TP.HCM: 163 “quả bom bẩn, nổ chậm” vẫn nằm kề nhà dân

Cao Hùng Chủ nhật, ngày 15/09/2019 13:52 PM (GMT+7)
Vụ cháy nhà máy bóng đèn Rạng Đông đang gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân… Tại TP.HCM, chính quyền đang chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các nhà máy hiện đang tồn tại trong nội thành. Thực tế cho thấy, có quá nhiều lo ngại…
Bình luận 0

163 “quả bom bẩn, nổ chậm” nằm kề nhà dân

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.HCM: “Để xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch, có nguy cơ cháy nổ xen cài trong khu dân cư trên địa bàn TP, từ năm 2003, TP.HCM đã có chủ trương di dời, chuyển đổi hoặc ngưng hoạt động các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm xen cài trong khu dân cư”.

Tuy nhiên, giữa chủ trương với hiện thực vẫn còn khoảng cách. Kết quả, hơn 1.400 cơ sở sản xuất đã di dời, chuyển đổi và ngưng hoạt động sản xuất. Song, sau hơn 10 năm, kể từ khi thực hiện chương trình trên, tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục có những phát sinh mới và  có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đời sống người dân nội thành lẫn ngoại thành.

Theo Sở TNMT TP.HCM, vẫn còn 163 nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn đang trong tình trạng gây ô nhiễm và có nguy cơ cháy, nổ, mất an toàn… Nói như ông Nguyễn Minh Hoà - chuyên gia đô thị học, đó là “163 quả bom bẩn, nổ chậm còn nằm kề nhà dân”.

img

Vụ cháy nổ Công ty Đặng Huỳnh làm 3 người chết và 5 người bị thương nặng. Ảnh: T.V

UBND TP.HCM đã chỉ đạo những cơ sở này phải thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Tùy vào tình hình mà phải cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ môi trường…

Sở TNMT từng ra "Đề án thực hiện chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào khu công nghiệp và vùng phụ cận". Gần đây, Sở đã tham mưu ban hành kế hoạch thí điểm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM. Kết quả, 16 cơ sở đã được di dời vào khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 và 5 cơ sở chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời sang địa phương khác.

Sở TNMT nhìn nhận các cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa chủ động di dời theo đúng nội dung, tiến độ đề ra và thường xin gia hạn thời gian di dời để hoàn tất các hợp đồng giao dịch với khách hàng, giải quyết các khoản nợ tài chính, ngân hàng, lương công nhân. Thậm chí, có cơ sở còn đối phó bằng cách đóng cửa nhà xưởng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát...

Nỗi lo “chợ tử thần” - chợ hoá chất Kim Biên

Thời gian qua, ở TP.HCM từng xảy ra nhiều vụ cháy nổ hóa chất. Kinh hoàng nhất là vào ngày 17/10/2014, tại Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Đặng Huỳnh (quận 12, TP.HCM). Khi các công nhân pha trộn hóa chất để sản xuất phân bón đã xảy ra vụ nổ làm chết 3 người và 5 người khác bị thương. Toàn bộ nhà xưởng của Công ty Đặng Huỳnh bị đổ sập hoàn, đồng thời, gây hư hỏng 86 căn nhà người dân xung quanh, thiệt hại gần 8 tỷ đồng.

Theo thống kê của Sở Công Thương, TP.HCM hiện có khoảng 638 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất đang hoạt động, phần lớn tập trung ở các quận 5, 10, 11, Tân Bình, Gò Vấp và Bình Tân. Trong đó, khu vực chợ Kim Biên (quận 5) có hơn 70 cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp và 25 cơ sở kinh doanh hương liệu, phụ gia thực phẩm.

Từ năm 2016, chính quyền TP.HCM đã có kế hoạch di dời chợ hoá chất Kim Biên (quận 5). Địa điểm đặt trung tâm này ở phường 7, quận 8, trên diện tích khoảng 11ha.

Chợ hóa chất mới được quy hoạch với 4 phân khu chức năng, gồm: khu phức hợp thương mại văn phòng và giao dịch kinh doanh hóa chất, hương liệu, phụ gia thực phẩm; khu vực kho chứa, san chiết, đóng gói hóa chất, hương liệu; khu bãi container và bến thủy nội địa; các công trình phụ trợ khác.

img

Chợ "tử thần" Kim Biên, đến nay vẫn chưa thể di dời. Ảnh: Đ.A   

Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định tiến độ thực hiện công trình gồm 4 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 và 2 hoàn tất các thủ tục liên quan, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư được triển khai ngay trong năm 2016. Từ tháng 3/2017 đến tháng 11/2017 tiến hành xây dựng và dự kiến hoàn tất đưa vào vận hành từ tháng 12/2017. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chợ hóa chất mới vẫn… còn trên giấy và cũng chưa biết đến bao giờ “chợ tử thần” Kim Biên được di dời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem