại Hàn Quốc.
Đối diện một vụ án mà kết quả gần như chắc chắn đã được định đoạt từ trước, Song Woo-suk vẫn quyết định bào chữa cho người thanh niên trẻ vì quá phẫn nộ trước việc cảnh sát sử dụng nhục hình để bức cung các thành viên trong hội đọc sách. Sự kiên định của Song Woo-suk đi kèm một cái giá rất đắt là những rủi ro đối với chính sự nghiệp và cuộc sống đời thường của anh.
Bộ phim "The attorney" của đạo diễn Yang Woo-suk đã giành được 3 giải thưởng quan trọng tại Liên hoan phim Rồng xanh lần thứ 35 tại Hàn Quốc. Với giải thưởng Phim truyện hay nhất, giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Song Kang Ho, nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Kim Yeong Ae.
Khi lên nhận giải thưởng cao quý nhất, đại diện nhà sản xuất của "The attorney" đã phát biểu rằng: "Hàng triệu khán giả đến thưởng thức bộ phim "The attorney" đã dùng hành động thiết thực của họ để nói cho những nhà làm phim như chúng tôi biết rằng, sau này nên làm như thế nào để có thể kết nối được với khán giả. Một bộ phim điện ảnh tuy không thể thay đổi cả thế giới, nhưng chúng ta sẽ sống như thế nào? Có những suy nghĩ như thế nào? Từ trong những bộ phim ấy chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều điều".
8. Phim "Roaring curents"
Đạo diễn: Kim Han-min
Năm phát hành: 2014
Thời lượng: 127 phút
Diễn viên: Choi Min-sik, Ryu Seung-ryong.
"Roaring currents" kể lại một câu chuyện gần như bất cứ người dân xứ Hàn nào cũng thuộc nằm lòng: trận thuỷ chiến Myeongryang. Bộ phim đưa người xem trở lại những ngày cuối năm 1597 ở Triều Tiên, khi triều đại Joseon đang phải đối diện với cuộc xâm lược thứ hai của Nhật Bản.
Đô đốc Yi Sun Sin, người từng góp phần mang lại chiến thắng trong cuộc chống xâm lược thứ nhất năm 1592, tiếp tục là người chỉ huy thuỷ quân trong cuộc chiến mới. Tuy nhiên, tình thế lúc này lại hết sức nguy cấp. Mới trước đó hai tháng, hải quân Nhật Bản vừa đánh bại quân đội Triều Tiên trong trận Chilchonryang và nguy cơ mất nước là rất cao.
Thời điểm đó, sau hơn một tháng công chiếu, bộ phim đã thu về 128,4 triệu USD, thu hút hơn 17 triệu lượt người xem, vượt xa vị trí thứ 2 mà bom tấn Avatar xác lập năm 2009 với 13,62 triệu lượt người xem tại Hàn Quốc.
Đạo diễn Kim Han Min chia sẻ: "Bộ phim bắt đầu với một câu hỏi đơn giản: Làm thế nào mà 12 chiếc tàu có thể chiến đấu và chiến thắng trước 330 tàu chiến của đối phương? Tôi hy vọng bộ phim có thể miêu tả một cách chân thực trận chiến bất khả thi này trên màn ảnh rộng. Tôi cũng mong mỏi niềm tin mãnh liệt và chiến thắng của Đô đốc Yi Sun Shin sẽ khích lệ chúng ta, đem lại hy vọng và lòng dũng cảm".
Đảm nhận vai chính Yi Sun Sin là nam diễn viên Choi Min-sik, một gương mặt thuộc hàng lão làng của điện ảnh Hàn Quốc. Tên tuổi của ông gắn liền với những vai diễn nặng ký trong "Oldboy","I saw the devil", "Nameless gangster"... Ông có màn chào sân với Hollywood bằng một vai phụ trong bộ phim hành động "Lucy" của đạo diễn Luc Besson.
7. Phim "Minari"
Đạo diễn: Lee Isaac Chung
Năm phát hành: 2020
Thời lượng: 115 phút
Diễn viên: Han Ye-ri, Alan Kim, Steven Yeun,...
"Minari" - của đạo diễn Lee Issac Chung nói về câu chuyện muốn đổi đời của gia đình người Hàn Quốc. Nội dung đề cập đến nhân vật chính là Jacob Yi (do Steven Yeun thủ vai) - người đàn ông có hoài bão tìm kiếm cuộc sống trong mơ trên đất Mỹ. Để thực hiện mục tiêu của mình, Jacob Yi cùng gia đình chuyển đến vùng ngoại ô Arkansas (Mỹ) để khởi nghiệp. Tại đây, Jacob Yi phải đứng trước lựa chọn đánh đổi nhiều thứ, trong đó có những người thân gia đình...
"Minari" gây bất ngờ khi nhận đến 6 đề cử quan trọng bao gồm: "Hình ảnh phim đẹp nhất", "Đạo diễn xuất sắc nhất", "Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất", "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất", "Kịch bản gốc hay nhất" cùng "Nhạc phim hay nhất" của giải Oscar.
Lần đầu tiên nhận được đề cử tại hạng mục "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất", Steven Yeun chia sẻ: "Bạn biết đấy, đạo diễn Isaac đã viết một kịch bản rất gần gũi. Đạo diễn đã đặt quan điểm riêng của bản thân vào nội dung phim để làm nổi bật cốt truyện. Áp bức hay đau khổ không phải là không tồn tại trong một gia đình, nó không phải là cơ sở cốt lõi để hình thành gia đình. Đó thực sự là câu chuyện về gia đình mà chúng tôi muốn truyền tải".
6. Phim "Train to Busan"
Đạo diễn: Yeon Sang-ho
Năm phát hành: 2016
Thời lượng: 118 phút
Diễn viên: Gong Yoo, Kim Su-an, Jung Yu-mi, Ma Dong-seok, Choi Woo-shik, Ahn So-hee.
Bộ phim xoay quanh những người sống sót trên chuyến tàu từ Seoul đến Busan phải trải qua bao vất vả, chật vật để tới được thành phố an toàn cuối cùng sau khi Hàn Quốc bị lây nhiễm bởi một loại virus chưa được xác định (nguồn gốc do việc rò rỉ từ viện công nghệ sinh học YS).
Không chỉ thu hút người xem ở trong nước, bộ phim "Train to Busan" còn càn quét phòng vé ở các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Bộ phim với sự góp mặt của ngôi sao điển trai Gong Yoo đã tạo ra kỷ lục doanh thu cho điện ảnh Hàn Quốc.
Đây là bộ phim live-action (người đóng) đầu tiên trong sự nghiệp của đạo diễn Yeon Sang Ho, người trước đó vốn chỉ quen làm phim hoạt hình. Tại Hàn Quốc, Train to Busan thu 80,1 triệu USD và là tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất năm 2016.
"Train to Busan" là một trong ba đại diện của Hàn Quốc được mời tham dự Liên hoan phim Cannes 2016, bên cạnh "The handmaiden" của đạo diễn Park Chan Wook và "The wailing" của đạo diễn Na Hong Jin.
"Train to Busan" không chỉ là một bộ phim kinh dị, zombie. Điều khiến bộ phim kinh dị về ngày tận thế zombie trở nên tuyệt vời là khả năng bộ phim đi sâu vào các chuẩn mực xã hội và các vấn đề trong xã hội Hàn Quốc, chẳng hạn như chủ nghĩa giai cấp, nghèo đói... Phim cũng đề cập đến các chủ đề như ích kỷ và hy sinh.
5. Phim "Alive"
Đạo diễn: Cho II-hyeong
Năm phát hành: 2020
Thời lượng: 98 phút
Diễn viên: Yoo Ah-in, Park Shin Hye...
"Alive" là phim kinh dị với đề tài sinh tồn về dịch xác sống của đạo diễn Cho Il Hyung, phỏng theo kịch bản của Matt Naylor. Bộ phim lấy bối cảnh một căn bệnh bí ẩn đột ngột bùng phát và nhanh chóng lan ra khắp Seoul, Hàn Quốc.
Sự lây lan không thể kiểm soát khiến những người sống sót bị giam lỏng bên trong căn hộ của mình mà không có dữ liệu di động, wifi hay sóng điện thoại. Yoo Ah In (vai Joon Woo) và Park Shin Hye (vai Yoo Bin) là hai người sống sót bị cô lập giữa lòng thành phố đầy xác sống, tìm mọi cách để bắt được sóng viễn thông nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Để phù hợp với nhân vật nghiệm game 20 tuổi, Yoo Ah In đã tăng cân và nhuộm tóc. Yoo Ah In nói với hãng tin Yonhap: "Tôi cố gắng làm cho mình hơi mũm mĩm và tròn trịa, cho giống nhân vật, vốn là người mê đồ ăn nhanh".
4. Phim "Ode to my father"
Đạo diễn: Yoon Je-kyoon
Năm phát hành: 2014
Thời lượng: 130 phút
Diễn viên: Hwang Jung-min, Yunjin Kim.
"Ode to my father" là bộ phim trải dài cuộc đời đầy biến cố, gian truân và ly biệt của nhân vật chính Duk Soo từ khi còn là cậu bé 10 tuổi theo gia đình đi sơ tán trong Chiến tranh Triều Tiên cho tới lúc trở thành một ông lão.
Tên của bộ phim tuy giản dị, nhưng chính là chủ đề xuyên suốt mang ý nghĩa sâu sắc về tình phụ tử thông qua một lời hứa suốt đời của một cậu bé với cha mình khi gia đình phải sơ tán và tìm một nơi ở mới ở Busan trong Chiến tranh Triều Tiên vào năm 1950.
Chia sẻ về bộ phim, đạo diễn Youn Je-kyoon cũng nói rằng, ông thực hiện bộ phim vì ông muốn nhắn nhủ tới người cha của mình rằng ông "đã cố gắng hết sức để sống tốt và thực sự nhớ cha" và "chỉ khi trở thành một người cha tôi mới hiểu gánh nặng của một người cha là như thế nào".
"Ode to my father" không có một kết thúc hoàn hảo, phản ánh nỗi đau không thể lành của một gia đình, một dân tộc, phản ánh sự chia tách hai miền Triều Tiên, và cũng là lời nhắc nhở về sự kết nối quá khứ và hiện tại: Nhớ về chiến tranh để biết trân trọng hòa bình.
3. Phim "A taxi driver"
Đạo diễn: Jang Hoon
Năm phát hành: 2017
Thời lượng: 137
Diễn viên: Song Kang-ho, Thomas Kretschmann.
"A taxi driver" kể lại câu chuyện về người lái taxi Man-seob (Song Kang-ho) ở Seoul. Cuộc sống tuy khốn khó nhưng anh rất tốt bụng thường hay bị quỵt tiền taxi và phải một mình nuôi đứa con gái mới lớn.
Man-seob tình cờ biết được một người ngoại quốc đang muốn đến Gwangju với giá tiền rất cao. Man-seob không ngờ mình sẽ phải trải qua một hành trình đầy nguy hiểm. Nhưng cũng nhờ hành trình đó, Man-seob nhận ra sự thật về đất nước mình, và thấy được tình cảm của những con người tự do đang tìm kiếm tiếng nói dân chủ cho nơi họ sống.
Bộ phim không phải là câu chuyện thường thấy về tuyên truyền trong các phim Hàn Quốc, thay vào đó, dòng chảy cảm xúc của nhân vật đến rất tự nhiên.
Bối cảnh phim được đặt vào năm 1980, do đó thiết kế bối cảnh là điều đặc biệt quan trọng. "A taxi driver" đã làm tốt điều này, mang đến một đất nước Hàn Quốc không yên ổn như bề mặt mà có những mạch ngầm tranh đấu cho những lý tưởng về dân chủ.
Đây chính là điều khiến bộ phim ăn điểm và trở thành tác phẩm được yêu thích nhất Hàn Quốc 2017. Không sở hữu dàn sao Hàn đẹp lộng lẫy nhưng bộ phim sở hữu những tình cảm chân thành của con người và con người, "A taxi driver" có một trái tim và nó đã lay động hàng triệu trái tim khác.
2. Phim "New world"
Đạo diễn: Do Park Hoon-jung
Năm phát hành: 2013
Thời lượng: 134
Diễn viên: Lee Jung-jae, Choi Min-sik, Hwang Jung-min, Park Sung-woong, Song Ji Hyo.
Phim hội tụ 3 nam diễn viên tài năng Choi Min-sik, Lee Jung-jae và Hwang Jung-min. "New world" kể về những sự kiện xảy ra sau khi Seok, Chủ tịch tập đoàn Gold Moon qua đời sau một tai nạn đáng ngờ. Gold Moon trên danh nghĩa là tập đoàn kinh doanh nhiều hạng mục, thực chất là tổ chức được ghép từ nhiều băng nhóm XHĐ khét tiếng.
Việc ông trùm qua đời đồng nghĩa với việc tập đoàn tội phạm này cần và chắc chắn sẽ có một người lãnh đạo mới và vì cái chết của Seok quá bất ngờ, không kịp trăn trối điều gì, chúng ta có một cuộc tranh đấu quyền lực giữa các băng nhóm, trong đó 2 nhân vật có tiềm lực nhất là Jung Sung (Hwang Jung Min) của băng nhóm Bắc Nguyệt và Lee Joong-gu của băng Jaemoon.
"New world" không thiếu cảnh đánh đấm máu me bạo lực thể hiện sự tàn khốc của thế giới ngầm. Tuy nhiên, đây không phải thứ nâng tầm "New world" lên thành bộ phim kinh điển về đề tài đã quá quen này. Bộ phim thu hút fan từ kịch bản chặt chẽ, kịch tính với đầy những biến cố khó lường. Đi cùng đó là lời thoại chất lượng, diễn xuất đỉnh cao của bộ ba nam chính trong việc lột tả tâm lý của ba người đàn ông với những toan tính khác nhau.
1. Phim "Parasite"
Đạo diễn: Bong Joon Ho
Năm phát hành: 2019
Thời lượng: 132 phút
Diễn viên: Song Kang-ho, Lee Sun-kyun, Park So-dam...
Bộ phim xoay quanh 2 gia đình với hai hoàn cảnh trái ngược nhau. Gia đình ông Kim thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội, ngược lại gia đình ông Park lại là những người thuộc tầng lớp thượng lưu. Nhờ một người bạn của cậu con trai nhà ông Kim, cả gia đình đã có cơ hội làm việc cho gia đình giàu có kia và bắt đầu hưởng lợi từ chính ông bà chủ của mình.
"Parasite" giúp điện ảnh Hàn Quốc ghi dấu ấn trong lịch sử giải Oscar khi là bộ phim châu Á đầu tiên thắng ở 4 hạng mục quan trọng gồm: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất và Phim quốc tế xuất sắc nhất.
"Parasite" là phim không nói tiếng Anh đầu tiên giành chiến thắng hạng mục Phim hay nhất. Đây cũng là điều chưa từng có trong lịch sử hơn 90 năm của giải thưởng điện ảnh hằng năm của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.